Thứ Sáu, 20/9/2024
Thông tin tổng hợp
Chủ Nhật, 13/11/2016 9:3'(GMT+7)

Lào Cai ban hành quy định tạm thời về công tác tuyên vận

Khảo sát kết quả thực hiện mô hình tuyên vận tại huyện Bảo Yên

Khảo sát kết quả thực hiện mô hình tuyên vận tại huyện Bảo Yên

Từ kết quả đánh giá sau 5 năm thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận (2012 – 2016), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo chính thức thực hiện mô hình tuyên vận trên địa bàn toàn tỉnh, kết thúc giai đoạn thí điểm đồng thời ban hành quy định tạm thời của Tỉnh ủy về công tác tuyên vận. Với 5 chương, 14 điều và 03 nhóm phụ lục kèm theo, quy định tuyên vận thể hiện sự kiên trì và quyết tâm đổi mới công tác tuyên truyền, vận động của đảng bộ tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới.

Khái quát hóa và xác định rõ nội hàm, mục tiêu, nhiệm vụ công tác tuyên vận; tổ chức và hoạt động của ban tuyên vận, tổ tuyên vận. Đây là một trong những điểm mới quan trọng trong quy định của Tỉnh ủy.

Từ kinh nghiệm trong quá trình 5 năm thực hiện đề án thí điểm, quy định về công tác tuyên vận của Tỉnh ủy Lào Cai đã khái quát hóa cao đồng thời quy định cụ thể các nội dung liên quan đến nội hàm công tác tuyên vận cũng như tổ chức và hoạt động của ban tuyên vận, tổ tuyên vận với nhiều điểm mới quan trọng. Theo quy định, tuyên vận được xác định là toàn bộ hoạt động tuyên truyền, vận động được diễn ra ở cơ sở do ban tuyên vận, tổ tuyên vận trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, hành động của người dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên vận là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chi bộ đảng; sự tham gia của chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đối với tuyên vận và hoạt động tuyên vận ở cơ sở. Công tác tuyên vận được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, tuyên vận được hiểu là hoạt động chỉ diễn ra ở cấp cơ sở với vai trò chủ thể thực hiện là ban tuyên vận, tổ tuyên vận và từng cán bộ tuyên vận; đối tượng hướng đến và tác động là các tầng lớp nhân dân; còn công tác tuyên vận là một nội dung trong toàn bộ công tác chính trị tưởng và dân vận của hệ thống chính trị, có vai trò tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo phân cấp.

Đối với tổ chức và hoạt động của ban tuyên vận, quy định làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm, nội dung hoạt động của tổ chức này. Trong đó khẳng định Ban tuyên vận do cấp ủy cùng cấp thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của đảng ủy cấp xã; sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn, trong đó trực tiếp và thường xuyên là ban dân vận và ban tuyên giáo cấp huyện. Ban tuyên vận có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy về công tác tuyên vận, công tác tư tưởng, dân vận của đảng tại cơ sở; đánh giá chi bộ về công tác tuyên vận. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành tuyên vận ở cơ sở và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá tổ tuyên vận trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Khác với nội dung đề án thí điểm thực hiện trước đây quy định đóng khung số lượng thành viên ban tuyên chỉ có từ 7 đến 9 người và chỉ bố trí 01 phó trưởng ban. Với quy định mới, để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Ban tuyên vận được quy định có số lượng từ 9 thành viên trở lên phù hợp với từng địa bàn gồm trưởng ban, 2 phó trưởng ban và các thành viên, trong đó trưởng ban là bí thư hoặc phó bí thư thường trực cấp ủy, có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của ban tuyên vận; trực tiếp ký các văn bản của ban tuyên vận; phân công nhiệm vụ và đánh giá các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ tuyên vận. Phó trưởng ban chuyên trách là người được lựa chọn từ chức danh công chức xã có 02 người trở lên, có trách nhiệm giúp trưởng ban tham mưu và tổ chức thực hiện công tác tuyên vận; đồng chí phó trưởng ban còn lại là lãnh đạo ủy ban nhân dân, có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ của công tác dân vận chính quyền, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, quy chế dân chủ cơ sở. Ngoài ra, các thành viên khác được cơ cấu theo đầu mối tổ chức xã và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, toàn diện các lĩnh vực. Điểm mới được quy định rõ trong nội dung hoạt động của ban tuyên vận là các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch tuyên vận phải được định lượng cụ thể bằng số liệu, dữ liệu, phù hợp với đặc thù từng địa phương đồng thời bám sát chỉ đạo của cấp trên. Phương thức hoạt động của ban tuyên vận được thông qua 4 nội dung cơ bản, đó là: tổ chức hội nghị tuyên vận hằng tháng, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt đọng của tổ tuyên vận; họp ban tuyên vận và lưu trữ hồ hơ công tác tuyên vận.

Tổ tuyên vận được quy định do cấp ủy cấp xã thành lập và hoạt động theo quy chế của đảng ủy cấp xã ban hành. Tổ tuyên vận có 3 thành viên (riêng đối với chi bộ quản lý nhiều tổ dân phố có thể đến 5 thành viên) hoạt động kiêm nhiệm. Tổ trưởng tổ tuyên vận được quy định là bí thư hoặc phó bí thư chi bộ, các thành viên là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện MTTQ hoặc đoàn thể chính trị - xã hội, người có uy tín... Tổ tuyên vận hoạt động dưới sự chỉ đạo, đánh giá trực tiếp, thường xuyên của chi bộ, chi ủy, sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hằng tháng của ban tuyên vận. Tổ tuyên vận hoạt động thông qua 02 phương thức cơ bản, đó là tiếp nhận, xử lý thông tin, xác định mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận cho các thành viên và thông quan hồ sơ công tác tuyên vận.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp trong lãnh đạo, thực hiện kiểm tra, đánh giá và bảo đảm các điều kiện hoạt động tuyên vận

Quy định phân cấp một cách cụ thể, khoa học trách nhiệm của các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác tuyên vận hằng tháng, quý, năm, trong đó: Các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp xây dựng kế hoạch và định hướng thực hiện công tác tuyên vận theo quy chế phối hợp, biên soạn và cung cấp tài liệu thời sự quốc tế, trong nước, trong tỉnh phục vụ thông tin tuyên truyền tại hội nghị tuyên vận hằng tháng; các huyện ủy, thành ủy và cơ quan tham mưu, giúp việc của huyện quyết định mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận, đánh giá kết quả thực hiện hằng tháng, bổ sung và cung cấp thông tin thời sự của huyện cho ban tuyên vận hằng tháng; cấp xã xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên vận hàng tháng, quý, năm phù hợp với tình hình thực tiễn, chỉ đạo, tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các tổ tuyên vận.
Điểm mới đáng chú ý của quy định công tác tuyên vận là làm rõ nguyên tắc, nội dung, phương pháp đánh giá cũng như sử dụng kết quả đánh giá việc thực hiện công tác tuyên vận. Về nguyên tắc, việc đánh giá phải bảo đảm tính toàn diện về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kết quả công tác tuyên vận gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cấp theo phương thức tỉnh đánh giá huyện, huyện đánh giá xã, xã đánh giá thôn. Thực hiện đánh giá hàng tháng, năm đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy, thành ủy, đảng ủy cấp xã và chi bộ thôn đối với công tác và hoạt động tuyên vận. Việc đánh giá phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần chủ động, tự giác của các địa phương. Nội dung đánh giá, chấm điểm theo 07 tiêu chí nhưng bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp; trong đó, cấp tỉnh đánh giá cấp huyện chú trọng vào nội dung, cách thức chỉ đạo, chỉ đạo, kiểm tra của thường trực cấp ủy huyện và các cơ quan tham mưu đối với cấp ủy cấp xã trong thực hiện công tác tuyên vận; cấp huyện đánh giá cấp ủy xã trọng tâm vào việc xác định và xây dựng kế hoạch, nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đó, vai trò tham mưu của phó trưởng ban tuyên vận; xã đánh giá thôn chú trọng vào nội dung chất lượng xây dựng và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận, vai trò của tổ trưởng tổ tuyên vận.

Nếu như trong giai đoạn thực hiện thí điểm, việc đánh giá mới chỉ dừng lại ở khâu lưu hồ sơ thì hiện nay, theo quy định, kết quả đánh giá, chấm điểm công tác tuyên vận phải được sử dụng vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy theo định kỳ thường xuyên; có báo cáo, công khai kết quả đánh giá, chấm điểm hằng tháng. Bên cạnh đó, quy định về công tác tuyên vận cũng quan tâm, giải quyết cơ chế về bố trí điều kiện nguồn lực phục vụ hoạt động của công tác tuyên vận bảo đảm tính ổn định, tiết kiệm, kết hợp nhiều nguồn lực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Quy định đặc biệt quan tâm đến chế độ, điều kiện của cán bộ phó trưởng ban chuyên trách như về công tác đào tạo, cơ chế đánh giá, bồi dưỡng, điều kiện làm việc... bảo đảm tạo động lực để cán bộ yên tâm công tác, phát huy năng lực, sở trường trong tham mưu, thực hiện công tác tuyên vận.

Quy định tạm thời về công tác tuyên vận là một bước tiếp theo trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 về tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tuyên vận ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới./.

Nam Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất