Thứ Bảy, 27/7/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 9/5/2018 11:26'(GMT+7)

Làm tốt công tác tuyên giáo góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động

Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn, có đồng chí Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Làm việc với đoàn công tác, có đồng chí Bùi Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Hải Phòng.

 

 

Hoạt động công đoàn hướng về đoàn viên và người lao động

 

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Quang Tuân, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ thành phố Hải Phòng cho biết, trong những năm qua, Hải Phòng đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện trong các thành phần kinh tế phát triển cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Hằng năm, đã giải quyết được trên 50.000 việc làm mới cho người lao động. Đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã tạo việc làm mới cho hàng vạn lao động.

 

Mức lương của cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong cơ quan, đơn vị khu vực Nhà nước ổn định, được tăng lên theo lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu của Nhà nước. Tuy nhiên, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thành phố có tăng, song chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, nên đời sống của người lao động vẫn gặp khó khăn.

 

Đến nay, đã có 1.004 đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện, có 327 đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, 117 đơn vị mua suất ăn ngoài cho CNLĐ, 404 đơn vị hỗ trợ tiền ăn ca, 156 đơn vị chưa có chế độ ăn ca cho CNLĐ. Mức hỗ trợ ăn ca cho người lao động ở mức từ 15.000đ/người – 40.000đ/người.

 

 

Ý kiến tâm huyết từ cơ sở

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã có những trao đổi về các nội dung như: điều kiện làm việc, thực hiện chính sách pháp luật lao động, về quan hệ lao động, các thiết chế công đoàn, tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động.

 

Đại diện công đoàn của các công ty trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đại diện công đoàn ngành bày tỏ những tâm tư, những khó khăn vướng mắc trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của CNVCLĐ ở khu công nghiệp. Trong đó, tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất cá thể, tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu, lao động thủ công, nặng nhọc và độc hại vẫn chiếm tỉ lệ cao. Vẫn tồn tại tình trạng công nhân lao động vẫn phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn lao động. Mức ăn ca của người lao động còn thấp, chất lượng an toàn thực phẩm bữa ăn không bảo đảm. Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh  nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

 

Việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm các quy định về chính sách pháp luật lao động.

Về vấn đề nhà ở, các thiết chế công đoàn, mặc dù, Hải Phòng đã có chủ trương xây dựng dự án nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, nhưng vẫn còn khó khăn, bất cập. Hàng vạn người lao động vẫn phải thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ không bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội..

 

Hầu hết ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp không có khu sinh hoạt văn hóa, thể thao dành cho công nhân lao động và nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ việc nuôi dạy, học tập của cho con người lao động.

 

Thành phố Hải Phòng đã thực hiện Nghị quyết 20 về xây dựng giai cấp công nhân, song chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Một số cấp ủy, chính quyền còn có nhận thức chưa đúng về vai trò, chức năng của công đoàn, có lúc, có nơi còn coi nhẹ vai trò công đoàn, chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

 

Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa tạo điều kiện bố trí thời gian cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nên nhận thức pháp luật lao động của người lao động còn hạn chế.

 

 

Những kiến nghị thiết thực

Các đại biểu cũng kiến nghị, cần có sự tham mưu với Đảng, Nhà nước hướng dẫn các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động; tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20 về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng, triển khai nội dung, phương thức tuyên truyền để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nói chung, giai cấp công nhân hiệu quả nhất.

 

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm tốt công tác tuyên giáo để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nhận thức đoàn viên, người lao động.

 

Nghiên cứu, xây dựng các mô hình, phương thức hoạt động công đoàn cho phù hợp với tình hình mới nhằm thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

 

Đồng thời, đoàn viên và người lao động cũng mong muốn tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò, chức năng và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về đoàn viên và người lao động; thực sự là cầu nối, gần gũi, mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với quần chúng công nhân lao động; là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Ngọc, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hải Phòng khẳng định, nhìn chung, đại bộ phận cán bộ công chức, viên chức, công nhân, lao động thành phố tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thành phố, luôn dành sự quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

CNVCLĐ thành phố cũng bày tỏ mong muốn đất nước và thành phố ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bản thân và con em đến tuổi lao động có việc làm ổn định và thu nhập đủ sống, được học tập và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, các quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng, được bảo đảm; đời sống văn hóa tinh thần được quan tâm hơn.

 

Đồng chí Bùi Thị Ngọc bày tỏ mong muốn, cần có những chế độ chính sách hết sức cụ thể, thiết thực cho công nhân lao động. Khi có những chủ trương, văn bản nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công nhân, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành để đảm bảo chủ trương đó được thực thi, thực sự đi vào cuộc sống.

 

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Vũ Mạnh Tiêm đã đánh giá cao những kết quả các cấp công đoàn của LĐLĐ Thành phố Hải Phòng đã làm được trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLĐ trong thời gian vừa qua.

 

Đồng thời, đoàn công tác đã có những ý kiến trao đổi trở lại đối với những ý kiến tại buổi làm việc. Đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến, phản ánh, kiến nghị, đề xuất của buổi làm việc, bổ sung và hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Liên đoàn lao động. Đây sẽ là cơ sở thực tiễn để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Liên đoàn lao động đề ra những chủ trương tiếp theo về giai cấp công nhân.

 

* Cùng ngày, đoàn đã đến gặp gỡ công nhân viên chức lao động của công ty Synztec (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng - huyện An Dương - Hải Phòng); thăm và tặng quà cho công nhân lao động ở khu nhà trọ huyện An Dương, Hải Phòng.

 

Về lao động, tính đến ngày 31/12/2017, LĐLĐ thành phố quản lý 2.630 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 251.092 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ); tổng số đoàn viên công đoàn là 230.053 người, trong đó có trên 80.000 công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp.

 

 

 

 

 

 

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất