(TG)-Lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy.
Thời gian qua, quy mô mạng lưới trường lớp ở Vĩnh Phúc được rà soát, quy hoạch, sắp xếp theo tinh thần Đề án 01/ĐA-TU của Tỉnh ủy. Trong đó, toàn tỉnh đã tổ chức, sắp xếp giảm 26 trường công lập gồm 4 trường Mầm non, 19 trường Tiểu học và 3 trường trung học phổ thông (THPT). Cơ sở vật chất trường học, lớp học tiếp tục được quan tâm, đã có 290 phòng học được đầu tư xây mới; xây mới trường THPT Đồng Đậu và chuẩn bị đầu tư xây dựng trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc ở vị trí mới,… đến nay tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học ở các bậc học tiểu học, trung học cơ sở (THCS), THPT đạt từ 95-100%, bậc mầm non đạt 79%. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy nhanh, toàn tỉnh hiện có 505 trường chuẩn quốc gia, tăng 40 trường so với năm học trước, đạt tỷ lệ 93%.
Hoạt động giáo dục đã được triển khai tốt với phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá,… được thực hiện đồng bộ. Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững; kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 toàn tỉnh có 19 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%; chất lượng điểm trung bình các môn thi của học sinh trong tỉnh đứng thứ 4 toàn quốc, tăng 2 bậc so với năm 2017; chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục đạt mức cao; ngoài các cuộc thi do tỉnh, do Bộ tổ chức, học sinh Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia các cuộc thi như thi Toán Hà Nội mở rộng, Tìm kiếm tài năng toán học trẻ, Olimpic toán Singapore mở rộng và đều đạt thành tích tốt.
Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đầu tư; từng bước chuẩn hóa trình độ giáo viên theo quy định của Bộ Lao động. Ước cả năm 2018 toàn tỉnh có 25,4 nghìn người được tuyển mới giáo dục nghề nghiệp, tăng 2% so với năm 2017, trong đó trình độ cao đẳng là 1,6 nghìn người, trình độ trung cấp là 5 nghìn người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 18,8 nghìn người.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm chuẩn hóa về trình độ, nhận thức, kỹ năng giải quyết công việc, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện tốt.
Nam Hải