Năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo ngành y tế triển khai hiệu quả các Chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương; tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản – Nhi. Công tác theo dõi, giám sát các bệnh dịch được thực hiện thường xuyên; Hoạt động hỗ trợ chuyên môn và phương pháp nghiệp vụ cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện được tăng cường; Công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt. Do đó, trong năm không có bệnh dịch lớn xảy ra, chỉ có một số ca bệnh cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết xuất hiện rải rác.
Các chương trình mục tiêu tiếp tục được triển khai có hiệu quả, trong đó chương trình tiêm chủng mở rộng đã có 17,337 nghìn trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vắc – xin, tăng 7,3% so năm 2017; chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và mục tiêu phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục được triển khai ở tại các cơ sở y tế trên địa bàn; chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt nhằm kiểm soát tốc độ tăng dân số, nâng cao chất lượng dân số, hạ thấp chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; chương trình phòng, chống HIV, AIDS được truyền thông rộng rãi... góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống HIV, AIDS trong cộng đồng.
Công tác quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, trong năm các lực lượng chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra 4,051 nghìn lượt cơ sở, tăng 0,9% so với năm 2017, qua kiểm tra có 84,8% cơ sở đạt tiêu chuẩn, 15,2% cơ sở không đạt tiêu chuẩn và đoàn kiểm tra đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, trong đó cảnh cáo 18 cơ sở, phạt tiền 94 cơ sở, 4 cơ sở bị hủy sản phẩm, tạm dừng hoạt động 4 cơ sở. Về tình hình ngộ độc thực phẩm, trong năm trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 01 vụ, với 81 người mắc phải nhập viện, không có trường hợp tử vong (so với cùng kỳ năm 2017, số vụ ngộ độc giảm 02 vụ nhưng số người mắc tăng 41 người, số người đi viện tăng 43 người).
Công tác khám, chữa bệnh được tiếp tục cải thiện ở cả 3 tuyến. Việc thực hiện Quy chế bệnh viện, Quy trình kỹ thuật chuyên môn được thực hiện nghiêm túc từ khâu tiếp đón người bệnh, làm hồ sơ bệnh án, chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng và điều trị. Thực hiện đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm y tế năm 2018 đảm bảo đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc được thực hiện thường xuyên, ở tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc. Hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ thuốc kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân được quan tâm, Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác thẩm định cấp giấy chứng chỉ hành nghề, kinh doanh dược và khám, chữa bệnh; đồng thời, thường xuyên tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về hành nghề y, dược, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đạt được những kết quả tích cực. Năm 2018, có 08 đơn vị y tế công lập thực hiện liên doanh, liên kết, có 30 loại trang thiết bị y tế thực hiện liên doanh, liên kết, tổng trị giá máy thực hiện liên doanh, liên kết là 86,9 tỷ đồng, góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các kỹ thuật chẩn đoán lâm sàng hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.
Tuấn Anh