Chủ Nhật, 8/12/2024
Vĩnh Phúc
Chủ Nhật, 2/12/2018 15:47'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực

Ngay từ đầu năm 2018, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành năm 2018 là tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ du lịch. 

Bên cạnh đó, tổ chức hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm thủ tục, thời gian, chi phí, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng. 

Triển khai có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy về sắp xếp bộ máy, cán bộ công chức, viên chức của tỉnh. 

Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng; đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý và chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương áp dụng nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng năm 2018 ngay từ quý I. Chủ động theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư,…. theo từng tháng và đã có nhiều chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Nền kinh tế của tỉnh năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kết quả nổi bật năm 2018 là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,06%, vượt mục tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra (7,5-8%). 

Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 13,54% so với năm 2017 và là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây(), đóng góp 6,61 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, cao hơn mức tăng trưởng năm 2016 và năm 2017(), đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,24 điểm %; các ngành dịch vụ tăng 7,36%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,57 điểm %. Riêng thuế sản phẩm giảm 1,55% so với năm 2017, làm giảm 0,36 điểm % trong tăng trưởng chung của tỉnh. Nếu loại trừ ảnh hưởng của yếu tố thuế thì giá trị tăng thêm của tỉnh năm 2018 tăng 11,03% so năm 2017.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng, ước năm 2018 quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt gần 93,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 9,56%) so với năm 2017, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 85,62 triệu đồng/người/năm, tăng 6,57 triệu đồng/người/năm so với năm 2017. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã dần đi vào chiều sâu, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, ước năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 39,5 triệu đồng/người, tăng 7,38% so năm 2017.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm từ 8,52% năm 2017 còn 8,17% năm 2018, khu vực công nghiệp–xây dựng tăng từ 59,62%  lên 60,71%. Khu vực dịch vụ giảm từ 31,86% còn 31,12% (do năm 2018, tăng trưởng khu vực dịch vụ thấp hơn tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng).

Về thu ngân sách nhà nước, năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành và đặc biệt là ngành thuế chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước; tích cực đôn đốc, khai thác các nguồn thu trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ thuế... 

Do vậy, mặc dù thu ngân sách của tỉnh từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm khi thực hiện chính sách giảm thuế đối với sản phẩm ô tô nhưng hầu hết các khoản thu khác đều đạt hoặc vượt dự toán nên kết quả thu ngân sách của tỉnh đến 31/10/2018 đạt 25,87 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 22 nghìn tỷ đồng và dự kiến cả năm tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, đạt 99% dự toán và bằng 101% so với thực hiện năm 2017.

Bảo Long
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất