Mối quan hệ giữa di sản văn hóa và du lịch được người ta coi là mối quan hệ biện chứng, tương hỗ nhau, để di sản có điều kiện phát huy những giá trị của nó, quảng bá rộng rãi hình ảnh tới đông đảo nhân dân, còn du lịch có thêm những sản phẩm thu hút khách, gia tăng giá trị lợi ích. Mấu chốt của vấn đề vẫn là bảo tồn và phát triển, đem lại hiệu quả cho hai bên và cũng là lỗ hổng lớn nếu một trong hai yếu tố trên không tương xứng nhau. Vậy nên, thay vì tận dụng khai thác những điểm đến di sản theo lối mòn như trước kia, những người làm du lịch đang làm mới mối quan hệ giữa di sản và văn hóa bằng cách đầu tư xây dựng điểm đến mới, mang tính đặc trưng nhằm đánh thức xúc cảm của du khách.
Tìm điểm nhấn mới tại điểm đến cũ
Đã từ lâu, người ta nhận ra rằng, tài nguyên du lịch di sản văn hóa kể cả vật thể và phi vật thể chưa được khai thác đúng mức khiến nhiều di sản chưa được phát huy giá trị và sản phẩm du lịch kém phong phú. Ngay cả những điểm đến nổi tiếng như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Huế, Quảng Nam… vẫn còn “bỏ sót” nhiều tài nguyên di sản văn hóa quý giá, chưa tổ chức quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Bất cập nảy sinh, các tua du lịch di sản văn hóa thường khai thác những điểm đến cũ, lặp đi lặp lại, kém sức hấp dẫn với du khách. Sau những cảnh báo của du khách cũng như ngành du lịch, không cách nào khác, các cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành tổ chức xây dựng sản phẩm mới, làm phong phú điểm đến di sản.
Tiên phong trong vấn đề này là Công ty Du lịch Vietravel. Nhận thấy, di sản là tiềm năng lớn của ngành du lịch, song từ lâu các hãng lữ hành mới chỉ đưa khách đến để tham quan, tìm hiểu di sản một cách đơn thuần, tựa như bày sẵn mâm cỗ cho khách xơi, sau đó du khách dễ chán với các món cỗ sau khi đã thưởng thức no nê, không muốn quay trở lại lần sau. Công ty Du lịch Vietravel đã thay đổi mâm cỗ đó bằng các món khác nhau, làm giàu thêm bằng các gia vị để tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Mới đây, đơn vị này xây dựng chương trình tua “Về miền di sản Cố đô” bằng những sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn tạo ra thiện cảm cho du khách từ chính điểm đến vốn đã rất nổi tiếng. Bắt đầu từ Vườn quốc gia Bạch Mã, du khách được viếng thăm Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, được trụ trì đón tiếp, giới thiệu về Thiền viện và Phật Pháp. Sau đó, du khách được thăm làng Sình với dòng tranh dân gian nổi tiếng, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng cổ Phước Tích, suối khoáng nóng Thanh Tân, xem biểu diễn võ thuật của võ phái Vạn An… Tại Đại Nội, du khách được xem lễ đổi gác, nghệ thuật cung đình Huế, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế… Ông Trần Đoàn Thế Duy - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết: “Đơn vị luôn tiên phong xây dựng sản phẩm mới nhằm quảng bá đến đông đảo du khách nét hấp dẫn và đặc trưng riêng của các giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng nổi tiếng các vùng miền. Đặc biệt, chuẩn bị cho Festival Huế 2014, công ty đang tích cực quảng bá cho điểm đến này”.
Ngay tại Hà Nội, du khách đến đây không chỉ biết tới Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám, làng gốm Bát Tràng…, mà bây giờ còn biết tới cả làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, chùa Trấn Quốc… Thậm chí tại các điểm đến, người ta đưa vào các loại hình du lịch phục vụ du khách để khách có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về các giá trị của di sản. Ví như tại phố cổ Hà Nội, ngoài ngồi xích lô hay xe điện ngắm phố cổ, du khách còn được đến ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đền Bạch Mã, đền Quán Đế, đình Hồng Lạc, cùng thưởng thức ca trù vào các tối trong tuần, xem cải lương với lời tựa tiếng Anh, ăn chả cá Lã Vọng, bún thang. Và như vậy, giá trị của di sản là không giới hạn nếu những người làm du lịch biết cách khai thác và phát huy một cách hiệu quả.
Tạo những trải nghiệm cho du khách
Trong chuyến thăm làng gốm cổ Bát Tràng, anh Francois Cluzet - quốc tịch Pháp rất thích thú khi vừa được thăm chợ gốm, các cửa hàng trưng bày, nơi sản xuất gốm và đặc biệt được tự tay nặn vuốt gốm thử. Với anh, được chứng kiến và tham gia công đoạn làm gốm bằng thủ công mới tạo cho anh cảm giác thú vị. Francois Cluzet chia sẻ: “Nhìn những sản phẩm gốm đã hoàn hiện, cứ ngỡ làm rất đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó khăn thế nào. Từ độ căn chỉnh kích cỡ, vuốt gốm cho tròn trịa đến cả tìm ra các mẫu mã sản phẩm để làm. Tôi thấy những người thợ gốm ở đây thật là tài giỏi”.
Hay du khách đến thăm làng hoa giấy Thanh Tiên (Huế) sẽ được đạp xe trên con đường làng, xuyên qua cánh đồng để thăm các gia đình làm hoa. Trải nghiệm này mang lại cảm giác sảng khoái, mới lạ cho khách, vì thay bằng xe đưa đón, người ta tự vận động một cách nhẹ nhàng trong một không gian thanh bình, mát mẻ. Điều đó tạo nên sự khác biệt trong hành trình khám phá di sản của du khách.
Trong thời gian qua, nhiều công ty du lịch đã thử nghiệm và triển khai nhiều sản phẩm du lịch độc đáo bằng việc tạo điều kiện cho khách tham gia vào những quy trình sản xuất thủ công hay tham gia khám phá các di sản bằng cuộc thi tìm hiểu, lưu trú tại nhà dân (homestay), du lịch xanh (đạp xe đạp), giao lưu với nghệ sĩ khi tham gia thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Điều đó không chỉ tạo sự thú vị cho du khách mà làm cho khách gần gũi hơn với di sản, với thiên nhiên và cuộc sống tại điểm tham quan. Nhưng đồng thời thông qua đó, du khách càng có trách nhiệm hơn trong gìn giữ di sản, gìn giữ cảnh quan khi đến tìm hiểu, tham quan. Loại hình du lịch này đang được nhiều công ty du lịch áp dụng, nhận được sự hưởng ứng của nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các cơ quan quản lý du lịch cũng đang khuyến khích loại hình du lịch này phát triển. Ông Mai Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “Chúng ta cần nghiên cứu, đầu tư, xây dựng các loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng lựa chọn cho khách tại các điểm đến di sản văn hóa. Chẳng hạn phát triển hình thức lưu trú tại nhà dân, kết hợp tham quan điểm đến văn hóa với du khảo đồng quê, gắn với các tua du lịch nông nghiệp, du lịch tín ngưỡng, du lịch nâng cao sức khỏe…”.
Giá trị của di sản đối với du lịch là không thể phủ nhận, song nếu chỉ trông vào những thứ sẵn có của di sản thì cả di sản lẫn du lịch sẽ không phát triển. Sự hấp dẫn chính là sự đầu tư trở lại cho di sản và cách khai thác, kết nối những giá trị khác với di sản./.
Đinh Thị Thuận/Ttxvn