Thông qua giao lưu văn hóa, người Hà Nội đã chắt lọc, kết tinh được nhiều vẻ đẹp khác nhau nhưng vẫn giữ được cốt cách đặc trưng là hào hoa, thanh lịch, đúng như câu ca dao truyền miệng từ bao đời nay: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

 

Thời xưa, Hà Nội chỉ tập trung ở phạm vi 36 phố cổ, nên phần đông người Hà Nội luôn giữ được cốt cách cao đẹp của người dân kinh kỳ. Còn thời nay, nhất là từ khi Hà Nội được cơi nới về địa giới hành chính, người dân tứ xứ đổ về lập thân, lập nghiệp, cư trú ở Hà Nội ngày càng đông, cùng với tác động của quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa với thế giới, vì thế, tính cách người Hà Nội cũng trở nên đa dạng và có phần phức tạp hơn. Vậy làm sao để giữ được tâm hồn, cốt cách người Tràng An xưa mà vẫn phù hợp với cuộc sống sôi động, phong phú thời hiện đại, là câu hỏi đã được nhiều nhà quản lý, nhà văn hóa của Thủ đô đặt ra từ nhiều năm qua.

Qua nhiều lần hội thảo, tọa đàm, sau cùng, Đảng bộ và chính quyền Thủ đô đã đi đến một thống nhất chung: Muốn xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, trước hết phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô có những chuẩn mực văn hóa cao đẹp để làm gương và lan tỏa trong nhân dân. Đó là lý do để UBND TP Hà Nội vừa chính thức ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Ông cha ta có câu: “Y phục xứng kỳ đức”. Câu này thường được hiểu là người ta phải biết ăn mặc tương xứng với công việc, vị trí xã hội của mình. Hiểu rộng ra, điều này có nghĩa là khi người nào đó có trình độ học vấn, địa vị công tác nhất định, thì họ phải có tác phong, trang phục phù hợp và có thái độ, hành vi ứng xử xứng tầm với nhận thức, địa vị xã hội của mình. Cán bộ, công chức, viên chức là người được học hành, đào tạo cơ bản và nhìn chung có mặt bằng nhận thức, trình độ cao hơn người dân, do đó họ phải có phép tắc, lề lối ứng xử thật sự chuẩn mực để xứng đáng với vị thế là người lo việc nước, việc dân. Hơn nữa, người dân đã phải bỏ ra đồng tiền bát gạo để nuôi bộ máy nhà nước, những người trong cơ quan nhà nước các cấp phải có trách nhiệm “Học ăn, học nói” để biết cách cư xử thấu lý đạt tình cho hợp lòng dân, âu cũng là lẽ đương nhiên.

Có bộ quy tắc ứng xử, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội sẽ có thêm cẩm nang chỉ dẫn để tự mình không ngừng bồi đắp, hoàn thiện những đức tính, phẩm chất cần thiết của người thực thi công vụ, từ đó thực hiện tốt hơn chức trách, công việc được giao. Rồi đây, bộ quy tắc ứng xử này sẽ được quán triệt đến mọi cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và sẽ đăng trên các biển, bảng tại các cơ quan, công sở từ thành phố đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Mỗi lần nhìn vào những nội dung quy tắc ứng xử ấy, những người thực thi công vụ sẽ tự mình điều chỉnh thái độ, cử chỉ, hành vi sao cho “vừa mắt ta, ra mắt người”; đồng thời thấm nhuần tinh thần tôn trọng dân cũng là tôn trọng mình, kính yêu dân cũng như kính yêu những người nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che cho mình.

Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não hành chính, chính trị của quốc gia. Vì thế, Hà Nội phải là “gương mặt đại diện” cho văn hóa quốc gia. Muốn hướng đến điều đó đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô phải kiên trì rèn luyện, thực hiện thật tốt các quy tắc ứng xử để khi người ta nhìn vào Hà Nội là tự hào về Thủ đô văn minh, thanh lịch và cảm thấy tin tưởng, yên tâm khi đến giải quyết công việc ở các cơ quan, công sở của Thủ đô.

THIỆN VĂN/QĐND