Thứ Ba, 25/6/2013 10:36'(GMT+7)
Lâm Đồng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
(TG)- Các cấp ủy Đảng ở tỉnh Lâm Đồng xác định nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là của các cấp ủy Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên.
Là một tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống nên nền văn hóa của Lâm Đồng được hình thành từ bản sắc văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số bản địa gốc Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác cũng như văn hóa của cư dân từ các vùng, miền trong cả nước đến định cư. Chính sự đan xen, hòa quyện giữa các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Lâm Đồng có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16/7/1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời và đã được quan tâm triển khai thực hiện nên từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII được tổ chức vào ngày 18/6/2013 vừa qua, Tỉnh ủy Lâm đồng đã đánh giá là công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị khác của Trung ương về văn hóa đã được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc, chu đáo, chặt chẽ bằng các Chương trình hành động hoặc Kế hoạch thực hiện cụ thể. Các chương trình, chính sách về văn hóa của Trung ương và địa phương được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh góp phần làm cho các dịch vụ văn hóa và hoạt động văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh trong sạch và lành mạnh… Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa trong tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ nét, mức hưởng thụ văn hóa tăng, người dân được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập và hiện đại; không còn “điểm trắng” về văn hóa. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Vấn đề nhận thức, đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội; thu hẹp dần khoảng cách trong đời sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị.
Đặc biệt, với đặc điểm là một tỉnh đa dân tộc, có nhiều thành phần dân cư từ các vùng, miền trong cả nước đến sinh sống tạo nên sự khác biệt về trình độ, thói quen, phong tục, tập quán và sự đa dạng, phong phú về văn hoá nên việc xây dựng con người mới theo những đức tính mà Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII đề ra được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá trong đó có bản sắc văn hoá của các dân tộc trên địa bàn, nhất là dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Hàng năm, tỉnh đều triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu và trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc đã được gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt phương châm “xây” đi đôi với “chống”.
Trong các loại hình di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên gốc Lâm Đồng, di sản văn hóa cồng chiêng được đặc biệt chú trọng. Các Đề án Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Lâm Đồng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, đã mở lớp truyền dạy cồng chiêng; trang bị các bộ chiêng truyền thống cho các địa bàn; tổ chức các mô hình bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại cơ sở theo hướng sử dụng âm nhạc cồng chiêng vào hình thành sản phẩm du lịch; hàng năm đều triển khai các hoạt động tôn vinh các nghệ nhân dân gian văn hóa cồng chiêng tiêu biểu của tỉnh. Với thế mạnh về du lịch thì công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch luôn được chú trọng góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch văn minh, lịch sự, am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương nhằm phục vụ tốt du khách. Phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, tôn tạo, tu bổ các danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch, đã chú trọng bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa, nhất là sản phẩm văn hóa của các dân tộc bản địa gắn với du lịch, thể hiện tiềm năng, thế mạnh vốn có. Ngoài ra, trong những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều tiến bộ, tạo ra giá trị kinh tế cao trong sản xuất nhất là ngành nông nghiệp. Lâm Đồng là một trong những tỉnh tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành phương thức sản xuất phổ biến của người nông dân, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của tỉnh…
Tuy nhiên bên cạnh đó, về hạn chế thì một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thật sự thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; việc kiểm tra đôn đốc trong thực hiện Nghị quyết chưa thường xuyên, liên tục nhất là công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Phong trào “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa thực sự huy động hết sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân tham gia; một số địa phương còn chạy theo thành tích, chất lượng chưa cao. Môi trường văn hóa - du lịch chưa được chú trọng xây dựng và phát triển, sự lồng ghép văn hóa trong du lịch, du lịch trong văn hóa đối với hoạt động du lịch của tỉnh còn hạn chế. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng về lâu dài vẫn còn gặp không ít khó khăn; kinh phí đầu tư cho hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị của di sản văn hóa còn hạn chế, chưa thật sự chủ động, chưa có kế hoạch trong từng năm. Các thiết chế văn hóa chậm được đầu tư xây dựng, trang thiết bị còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa tại địa phương. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao còn nhiều khó khăn, chưa hiệu quả.
Từ những đánh giá trên đây, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị khác của Trung ương về văn hóa trong thời gian tới trên cơ sở đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần xã hội; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh phong trào “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nói riêng, đi đôi với việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát triển văn hoá các vùng miền, coi trọng giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá các dân tộc gốc Lâm Đồng. Quan tâm nâng cao đời sống văn hoá ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nhằm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trên các địa bàn dân cư. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá văn hoá, phát triển các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Tham mưu, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm huy động toàn xã hội tham gia công tác xây dựng và phát triển văn hoá.
Điều đó đòi hỏi các cấp ủy Đảng ở tỉnh Lâm Đồng phải tăng cường lãnh đạo lĩnh vực văn hóa và phải xác định nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là của các cấp ủy Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt phong trào “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt là phải kiên quyết khắc phục tồn tại khuyết điểm sau khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI để từ đó gương mẫu đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa, trong thực hiện nếp sống văn minh cưới, tang và lễ hội và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị 21-CT/TW ngày 24/12/2012. Tập trung khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh phục vụ cho hoạt động và phát triển du lịch, xây dựng môi trường văn hóa - du lịch trong nhân dân và tiếp tục huy động sức dân để xây dựng, nâng cấp và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh…
Cũng trong hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII này, 13 đơn vị và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc đã được Tỉnh ủy Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng khen thưởng./.
Bùi Thanh Long
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng