Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 11/2/2013 19:38'(GMT+7)

Lễ hội, lòng hảo tâm, và lối ”thụ”, “hưởng” nhập nhằng

Đi lễ, trảy hội mùa xuân và đóng góp công đức xây dựng tôn tạo di tích là tự nguyện, nét văn hóa đẹp. Nhưng khai thác sử dụng nguồn đóng góp đó đúng mục đích lại là chuyện đáng bàn. Ảnh- Internet

Đi lễ, trảy hội mùa xuân và đóng góp công đức xây dựng tôn tạo di tích là tự nguyện, nét văn hóa đẹp. Nhưng khai thác sử dụng nguồn đóng góp đó đúng mục đích lại là chuyện đáng bàn. Ảnh- Internet

Mùa Xuân, thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán, là thời điểm rất nhiều vùng tổ chức lễ, hội. Hội là nét đẹp văn hoá mà bất cứ dân tộc nào cũng coi trọng như là một trong những hoạt động cộng đồng. Vậy nhưng càng ngày, yếu tố văn hoá đang bị bóp nghẹt bởi mục đích kinh tế của những người tổ chức…

Mở hội hay làm kinh tế?

Cuối năm, dịp nông nhàn, khắp nơi lại đua nhau bàn chuyện tổ chức hội làng. Chẳng đâu xa, ngôi đền nhỏ làng tôi mùa hội năm trước thu hơn hai tỷ đồng công đức của khách thập phương. Chưa kể ngôi tam quan và đồ thờ một dòng họ tiến cúng cũng trị giá ba tỷ nữa. Một năm mà có chừng ấy, đối với ngôi làng nhỏ bé ở vùng quê nghèo này, có mà mơ. Vậy năm sau đương nhiên phải mở hội to nữa, quảng bá rộng rãi hơn nữa để kéo khách về tiến cúng. Ngoài ra, một lượng không nhỏ nhân dân trong làng, trong xã nhờ hội làng mà kiếm thêm nhờ các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, bán hương hoa… cũng có được một khoản thu nhập đáng kể.

Trên khắp đất nước ta với những vùng, miền văn hoá đa dạng, trải dài của 54 dân tộc anh em, mỗi nơi đều mang một sắc thái văn hoá độc đáo, thú vị. Trong đó có nhiều ngôi đền, đình, chùa, miếu thờ, danh thắng, di tích có giá trị văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, được cả nước biết đến như quần thể di tích Hà Nội; Đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ); Thành Huế; thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); đền Bà Chúa Kho, chùa Dâu ở Bắc Ninh; đền Trần, Phủ Dày ở Nam Định; chùa Bái Đính - Tràng An ở Ninh Bình…

Chưa bàn đến những giá trị tinh thần, chỉ riêng về yếu tố kinh tế, mỗi lễ hội là một đòn bẩy cho đời sống dân cư trong vùng, từ những khoản tiền khách thập phương công đức đến những khoản thu từ các loại phí dịch vụ ăn theo...

Thế mới có chuyện nhiều địa phương, nhiều ngôi đền, miếu thờ mới cố công “chạy” cho nơi thờ tự của mình một vị tiền nhân có tên tuổi nào đó để gắn vào di tích. Tên các vị càng to càng tốt, càng có công lớn với đất nước, dân tộc thì di tích càng được nâng tầm, sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà hảo tâm… Đương nhiên, đó là yếu tố, hay là cái cớ để địa phương tổ chức lễ, hội lớn hơn, kêu gọi được nhiều tiền hơn.

Như vậy, yếu tố kinh tế ngày càng có ý nghĩa lớn trong việc tổ chức lễ hội hiện nay. Nó đang dần bóp nghẹt những giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh tốt đẹp của lễ hội. Nó đang ngày càng đặt ra những thắc mắc cần giải đáp từ những nhà quản lý văn hoá.

Bài toán quản lý

Câu “Phú quý sinh lễ nghĩa” không sai khi những năm gần đây nền kinh tế đất nước có những bước phát triển mạnh mẽ. Đời sống nhân dân có bước tiến đáng kể, nhất là sự xuất hiện của một bộ phận người giàu có mà dân gian thường gọi là “đại gia” lại càng chăm chỉ đi lễ chùa.

Chỉ cần nghe phong thanh một ngôi chùa, đền ở đâu đó linh thiêng, cầu gì được nấy thì xa mấy, tốn kém mấy các đại gia này cũng đi bằng được. Của đáng tội, sự xuất hiện của đại gia đối với một ngôi chùa, đền là một vinh hạnh lớn. Không những các cụ giữ chùa, mà cả chức sắc địa phương cũng tập trung để đón, thậm chí họ còn chuẩn bị cả những nghi lễ cao cấp nhất để phục vụ đại gia.

Không phải đại gia đó thành tín hơn, lương thiện hơn, hay giác ngộ cao hơn người dân bình thường đâu mà chỉ vì cái ví của họ rủng rỉnh hơn người khác rất nhiều lần. Vài chục, thậm chí vài trăm triệu với họ là … chuyện vặt, nếu họ vừa ý. Thế nên, tội gì không tổ chức quảng bá lễ hội cho hoành tráng. Càng hoành tráng càng linh thiêng, càng linh thiêng thì càng thu hút được khách thập phương, càng đông khách thì tiền công đức càng vô tận.

Trở lại với chuyện làm kinh tế trong lễ hội ngày nay. Một số nơi thờ tự thành lập cả một bộ phận gọi là ban Kinh tài. Ban này chuyên đi kêu gọi, vận động quyên góp, huy động tiền của để nâng cấp chùa và tổ chức lễ hội. Ấy vậy mà hàng năm mỗi nơi cũng quyên được vài tỷ đồng. Số tiền này được dùng làm những việc gì, làm như thế nào, chắc không ai biết ngoài một số người có liên quan. Vả lại, ai lại lăn tăn thắc mắc gì chuyện đó, tiền vào cửa chùa là tiền phúc, tiền đức, không ai dám ăn chặn đâu, bà con đều tin thế.

Nhưng một số người “hiểu biết” hơn thì hăng hái, thậm chí phải “thi đấu” để được có chân trong ban quản lý chùa. Các cụ thất, bát thập thì chẳng nói, đến như các “cụ” mới vừa chớm năm mươi cũng đòi bằng được cái lễ lên lão mới kể như có giấy phép vào làm ban quản lý chùa. Việc làng, việc nước, cái phần đầu gà chia giữa đình ngày xưa quả thật là … xưa rồi. Với nhiều người, cái phần chìm trong hòm kín, khoá trái có tên “công đức” mới là chuyện lớn.

Mấu chốt của vấn đề là rất nhiều lễ hội bây giờ gắn với chuyện làm kinh tế. Nhiều tiền thì tổ chức to, hoành tráng hoặc ngược lại. Thế mới có chuyện ở Hoà Bình năm vừa rồi, sau khi tổ chức lễ, hội tại ngôi chùa to nhất nhì thành phố xong thì phát sinh mâu thuẫn. Sư trụ trì cho rằng tiền công đức, để trong các hòm công đức trong chùa là của nhà chùa. Ban quản lý, do chính quyền lập ra thì coi đó là tiền của ban. Vậy nên khi sư cho các tiểu cất hết tiền vào thùng tôn, khoá kín vẫn bị người của ban quản lý sang khiêng cả thùng về cất trong kho. Sư, tiểu thân cô, thế cô không làm gì được phát đơn kiện khắp nơi. Lình xình mãi sư khiêng được thùng về thì ôi thôi số tiền chỉ còn hơn chục triệu. Cuối cùng hòa cả làng, chỉ tiếc sau vụ đó con nhang đệ tử đến chùa vãn hẳn. Ai lại tin sự linh thiêng khi những người coi sóc nó lại hành động đầy mờ ám như thế.

Lại đặt ra câu hỏi, vậy ai là người đứng ra quản lý, chăm sóc, tôn tạo đình chùa và tổ chức lễ hội. Một số nơi có thành lập ban quản lý, gồm sư trụ trì, các bô lão và một vài quan chức địa phương hoạt động rất quy củ. Nhưng nhiều ngôi chùa hiện nay không làm được điều đó. Điển hình như tỉnh Bắc Giang, có hơn trăm ngôi chùa cổ, ít nhất là di tích văn hoá cấp tỉnh nhưng lại quản lý theo cấp làng, xã. Hầu hết mọi hoạt động đều do chính quyền đứng ra tổ chức nhưng các nguồn thu thì lại do sư sãi trụ trì chùa quản lý. Hiển nhiên, chưa có chế tài cho hoạt động này và người ta vẫn chỉ áp dụng những quy chế, thiết chế văn hoá thiếu chặt chẽ để tổ chức, quản lý các hoạt động mang tính tâm linh nhưng cũng mang lại không ít lợi lộc về kinh tế cho một số cá nhân mà thôi.

Nói như vậy, dễ thấy hoạt động lễ hội ngày nay ngoài yếu tố tâm linh còn mang nặng yếu tố kinh tế, yếu tố vật chất. Theo quan điểm của người viết, đó là điều đương nhiên và tất yếu trong đời sống xã hội hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để yếu tố kinh tế không trở thành yếu tố chủ đạo, chi phối hoạt động của lễ hội mới là điều đáng bàn.

Mặc dù chưa phát triển đến mức đáng phải báo động nhưng những dấu hiệu tiêu cực đã dần bộc lộ và cần phải kiểm soát. Đó là trách nhiệm của những nhà làm văn hoá, của chính quyền và cả những người có lòng hảo tâm công đức cho nơi thờ cúng tâm linh.

Lòng hảo tâm không nên trở thành miếng mồi cho một số kẻ xấu lợi dụng, đồng thời góp phần làm mất đi những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc.

Nguồn: Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất