Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 27/1/2012 19:56'(GMT+7)

Mấy ý kiến về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá và văn học nghệ thuật trong thời kỳ CNH-HĐH

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Trong bài viết này, tôi chỉ giới hạn trong phạm vi thực trạng nghệ thuật dân tộc trong bối cảnh đất nước đang mở cửa hội nhập và tăng trưởng kinh tế.

Trước hết phải công nhận rằng đất nước phát triển, kinh tế tăng trưởng, đó là nguyện vọng, là mong ước của Đảng ta, của Bác Hồ kính yêu là làm sao cho đồng bào ta có cơm ăn áo mặc, trẻ em được học hành…Nếu không phát triển kinh tế, cuộc sống đói nghèo của đồng bào ta vẫn kéo dài thì còn gì buồn hơn! Từ một nước lạc hậu, đói nghèo nay trở thành nước đang phát triển, bộ mặt đất nước ta ngày càng rạng rỡ hơn trên bản đồ thế giới. Đó là một kỳ tích của Đảng cộng sản Việt Nam mà không ai có thể phủ định, hoặc nói khác được.

Cũng nhờ kinh tế phát triển mà hình ảnh Việt Nam và tiếng nói của nhân dân Việt Nam ngày càng đậm nét hơn, càng ấn tượng hơn ở mọi diễn đàn quốc tế và trong lòng nhân dân thế giới.

Việt Nam đã nằm trong khối WTO và trong nhiều tổ chức quốc tế khác. Chúng tôi, những người làm nghệ thuật dân tộc , thật hãnh diện khi đứng trên sân khấu, trên bục giảng ở các trường đại học Mỹ để thuyết trình về nghệ thuật dân tộc Việt Nam trước sự quan tâm ngưỡng mộ của giới trí thức Mỹ. Có lẽ nhiều giáo sư, nhiều văn nghệ sĩ trí thức Việt Nam khác cũng cảm nhận như tôi.

Nhưng nếu chúng ta chỉ thấy một màu hồng, một bề nổi của hiện thực xã hội hôm nay thì, sẽ ngộ nhận dễ dẫn tới sai lầm, bởi nền Văn hoá VIệt Nam (trong đó có văn học nghệ thuật) đang bị khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của kinh tế thị trường, và do mở cửa hội nhập văn hoá một cách tràn lan.

Có lẽ ai cũng biết, Kinh tế và văn hoá của một quốc gia, luôn song hành tồn tại và tác động lẫn nhau. Văn hoá là nền tảng cho kinh tế phát triển, ngược lại kinh tế cũng hỗ trợ cho văn hoá phát triển. Kinh tế và văn hoá là đôi chân của một con người để đứng, đi và chạy, do đó nếu thiếu một chân thì con người không đứng được, không đi được, hoặc một chân yếu thì con người cũng không đứng vững và không đi nhanh được. Cũng như đất nước tăng trưởng kinh tế mà văn hoá lại thụt lùi nghệ thuật dân tộc xuống cấp, mất bản sắc thì không thể gọi là đất nước ổn định và phát triển được. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá bao giờ cũng khăng khít với nhau cùng song song tồn tại làm cho đời sống con người được thăng hoa hơn.

Còn văn hoá là còn đất nước, mất văn hoá là mất tất cả. Đảng ta từ nghị quyết TƯ 5 khoá 8 đến NQ TƯ khoá XI đều nhấn mạnh “Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” nhưng thực tiễn văn hoá dân tộc của đất nước thì đang báo động về khủng hoảng nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Cụ thể là các loại hình nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, cải lương một mặt thì mờ dần bản sắc, một mặt thì thưa vắng khán giả. Muốn kéo khan giả đến với sân khấu dân tộc thì, phải cách tân, cải tiến. Có người cứ theo thị hiếu của một bộ phận khán giả đã cải tiến vô bờ bến, đến mức tuồng không là tuồng, chèo không còn là chèo, và cải lương cũng không còn là cải lương đích thực nữa. Trên bầu trời sân khấu dân tộc, những ngôi sao ngày càng tắt dần bởi không ít nghệ sĩ tài năng một mặt bị sức hút của kinh tế thị trường, một mặt vì đồng lương, đồng tiền bồi dưỡng thấp , nên luyện tập và biểu diễn không còn toàn tâm, toàn ý, không “thổ tận cang tràng” như các thế hệ cha ông lớp trước. Ngày xưa, thời kháng chiến, đời sống của nhân dân nói chung, trong đó có nghệ sĩ đồng đều, đồng cam cộng khổ, ăn cơm độn, ăn bo bo mà vẫn vui, vẫn lấy tiếng hát làm át tiếng bom. Còn bây giờ thì khác xa rồi. Một bộ phận thì đã giàu lại cứ giàu thêm, sống sung sướng đi xe hơi, uống rượu huýtki 18, 30 tuổi. Ca sĩ hát tân nhạc dù hát nhép thì, mỗi bài cũng thu từ 5 đến 10 triệu đồng, một cái giá mà các ông bà bầu, các nhà doanh nghiệp bỏ ra không hề tiếc rẻ…. Trong khi đó một diễn viên tuồng đóng vai chính, hát, múa, thét gào, lăng, lê, xiến, lĩa… mồ hôi ướt dầm cả hai, ba tầng áo, mà mỗi buổi diễn chỉ được bồi dưỡng khoảng 100 ngàn đồng cho vai chính. Sự chênh lệch và bất công đến kỳ lạ. Ví dụ, mấy sinh viên âm nhạc ra sân khấu cầm micro đồng hát một ca khúc, nhưng chết đứng rồi đi vào vì đĩa hát nhép không chạy, nhưng họ vẫn nhận mỗi người 1 triệu đồng theo chế độ. Còn một nghệ sĩ dân gian tay đàn miệng hát rất hay, khán giả nhiệt liệt vỗ tay thì chỉ được thù lao 500 ngàn đồng bởi nghệ thuật dân tộc bao giờ cũng bị hạ thấp hơn nghệ thuật hiện đại. Sự bất công, bất hợp lý này chỉ xảy ra trong thời đại cơ chế thì trường, tha hồ cho ca sĩ nâng giá và bầu xô lũng đoạn.

Ngày xưa, lúc sinh thời, Bác Hồ lúc nào cũng đối xử ưu ái đối với nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Cụ thể là Bác hay cho mời những diễn viên tuồng, chèo, cải lương, dân ca lên Phủ chủ tịch diễn cho Bác xem và thỉnh thoảng Bác lại mời các nghệ sĩ tài năng đến cùng ăn cơm, với Bác. Thậm chị trước lúc đi xa Bác còn muốn được nghe một khúc dân ca….

Còn bây giờ thì! Đó là chuyện cổ tích! Người ta thích đánh golf hơn xem nghệ thuật dân tộc. Vậy làm sao có thể bảo tồn và phát huy được vốn nghệ thuật quý giá mà hàng trăm thế hệ nghệ sĩ đã chồng sáng tạo ra trong nhiều thế kỷ. Đó là những di sản, những viên ngọc quý của dân tộc ta mà không phải nước nào cũng có. Nếu không phải là vốn quý, là độc đáo là đặc sắc thì làm sao mà cô sinh viên Aliano người Ốt – tria đã bỏ không biết bao công sức ra học những vai Phương Cơ giả điên, thị Mầu, Xuý Vân (chèo) và những vai Hồ Nguyệt Cô hoá cáo (tuồng) và nếu không phải đây là những giá trị nghệ thuật đặc sắc đích thực thì làm sao thế giới công nhận là di sản của nhân loại và vì sao các trường đại học Mỹ lại hàng năm bỏ tiền ra mời chúng tôi sang để thuyết giảng và biểu diễn cho họ xem, họ học.

Tăng trưởng kinh tế là quy luật tất yếu, là nhu cầu cấp thiết của nhân dân trong thời đại công nghiệp hoá toàn cầu.

Không tăng trưởng kinh tế hoặc dẫm chân tại chỗ thì, coi như tụt hậu, nhưng nếu chỉ lo tăng trưởng kinh tế mà không lo cho sự nghiệp văn hoá thì, sẽ gánh chịu một hậu quả khôn lường. Chưa bào giờ tai nạn giao thông xảy ra nhiều trên đất nước ta như giai đoạn hiện nay, người chết và bị thương nhiều hơn cả thời chiến tranh, có nhiều nguyên nhân, nhưng chính ở con người gây ra tai nạn đó là con người thiếu văn hoá, hoặc vô văn hoá. Sự giết chóc, thôn tính lẫn nhau giữa những cá nhân, hoặc ổ nhóm là hành vi vô văn hoá, vô đạo đức là hậu quả của lối sống phi văn hoá, phi đạo đức. Đặc biệt là những tội phạm đua xe trái phép, những lái ô tô cán chết người, hoặc người phạm luật giao thong lại rượt đuổi đánh người thi hành công vụ. Đa số tội phạm này là con nhà có chức, có quyền và có tiền. Những hành vi phạm pháp luật, phạm tội ác ấy là tác nhân của tăng trưởng kinh tế đơn thuần, vì chỉ có nghĩ tới tiền mà quên nghĩ tới văn hoá là không ổn. Như trên tôi đã nói, kinh tế và văn hoá là đôi chân của con người, là hai cây cột cái của ngôi nhà, lệch một chân là con người bị ngã, lệch một cây cột là ngôi nhà bị nghiêng, bị đổ. Chưa có thời đại nào mà người lương thiện lại ngại ra đường như thời đại này, vì ra đường là sợ đụng xe, sợ “không phải đầu thì cũng phải tai” bởi những thanh niên ăn chơi, càn quấy, mở mồm là văng tục đ…mẹ, đ…. cha và dơ tay đấm đá, và cao hơn nữa là rút dao ra… Rõ ràng cái giá phải trả của tăng trưởng kinh tế lệch, tức là chỉ có lo kinh tế, lo làm giàu mà quên văn hoá, xem nhẹ văn hoá là quá đắt. Tôi đã nhiều năm tham gia chủ trì bầu chọn doanh nhân xuất sắc để trao cúp vàng và tôi cũng đã nhiều lần chủ trì các hội thảo doanh nhân với văn hoá dân tộc, nhưng đại đa số doanh nhân đều tham luận về cách phát triển doanh nghiệp về cách làm ăn, làm giàu, mà rất ít người nói về văn hoá, hoặc văn hoá doanh nghiệp, văn hoá với cộng đồng. Qua đó, càng thấy rõ vai trò của văn hoá (trong đó có văn học nghệ thuật) hoàn toàn bị mờ nhạt trong đời sống doanh nghiệp. Hoạ hoằn lắm mới có một vài vị giám đốc doannh nghiệp “chịu chơi” nghệ thuật, biết yêu, biết quý nghệ thuật dân tộc thật sự. Còn đa số là dùng (thuê) nghệ thuật để phô trương, quảng cáo cho doanh nghiệp mình là chính, như đánh trống, múa cờ, múa lân và ca nhạc tưng bừng inh ỏi….

Và cũng thật là buồn khi những quyển sách, tờ tạp chí về văn hoá, văn học nghệ thuật của một tập thể trí thức làm ra, rồi đem tặng, nhưng chẳng có mấy nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp để ý. Cũng như các nghệ sĩ biểu diễn tuồng, chèo, cải lương, dân ca ít khi được đón tiếp và phục vụ cho cán bộ lãnh đạo, mặc dù giấy mời bao giờ cũng là hàng Víp ở một nhà hát sang trọng. Trong khi một xí nghiệp nào đó làm lễ khai trương khánh thành thì dù cách xa hàng trăm cây số vẫn được đón chào đại biểu cấp cao. Như vậy thì rõ ràng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và văn hoá ở nước ta thực sự đang có vấn đề mà các cơ quan có chức trách, một trong những cơ quan ấy là Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ phải có tiếng nói, phải có biện pháp kịp thời điều chỉnh, nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ mất dần văn hoá của dân tộc./.

GS. Hoàng Chương
Giám đốc TT Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất