(TG) - Ngày 19/4, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Tích cực trong lãnh đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Bí thư Đảng ủy đã báo cáo đoàn công tác về kết quả thực hiện: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 19/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; do đó, nội dung công việc của Bộ rất phong phú, đa dạng, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của nhân dân. Những năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Ban Cán sự đảng Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước một cách quyết liệt với nhiều nhóm giải pháp thiết thực, hiệu quả. Vì vậy, các lĩnh vực hoạt động của ngành được duy trì, một số lĩnh vực đã có thành tựu nổi bật (Bảo tồn di sản văn hóa, quản lý lễ hội, du lịch, thể thao).
Việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa được quan tâm, triển khai sâu rộng ở cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được phát triển. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng được đôn đốc thực hiện thường xuyên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, có tác động tốt đến xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gương người tốt, việc tốt, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng gia đình văn hóa thôn, bản, làng, xã, phường, khu phố văn hóa,… góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mạng lưới thư viện và văn hóa đọc trong cộng đồng tiếp tục phát triển. Công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt được những kết quả quan trọng, nhằm tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, bức tranh tổng thể của văn học, nghệ thuật đã mang lại những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn. Sự tham gia tích cực của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự phong phú trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, hình thành thị trường sản phẩm văn hóa đã đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần ngày càng hấp dẫn.
Những thành tựu về kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp rất quan trọng của ngành văn hóa, thể thao, du lịch cả nước nói chung và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng biểu dương, vẫn còn tồn tại một số những hạn chế cần khắc phục như: Một bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng được năng lực; chủ quan, duy ý chí trong thực hành công vụ, tư duy chậm đổi mới. Việc áp dụng pháp luật trong công tác quản lý còn cứng nhắc, máy móc, chưa đánh giá, dự báo hết tác động của các văn bản, quyết định hành chính đối với các doanh nghiệp và xã hội.
Vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định trong hoạt động quảng cáo (như việc còn tồn tại nhiều biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng tiếng nước ngoài mà không có chữ tiếng Việt, hoạt động quảng cáo rao vặt chưa nghiêm túc, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị,…).
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn nhiều hạn chế, vẫn còn một số hiện tượng phản cảm. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra. Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một, biến dạng. Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập. Tình trạng xâm phạm quản lý quyền tác giả, quyền liên quan còn xảy ra ở một số lĩnh vực, nhất là trong “môi trường số”. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số nơi còn chưa trở thành nội dung sinh hoạt thường kỳ,…
Hiện nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Vẫn còn thiếu chính sách và các quy định về đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa, nhất là đối với nghệ thuật chuyên nghiệp. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có tại một số địa phương, từ cấp tỉnh đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, hiệu quả hoạt động chưa cao, một số bị bỏ hoang, xuống cấp. Việc tuyên truyền, quảng bá tác phẩm nghệ thuật hạn chế do nguồn kinh phí khó khăn.
Nhiều lĩnh vực chuyên môn về văn học, nghệ thuật hiện chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa,…) dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Một số văn bản quy phạm pháp luật (như trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn) không còn phù hợp với thực tiễn, cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với giai đoạn hiện nay,…
Những vấn đề đặt ra đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thanh Bình đã gợi ý một số nội dung cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu như: hiện nay, Việt Nam tích cực hội nhập văn hóa nhưng vấn đề “lõi”, bản sắc văn hóa của con người Việt Nam như thế nào; phát triển du lịch gắn với văn hóa ra sao? Bảo tồn di sản phục vụ cho du lịch như thế nào. Ở lễ hội hiện nay, xuất hiện 2 khuynh hướng là mê tín và kinh doanh, chúng ta cần điều chỉnh như thế nào?...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa vị trí vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay, cũng như trong công tác xây dựng Đảng. Truyền thông báo chí giữ một phần vô cùng quan trọng của công tác văn hóa, làm sao khơi dậy cái tốt, dẹp cái xấu, giữ được định hướng theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều nội dung mà các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đề ra đã tạo chuyển động tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tình hình mới.
Đồng chí cũng nhấn mạnh lĩnh vực mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách, quản lý rất rộng lớn, có sức ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp và nhạy cảm đối với đời sống tinh thần của xã hội.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, những kết quả mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian rất đáng khích lệ, thể hiện qua những điểm chính như sau:
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thực hiện khá kịp thời và đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Đời sống văn hóa tuy còn nhiều khó khăn chưa được như mong muốn nhưng có những dấu ấn rất khởi sắc. Điều đó thể hiện ở sự phát triển của hệ thống thư viện, đường sách, phố sách, ngày sách… được tổ chức rộng rãi và được nhiều tỉnh, thành quan tâm. Trong sản xuất phim, việc thay đổi phương thức đặt hàng từ nguồn ngân sách đến tăng cường hợp tác, thu hút vốn của xã hội đầu tư đã có nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật, các vở diễn phản ánh đời sống xã hội, thực tiễn đổi mới của đất nước trong thời gian vừa qua cũng có nhiều tiến bộ.
Các hoạt động thể dục thể thao có nhiều dấu ấn tích cực, làm thỏa mãn người hâm mộ. Nhất là trong thời gian hai năm gần đây, thể thao thành tích cao cũng có những tiến bộ nhất định.
Việc trao giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, việc trao giải các danh hiệu Nhà nước thời gian qua đã góp phần quan trọng khích lệ động viên lao động, cống hiến của giới văn nghệ sỹ.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 33 khóa XI, Bộ đã có những nỗ lực trong việc thể chế hóa thực hiện Nghị quyết. Theo đó, từng bước cụ thể hóa, xây dựng gia đình, xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa chính trị, kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có sự chỉ đạo và tham gia tích cực vào các hoạt động do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, đặc biệt là việc vận động sáng tác các tác phẩm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đánh giá về phương pháp công tác, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, quan tâm, giải quyết các vấn đề bức xúc của dư luận xã hội, những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý phát sinh. Những tiếp thu, lắng nghe, xử lý sau đó cũng đã mang lại kết quả phù hợp. Điều đó góp phần chấn chỉnh nề nếp công tác và thúc đẩy được công việc của ngành, của Bộ phát triển.
Nguồn: Truyền hình Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chú ý một số nội dung như sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết 33 khóa XI. Trong đó, đặc biệt quan tâm những vấn đề mà xã hội đang bức xúc như: vấn đề con người, đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức trong nhà trường…
Thứ hai, để chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XI, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực nghệ thuật. Cần nghiên cứu, đánh giá và đổi mới việc trao các giải thưởng, các danh hiệu tôn vinh.
Nghiên cứu để thu hút khuyến khích cho xã hội đầu tư vào văn học nghệ thuật, có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ cho các văn nghệ sỹ.
Thứ ba, chú trọng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Những tác phẩm văn học nghệ thuật, những vở diễn, những chương trình với cách chuyển tải nghệ thuật đa dạng, phong phú, sẽ góp phần đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả.
Cần phải có cơ chế hỗ trợ, giao nhiệm vụ, cổ vũ các tác giả, cây viết để có thể ra đời những tác phẩm văn học lớn có tính chiến đấu cao, có tác động sâu sắc góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chống tiêu cực trong giai đoạn hiện nay. Vai trò của văn nghệ sỹ trong lĩnh vực này vô cùng quan trọng.
Thứ tư, tăng cường đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chú trọng việc cập nhật kiến thức, đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ.
Thứ năm, nâng cao chất lượng quản lý và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở các cấp. Đầu tư mở rộng các thiết chế này trong phạm vi cho phép.
Thứ sáu, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, cụ thể là tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế gắn liền với nâng cao, đổi mới phương pháp công tác và nâng cao phương pháp công tác của cán bộ./.
Thu Hằng