Năm 2017, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp, thể hiện quyết tâm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những giải pháp đột phá là Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế từ các cơ quan đảng, đoàn thể, nhà nước đến các hội đặc thù;từ cấp tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố. Song hành với đó, Vĩnh Phúc đã gắn chặt việc thực hiện Đề án số 01 với triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Tinh gọn tổ chức bộ máy
Trong thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực tuyên truyền, quán triệt nội dung các Nghị quyết, Đề án đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Thông qua đó đã nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, quyết tâm triển khai thực hiện việc tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, so với năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được 174 đầu mối. Trong đó, Khối đảng, đoàn thể giảm 38 đầu mối, trong đó có 26 phòng, ban và tương đương trực thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện (gồm cả một số đầu mối dưới cấp phòng thuộc ban, ngành) và 12 đơn vị sự nghiệp công lập. Khối chính quyền giảm 136 đầu mối, trong đó có 50 phòng, ban và tương đương trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (gồm cả một số đầu mối dưới cấp phòng thuộc sở) và 52 đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, để tiến tới thành lập các tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo chuyển Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh; Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh về Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý. Chuyển Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh về Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh quản lý.
Về kết quả hoạt động sau sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đã khoa học, gọn gàng hơn, giảm nhiều đầu mối trực thuộc. Vì vậy, đã bước đầu khắc phục được sự chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ giữa các phòng, ban, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc. Sau sắp xếp, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng đã giảm so với trước và sẽ giảm nhiều khi hết thời gian thực hiện chính sách bảo lưu chung.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, một số nội dung triển khai chậm so với kế hoạch và yêu cầu (có danh sách gửi kèm). Việc thí điểm sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện vào ban tuyên giáo cấp ủy khi ban tuyên giáo cấp ủy cấp chứng chỉ bồi dưỡng đã phát sinh vướng mắc cho người học khi chuyển công tác ra ngoài tỉnh và chính sách đối với các trường hợp viên chức được chuyển về làm việc trong các cơ quan hành chính. Việc sáp nhập một số đơn vị có quy mô lớn, vị trí xa nhau (Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật vào Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc) phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Việc bố trí số lượng lãnh đạo cấp phó ở một số đơn vị sau sắp xếp các tổ chức còn cao, cần có thời gian để bố trí, điều chỉnh phù hợp.
Tinh giản biên chế và người hoạt động không chuyên trách
Trong thời gian vừa qua, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tinh giản 1529 biên chế gồm tinh giản theo Nghị định 108 của Chính phủ là 260 người, tinh giản theo Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh 363 người, do cắt giảm và nghỉ hưu 906 người.
Trong đó, khối Đảng, đoàn thể, đã tinh giản 103 người (trong đó tinh giản theo Nghị định 108 của Chính phủ 12 người, theo Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh 12 người; tinh giản do cắt giảm và nghỉ hưu 69 người, tinh giản thôi việc 10 người), đạt 9,5% so với yêu cầu tinh giản của Trung ương giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên do Trung ương tính cả hợp đồng theo Nghị định 68 vào biên chế nên từ nay đến năm 2021, khối Đảng, đoàn thể cần phải tinh giản thêm 87 biên chế.
Khối chính quyền, đã tinh giản 1426 người (trong đó tinh giản theo Nghị định 108 là 248 người, tinh giản theo Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh là 351 người, tinh giản do cắt giảm và nghỉ hưu 827 chỉ tiêu), đạt 6,1% so với yêu cầu của Trung ương giai đoạn 2016-2021. Từ nay đến năm 2021, khối chính quyền phải tinh giản thêm 873 biên chế.
Về tinh giản người hoạt động không chuyên trách, thực hiện Nghị quyết 22/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đến ngày 01/4/2018, số lượng người hoạt động không chuyên trách giảm so với thời điểm tháng 4/2015 là 10.704 người. Hiện còn 7.996 người, trong đó cấp xã 1089 người; thôn, tổ dân phố 6907.
Sau hoạt động sau tinh giản, số lượng biên chế, nhất là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố đã giảm nhiều, giúp bộ máy được gọn nhẹ hơn, thu nhập của người lao động được tăng thêm.
Thông qua tinh giản, ý thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực thi công vụ được nâng lên.
Tuy nhiên, chất lượng tinh giản biên chế chưa cao, nhiều cán bộ năng lực yếu, không đáp ứng yêu cầu công việc nhưng chưa có giải pháp thay thế, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc. Một số cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm xin nghỉ hưu theo Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh, cùng với việc cắt cán bộ hợp đồng chuyên môn cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Việc Ban Tổ chức Trung ương tính hợp đồng 68 vào tổng biên chế chung của khối Đảng, đoàn thể, dẫn đến việc tinh giản và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khối Đảng, đoàn thể sẽ khó khăn hơn. Nghị quyết số 31 của HĐND không quy định rõ đối tượng được hỗ trợ thôi việc là cán bộ nên một số địa phương đã không triển khai thực hiện chế độ thôi việc cho nhóm đối tượng này.
Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII thành Chương trình hành động cụ thể
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết số 18 và số 19, ngày 25/10/2017), Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu với Tỉnh ủy cụ thể hóa thành Chương trình hành động số 49-CTr/TU, ngày 30/01/2018 và Chương trình số 54-CTr/TU, ngày 12/3/2018. Căn cứ vào các Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, đề án triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm 2018.
Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại các huyện, thành ủy; tham mưu chủ trương sáp nhập và bố trí cán bộ công chức kiêm nhiệm lãnh đạo một số tổ chức hội đặc thù cấp tỉnh, cho chủ trương về hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên của các hội trong năm 2018; tham mưu không bố trí thêm phó chủ tịch HĐND cấp huyện đối với những nơi còn thiếu; xây dựng dự thảo phương án tổ chức lại Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh.
Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu dự thảo phương án thực hiện văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2177 và Kế hoạch số 2175, ngày 02/4/2018 thực hiện Chương trình hành động số 49 và Chương trình hành động số 54 của Tỉnh ủy; chuyển giao Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trực thuộc Phòng Y tế cấp huyện về trực thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện quản lý.
Các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể tỉnh; các huyện, thành, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục rà soát sắp xếp bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế và chính sách thôi việc theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Huyện Yên Lạc đã triển khai thực hiện mô hình trưởng ban tổ chức cấp ủy kiêm trưởng phòng nội vụ, đồng thời đề nghị được triển khai thêm mô hình chủ nhiệm UBKT cấp ủy kiêm chánh thanh tra huyện. Các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Yên đã triển khai thực hiện chủ trương bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã theo lộ trình.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm
Từ nay đến năm 2018, Vĩnh Phúc xác định triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục tin gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, về cơ bản các sở, ban, ngành có từ 5 đầu mối trở lên giảm thêm ít nhất 1 đầu mối. Tổ chức lại Ban giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất tỉnh. Tổ chức lại Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Thành lập bộ phận Văn phòng phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.
Đối với các cơ quan chuyên môn cấp huyện, tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm sáp nhập ban tuyên giáo và ban dân vận cấp ủy; thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh như trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ, chủ nhiệm UBKT kiêm chánh thanh tra, trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ cùng cấp...
Giải thể phòng Y tế thuộc UBND các huyện, thành phố; chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực Y tế về Văn phòng HĐND & UBND cấp huyện thực hiện.
Đối với cấp xã, rà soát, sắp xếp các xã đảm bảo tiêu chí theo quy định, những nơi chưa đảm bảo thì sáp nhập, hợp nhất đảm bảo mối quan hệ, tập quán của mỗi vùng miền và địa phương. Rà soát, xây dựng đề án sáp nhập các thôn, tổ dân phố không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Đồng thời, thí điểm thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp. Xây dựng kế hoạch khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên. Tiếp tục thực hiện giảm số người hoạt động không chuyên trách, đảm bảo đến năm 2021 mỗi thôn, tổ dân phố không quá ba người hoạt động không chuyên trách được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.
Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế, kiên trì giữ ổn định và thực hiện tinh giản biên chế, giảm số lượng CBCCVC đi đôi với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ. Về nguyên tắc, không tăng biên chế trong toàn tỉnh, trường hợp thành lập tổ chức mới hoặc được giao thêm nhiệm vụ thì cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan.
Thực hiện tinh giản biên chế toàn tỉnh theo lộ trình; khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng nguồn thu từ sự nghiệp.
Thống nhất chủ trương dừng tuyển mới công chức, viên chức và gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế.
Tiếp tục thực hiện thí điểm bố trí cán bộ kiêm nhiệm, nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo cấp huyện, cấp xã và nhân viên trường học ở những nơi có đủ điều kiện.
Chắc chắn, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, Vĩnh Phúc sẽ thiết thực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thu Hằng