Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 27/6/2013 14:41'(GMT+7)

Lào Cai xây dựng và phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết

Ngày 16/7/1998, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết ra đời đã nhanh chóng được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai; nhân dân các dân tộc Lào Cai đồng tình, hưởng ứng, chung sức thực hiện. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã trở thành nội dung sinh hoạt chính trị sâu rộng với khí thế thi đua sôi nổi của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong suốt 15 năm qua.

Đồng chí Cao Đức Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai cho biết: Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa đã được cụ thể thành đề án chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh từ khóa XII đến khóa XIV. Đây chính là điểm sáng tạo của Lào Cai trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).  Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; cấp ủy cơ sở đã chỉ đạo ban hành các chỉ thị, nghị quyết, đề án chuyên đề phù hợp với thực tiễn đời sống văn hóa tại mỗi đơn vị, địa phương: Đảng bộ Công an tỉnh gắn với thực hiện Chỉ thị của Bộ Công an về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ trong lực lượng công an nhân dân”; đảng bộ các huyện ủy, thành ủy xây dựng và thực hiện các đề án về cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, tín ngưỡng; phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, v.v… Tiêu biểu là các đảng bộ: Thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Sa Pa, huyện Văn Bàn. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang tập trung chỉ đạo thực hiện việc xây dựng nông thôn mới, trong đó bảo tồn, phát huy những giá trị tiên tiến, cải tạo những hủ tục lạc hậu trong đời sống văn hóa người dân được xác định là nội dung quan trọng và là một trong những tiêu chí trọng tâm để phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đạt được các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với  xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, trường học văn hóa. Sau 15 năm thực hiện ở Lào Cai, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được kết tinh, tiếp tục củng cố và phát huy vai trò văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc Lào Cai. Nhiệm vụ xây dựng con người mới mang sắc thái Lào Cai được tập trung chỉ đạo thực hiện, góp phần tạo dựng hình ảnh và đặc trưng riêng của người Lào Cai với những đức tính tốt đẹp: Có ý thức tự hào là người Lào Cai, yêu quê hương đất nước, đoàn kết và khát vọng vươn lên. Các phong trào xây dựng con người mới có ý thức chính trị, ý thức cộng đồng với các chuẩn mực cụ thể của từng ngành, từng địa phương được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Đặc biệt từ khi Đảng ta phát động việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; qua học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác trên các lĩnh vực, từng tổ chức đảng, cơ quan, trường học, đoàn thể đã có sự liên hệ, xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp. Đến nay, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực từ lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tận tụy phục vụ nhân dân theo chức trách được giao; ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Kết quả về văn hóa đã góp phần rất quan trọng trong việc điều chỉnh hệ giá trị đạo đức trước yêu cầu phát triển mới mà không làm mất đi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Kinh tế phát triển, khối đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh nội sinh của mỗi con người Lào Cai được nâng lên. Điều đó được thể hiện ở các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, đơn vị, cơ quan, trường học văn hoá… được triển khai rộng khắp đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Lào Cai. Năm 2000, toàn tỉnh có 256 thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa, thì đến năm 2005 tăng lên 794 thôn, bản, tổ dân phố văn hoá (chiếm 39% tổng số thôn, bản trong toàn tỉnh) và đến năm 2012 có 1.319/2.199 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (đạt 60%). Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tín ngưỡng được phát huy, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; các hủ tục dần được loại bỏ.

Sự nghiệp văn học - nghệ thuật phát triển góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của tỉnh. Với trên 200 tác phẩm văn học - nghệ thuật thuộc các thể loại được sáng tác, quảng bá và hơn 270 đầu sách được xuất bản, các tác phẩm, công trình văn học - nghệ thuật đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng với dòng mạch chính là cảm hứng yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc; phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống lao động và bản sắc văn hóa giàu giá trị của nhân dân các dân tộc Lào Cai; đề cao các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực lao động sản xuất, đấu tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số được Tỉnh uỷ Lào Cai thực hiện sáng tạo, đạt kết quả cao, tạo thành nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) thành Đề án chuyên đề trọng tâm của tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện từ năm 2000. Qua 3 nhiệm kỳ liên tục (XII, XIII, XIV) đã tiến hành nghiên cứu, tổng kết cả lý luận và thực tiễn công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Lào Cai; đã đúc kết được phương pháp, quan điểm bảo tồn. Vì vậy đây được coi là một trong những nội dung thành công nhất của Lào Cai khi thực hiện Nghị quyết.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Ban chấp hành Tỉnh uỷ Lào Cai đã sớm có sự chỉ đạo xây dựng Đề án riêng về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc ở Lào Cai”. Trên cơ sở đó Đề án đã được cụ thể hoá thành nhiều chương trình, dự án phù hợp với đặc điểm của địa phương, góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn việc phát huy tri thức văn hoá dân gian, tri thức bản đại vào vấn đề phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai đã phát huy hiệu quả: tri thức về văn hoá lanh với vấn đề sản xuất sản phẩm thổ cẩm vùng người Hmông, tri thức phòng chống cháy rừng của người Hmông và người Dao, tri thức chăm sóc sức khoẻ bằng hệt hống thảo dược và bài thuốc gia truyền của người Dao…Điều đó cho thấy sự sáng tạo của Lào Cai thể hiện trong các đề án này là đã lựa chọn mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phù hợp với đặc điểm vùng cao. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hoá phi vật thể phong phú và đa dạng của các dân tộc Lào Cai được sưu tầm, bảo quản bằng công nghệ số hiện đại; đã tiến hành khảo sát, tổng kiểm kê, phân loại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên phạm vi toàn tỉnh với 26 di tích được công nhận (11 di tích cấp tỉnh, 15 di tích cấp quốc gia); sưu tầm được 13.695 hiện vật, di vật, cổ vật; lập hồ sơ khoa học 38 làng tiêu biểu của 13 dân tộc với 25 nhóm, ngành dân tộc trên địa bàn; tổng kiểm kê thực trạng kho sách cổ ở 466 làng người Dao…

Lĩnh vực khoa học - công nghệ ngày càng giữ vị trí quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội, tạo ra động lực trong phát triển kinh tế - xã  hội của tỉnh. Nếu như năm 1998, toàn tỉnh mới có 885 công trình, đề án, đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong đó số công trình được áp dụng vào phát triển kinh tế -văn hoá- xã hội là 781; thì đến năm 2012 con số này lần lượt là 1.823 và 1.471. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, văn hoá đặc sắc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo, tỉnh luôn tôn trọng, bảo tồn các tín ngưỡng truyền thống của người dân cũng như các tôn giáo ngoại lai. Định hướng và quản lý hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của Nhà nước, nhờ đó Lào Cai không có tình trạng xung đột giữa các tôn giáo, phát huy vai trò tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng trong xây dựng đời sống văn hóa.

Đặc biệt, việc mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, nhất là với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với các vùng lãnh thổ, các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Việt Nam trong nghiên cứu bảo tồn, quy hoạch, phát triển văn hóa Lào Cai được triển khai hiệu quả. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và ban hành cơ chế, chính sách cho hoạt động văn hóa được chỉ đạo thực hiện kịp thời, phù hợp với từng nội dung, từng lĩnh vực, từng vùng. Nhờ đó, tạo được sự thống nhất trong quản lý, sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần hình thành nhiều phong trào văn hóa ở các vùng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Vẫn còn nhiều khó khăn,thách thức

Là tỉnh được tái lập từ 1991, trong điều kiện tự nhiên khắc nhiệt, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, nhiều thành phần dân tộc, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của người dân không đồng đều, hủ tục lạc hậu còn tồn tại, v.v... ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5. Đặc biệt,  là nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là của người đứng đầu các cấp về vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 cũng như của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế dẫn đến việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa đầy đủ, chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tuy được đẩy mạnh nhưng chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế. Việc xây dựng quy ước, hương ước ở không ít cơ sở còn lúng túng, hình thức. Một số phong tục tập quán lạc hậu, nhất là ở vùng cao, vùng sâu chậm được khắc phục như: tình trạng thả rông gia súc, ăn ở mất vệ sinh trong gia đình, làng bản; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kết hôn không đăng ký; chết không khai tử, đẻ không khai sinh; lấn chiếm lòng lề đường để tổ chức việc cưới, việc tang vẫn còn diễn ra; công tác quy hoạch nghĩa trang nhân dân tại một số địa phương còn hạn chế. Chất lượng các danh hiệu văn hóa được công nhận chưa cao, còn biểu hiện hình thức. Công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn bản sắc văn hóa còn những khó khăn. Bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một cao, thiếu phương án bảo tồn, phát huy hiệu quả; một bộ phận con em đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đô thị, ven đô và cả ở nông thôn dần đánh mất nét văn hóa đặc trưng về ngôn ngữ, trang phục, các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình.

Cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Cấp tỉnh chưa có bảo tàng, rạp chiếu phim, sân vận động có quy mô và đúng chức năng, các hoạt động văn hóa lớn chủ yếu được thực hiện gắn với hội trường trung tâm hội nghị. Cấp huyện mới có 5 nhà văn hóa (kiêm rạp chiếu phim) trong đó một số nhà văn hóa được xây dựng từ thập kỷ 80, 90 đã xuống cấp, không phát huy được hiệu quả. Đặc biệt một số địa bàn khó khăn hầu như không có các thiết chế văn hóa, thông tin; hiệu quả trong sử dụng các thiết chế văn hóa, nhất là nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tuyến cơ sở còn hạn chế.

Lĩnh vực thông tin đại chúng còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết: mặc dù Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã phủ sóng thông qua vệ tinh Vinasat nhưng tỷ lệ hộ dân chưa được xem truyền hình Lào Cai còn nhiều; tỷ lệ người dân tích cực đọc các ấn phẩm báo chí thuộc loại hình báo in chưa cao. Còn thiếu những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật (kể cả phê bình văn học nghệ thuật) có giá trị giáo dục cao, sâu sắc. Một số vấn đề quan trọng đặt ra trong cuộc sống chưa được báo chí, văn học nghệ thuật kịp thời phát hiện và lý giải, tuyên truyền định hướng, góp phần bổ sung, hoàn thiện quan điểm, nhiệm vụ lãnh đạo của tỉnh. Việc phát hiện điển hình tiên tiến, nhân tố mới để nêu gương, nhân rộng cũng như việc phê phán, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, làm trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có nội dung, có thời điểm chưa thật sự hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, nhất là internet có mặt còn bất cập.

Bộ máy hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chậm được đổi mới, có bộ phận chưa thật phù hợp. Đội ngũ cán bộ làm văn hóa, nhất là cấp huyện và cấp cơ sở còn nhiều bất cập, nhìn chung chưa có chuyên môn sâu, hiệu quả hoạt động chưa cao. Một bộ phận đội ngũ phóng viên hoạt động tại các cơ quan báo chí chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn. Chưa có nhiều đổi mới trong khai thác, động viên, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên cho hoạt động của các cơ quan báo, đài, các tạp chí, bản tin. Đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ ít, kế tục sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tục đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, là địa phương có vị thế địa lý quan trọng trong hợp tác giao lưu kinh tế, du lịch qua biên giới; tuy nhiên tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự du nhập và tác động của làn sóng văn hóa thực dụng thông qua internet, phim ảnh, khách du lịch, cũng như những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 trong suốt thời gian qua, đòi hỏi Lào Cai cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một trong những giải pháp hàng đầu là cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII);  các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy Lào Cai về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thật sự thấm nhuần quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, góp phần tích cực xây dựng con người Việt Nam “phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức”.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của các ngành chức năng và của các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5.  Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa cần kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương. Nghiên cứu bộ tiêu chí về chuẩn mực văn hóa phù hợp với các nhóm đối tượng đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và tăng cường hoạt động, sự phối hợp của các ban chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, v.v... từ tỉnh đến cấp xã. Củng cố bộ máy tổ chức và có kinh phí phù hợp cho hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” ở cấp huyện nhằm bảo đảm có đủ năng lực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện. 

Bên cạnh đó, để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển văn hoá, Lào Cai cần thực hiện tốt công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ, nâng cao năng lực tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hoá của cán bộ, đảng viên và công chức. Xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo và quy hoạch cán bộ hợp lý, trong đó chú trọng ưu tiên con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh được đào tạo và bố trí làm việc ổn định, phù hợp với năng lực, sở trường tại các cơ quan, đơn vị; kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng các ban văn hoá thông tin xã. Đặc biệt coi trọng công tác tập huấn xây dựng các làng, thôn bản văn hoá.

Tăng cường nguồn lực và phương tiện cho các hoạt động văn hoá là một trong những giải pháp cần được chú trọng. Do đó, địa phương cần tập trung nguồn lực  đầu tư xây dựng và phát triển các thiết chế văn hoá gắn với việc nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở trong việc bảo tồn, giáo dục, truyền dạy các di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, đầu tư xây dựng các loại hình thiết chế văn hóa xã, thôn, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nhà văn hoá xã và nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở thôn bản, trang thiết bị cho các đội thông tin lưu động, các nhà văn hoá… nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, làm công cụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Cài, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Lào Cai: Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua thành phố Lào Cai đã huy động được gần 23 tỷ đồng xây dựng 140 nhà văn hoá cộng đồng khu dân cư, trong đó nhân dân đóng góp trên 12 tỷ đồng. Do đó, để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hoá, thành phố Lào Cai cũng như các địa phương trong tỉnh cần  đẩy mạnh công tác xã hội hoá các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội… để xây dựng và phát triển văn hoá, văn nghệ, thể thao; kết hợp các nguồn ngân sách từ Trung ương đến địa phương, nguồn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá nhằm huy động, quản lý, sử dụng mọi nguồn lực của xã hội đóng góp xây dựng các hoạt động văn hoá và phát triển đời sống văn hoá.

Việc đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình tuyên truyền trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 cần là một trong những giải pháp không thể thiếu trong thời gian tới. Trên cơ sở những địa phương đã thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, cần nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề cụ thể để xây dựng mô hình điểm ở một số lĩnh vực. Chẳng hạn như việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội làm cơ sở thực tiễn tăng tính thuyết phục và hiệu quả công tác tuyên truyền để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, tạo sự lan tỏa nhanh và bền vững. 

Quan tâm thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 từ các chi, đảng bộ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết toàn diện về văn hóa, theo từng chuyên đề sâu trên các lĩnh vực của văn hóa. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung mới các giải pháp trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện; coi trọng việc phát hiện, công nhận và tạo điều kiện đối với đội ngũ nghệ nhân dân gian trong thực hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ngay tại cộng đồng.

Đặc biệt, yêu cầu cấp bách hiện nay là Bộ, cơ quan chuyên ngành cần xây dựng và ban hành một số chính sách về văn hóa, thể thao, du lịch ở cơ sở như: chính sách đối với nghệ nhân dân gian, chính sách đối với ban quản lý nhà văn hóa, chủ nhiệm câu lạc bộ; chính sách đầu tư phát triển một số công trình văn hoá trọng điểm quốc gia có quy mô, hiện đại và giàu bản sắc dân tộc tại các đô thị, cửa khẩu quốc tế vùng biên giới… nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII)./.

Bài, ảnh: Nguyên Sa (Lào Cai)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất