Lúc gặp nhau, chúng ta thường thể hiện tình cảm hữu nghị, thân thiện bằng cái bắt tay. Bắt tay là một lễ nghi giao tiếp mang tính văn hóa xã hội và biểu thị ý thức tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người trong xã hội. Tuy vậy, xung quanh cái bắt tay hiện nay cũng có một số chuyện đáng bàn.
Có anh cán bộ nọ, cấp bậc và chức vụ cũng “thường thường bậc trung” thôi, nhưng hễ gặp ai có cấp bậc, chức vụ thấp hơn, anh đều chìa tay ra cho “cấp dưới” nắm lấy tay mình. Lâu ngày gặp nhau thì không sao, song một tuần gặp nhau vài ba lần thì việc liên tục muốn cấp dưới “bắt tay” để thể hiện “cái oai” của mình e rằng có lúc hơi thừa, vì “người phải bắt tay” không cảm thấy tự nhiên và thoải mái cho lắm.
Một anh cán bộ khác, khi bắt tay với cấp dưới thì nắm tay rất hời hợt, lỏng lẻo với một đôi mắt lành lạnh, cử chỉ nhạt nhẽo, khô khan. Còn khi bắt tay với cán bộ cấp trên thì lại tỏ vẻ khúm núm, hai tay anh “xoa xoa” vào nhau, nụ cười tươi tắn như hoa và luôn nói những lời có cánh ngọt như… mía lùi! Sự phân biệt “trên, dưới” theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên… hờ hững” thông qua cái bắt tay như thế có phần giả tạo và… thô thiển!
Lại nữa, có người luôn thể hiện sự “sành điệu” hơn người nên khi bắt tay cố tình đặt bàn tay mình lên trên bàn tay của người khác. Cánh tay của họ nắm thật chắc và lắc đi lắc lại nhiều lần để tỏ ra rất “thân thiện, nồng ấm” với đối tượng bắt tay. Cái bắt tay mang dáng dấp “dùi đục” này có vẻ thiếu đi sự nhã nhặn, tinh tế cần thiết và không đúng điều lệnh quân đội!
Một cái bắt tay đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ; bàn tay nắm vừa phải, không quá chặt hay quá lỏng; ánh mắt nhìn vào nhau tràn đầy thiện cảm, phù hợp với tình huống, hoàn cảnh giao tiếp và luôn tôn trọng người bắt tay với mình-đó là cái bắt tay vừa giàu tinh thần đồng chí đồng đội, vừa thể hiện nét đẹp tinh tế, nhân hậu của con người Việt Nam./.
(Theo: Thiện Văn/QĐND)