(TCTG) - Anh là trưởng ban một cơ quan lãnh đạo, quản lý vài ba chục cán bộ, nhân viên. Tuy không phải là “ban to”, nhưng cơ quan có nhiều mối quan hệ với các phòng, ban khác ở địa phương nên chức vụ của anh cũng được khá nhiều người “vị nể”.
Cách đây ba năm, ở vị trí phó ban, anh là người sống giản dị, thanh đạm, mực thước, không thích cuộc sống hào nhoáng, giả tạo bên ngoài theo kiểu “Trưởng giả học làm sang”. Mỗi lần có lời mời mọc đi nhà hàng, khách sạn hay tiêu khiển một thú vui nào đó, anh thường vận vào lý do này, nguyên cớ khác để từ chối hay lẩn tránh một cách tế nhị. Anh không mấy mặn mà với kiểu cách sống ồn ào, xô bồ, rườm rà, phô trương. Vì trong suy nghĩ của anh, mỗi cử chỉ, việc làm của mình đều không qua khỏi tầm mắt của những người xung quanh hay như người ta thường nói là “Quan trên ngắm xuống, người ta trông vào”! Thực ra, thái độ sống của anh không phải quá khắc kỷ, mà có lẽ anh biết giữ mình trước mọi cám dỗ tầm thường.
Thời gian như con tạo xoay vần. Từ khi anh được đề bạt lên chức trưởng ban, người ta bắt đầu thấy anh thay đổi nếp sống và lối sống. Trước hết anh thay đi xe máy từ nhà đến cơ quan (và ngược lại) hằng ngày bằng việc ngồi trong chiếc xe ô tô con êm ru và có máy lạnh, mặc dù theo quy định anh không đủ tiêu chuẩn để được đi xe như vậy. Buổi chiều, anh từ công sở đi ra sân tennis chơi đến bảy, tám giờ tối mới về. Chả biết thắng hay thua, nhưng mỗi khi hứng lên, sau cuộc chơi ấy, anh và mấy vị chức sắc địa phương lại kéo nhau đến những nhà hàng sang trọng ở thành phố để cùng nâng cốc “chén anh, chén chú” rất rôm rả. Thỉnh thoảng xuống cơ sở hay doanh nghiệp nào đó kiểm tra, nếu anh ở lại ăn “bữa cơm thân mật” với cấp dưới thì nhất định phải có “đôi ba em” vừa “rót rượu, bia”, vừa hò hát cho vui nhộn. Vì có lần anh từng nói, ăn bữa cơm như thế mới cảm thấy ngon miệng và thú vị. Trong những buổi họp với sự hiện diện của anh, nhất thiết người làm công tác tổ chức phải giới thiệu đầy đủ họ tên kèm theo học vị (dù mới là thạc sỹ), chức vụ đảng, chính quyền và một số trưởng ban chỉ đạo (kiêm nhiệm) của anh thì anh mới cảm thấy vui vẻ, ưng ý. Sau mỗi ngày làm việc trở về nhà nghỉ ngơi, hàng xóm xung quanh thấy lúc nào nhà anh cũng cổng đóng then cài kín mít, chả mấy khi anh hỏi han, trò chuyện với bà con khối phố lân cận. Kiểu sống khép kín đó khác xa với tính cách khá niềm nở, cởi mở và chan hoà từ ngày anh vẫn còn là chuyên viên hay phó ban.
Có người cho rằng, lên chức vụ mới cao hơn thì đương nhiên anh D phải thay đổi phong cách sống cho “tương xứng, ngang tầm” với vị trí của mình. Có người lại bảo, một số vị chức sắc hiện nay cũng thế, nên anh phải theo thế mới “tồn tại” và phù hợp với “xu thế” và “guồng quay chung” của các quan chức đó. Nhưng không ít người am hiểu nhân tình thế thái thì tâm sự: Cách nói “thế thời, thời thế, thời phải thế” áp dụng vào trường hợp của anh là một cách nguỵ biện không hơn không kém.
Tự ý thay đổi bản sống tốt đẹp vốn có của mình thực ra chỉ lợi bất cập hại. Và đã từng có lời cảnh báo rất thấm thía rằng, từ lịch sự đến kệch cỡm, lố bịch chỉ cách nhau một bước chân. Nếu không tỉnh táo, sáng suốt nhận ra để tự điều chỉnh hành vi, cử chỉ, thái độ sống của mình thì con đường sa ngã phía trước chẳng còn bao xa!
Hải Anh