Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 24/1/2012 12:37'(GMT+7)

Giao lưu văn hoá trong hội nhập quốc tế hiện nay

1. Ngay từ khi thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề văn hoá cũng như việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng rất quan tâm việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bởi vì, quá trình giao lưu văn hóa quốc tế là một tất yếu của mỗi quốc gia, dân tộc.

Theo quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu thì giao lưu văn hóa quốc tế là khái niệm chỉ sự giao tiếp, tiếp xúc giữa các cộng đồng thuộc các dân tộc, quốc gia có nền văn hóa khác nhau. Giao lưu văn hóa là sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hóa ở các cộng đồng, góp phần tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tạo nên sự phát triển văn hóa phong phú, đa dạng. Trong quá trình giao lưu sẽ có sự trao đổi, tiếp nhận các mặt tốt mà người ta thường gọi là tiếp thu tinh hoa văn hóa (theo nghĩa tích cực). Tức là mỗi quốc gia, dân tộc khi tham gia quá trình giao lưu văn hóa, không những quảng bá, phát huy được những nét đặc sắc riêng trong nền văn hóa của mình, mà còn làm quen với những yếu tố văn hóa ngoại lai và nhận biết những yếu tố đó trong ứng xử, quan hệ, hợp tác. Tất nhiên trong quá trình đó, ngoài những mặt tốt, mỗi chủ thể tham gia cũng phải đối mặt với những thách thức, đó là những mặt tiêu cực, những văn hóa độc hại không phù hợp với nền văn hóa của mình…

Do nhận thức rõ vai trò và vị trí của văn hoá và giao lưu văn hoá, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến xây dựng, phát triển nền văn hoá dân tộc trong xu thế phát triển của thế giới. Chủ trương xây dựng nền văn hoá Việt Nam theo hướng khoa học, dân tộc, đại chúng đã sớm hình thành từ “Đề cương văn hoá Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo năm 1943. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta tiếp tục coi trọng vấn đề giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) đã ban hành một Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành riêng cho lĩnh vực văn hoá, để bàn thảo một cách thấu đáo và có quyết sách lớn nhằm thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam thực sự trở thành nền văn hoá phát triển theo hướng hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị cũng rất nhiều lần đề cập và yêu cầu phát triển văn hoá phải gắn với giao lưu văn hoá trong nước và giao lưu văn hoá quốc tế. Đảng ta chỉ rõ: “Làm tốt việc giới thiệu văn hoá, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài. Phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hoá của các nước. Ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá phản động, đồi truỵ. Giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà, thu nhận thông tin và sản phẩm văn hoá từ trong nước ra, nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước” (1).

Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nghị quyết trên được quan niệm như một chiến lược xây dựng văn hóa. Sau này trong các văn kiện Đại hội hay Hội nghị Trung ương khóa IX, X, khi đề cập lĩnh vực văn hóa đều dựa trên những tư tưởng, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Chính vì thế, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng được coi như những chỉ dẫn trong giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mới đây nhất, Đại hội XI của Đảng trong định hướng về giao lưu văn hóa đã chỉ rõ: “Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hoá, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, báo chí, xuất bản. Xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hoá của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam. Thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả các sản phẩm văn hoá” (2), đồng thời phải “xây dựng cơ chế, chế tài ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hoá sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ” (3). Thực tế cho thấy, vỏ bọc hợp tác, giao lưu văn hóa là các thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình” được các thế lực thù địch đã, đang triệt để lợi dụng để chống phá ta. Rõ ràng là nếu chúng ta mất cảnh giác, không có sức đề kháng mạnh mẽ, không có sự sàng lọc trong giao lưu văn hóa, chúng ta cũng sẽ bị trả giá.

2. Hiện nay, hội nhập và toàn cầu hoá đang là một thực tế sôi động diễn ra không chỉ ở một châu lục, khu vực, cộng đồng rộng lớn mà còn ở mỗi quốc gia và kích thích sự quan tâm, sáng tạo của mỗi con người, trong đó, văn hoá và giao lưu văn hoá đang tham gia ngày càng sâu đậm hơn vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, làm cho tính đa dạng và bản sắc của mỗi nền văn hoá có dịp đối thoại, cọ sát, tiếp biến, cộng sinh. Từ lịch sử phát triển nhân loại, với nhiều hoàn cảnh, cách thức khác nhau, văn hoá các dân tộc trên thế giới đã có sự giao thoa, tiếp biến rất đa dạng và phong phú.

Nhận thức ngày càng rõ hơn về văn hoá và giao lưu văn hoá; thực hiện yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), lĩnh vực giao lưu văn hoá ngày càng được các ngành, các cấp quan tâm hơn, trong đó nòng cốt là các ngành chức năng về văn hoá. Giao lưu văn hoá quốc tế ở trong nước và ra nước ngoài có kế hoạch, bài bản và sâu sắc hơn. Ở trong nước, các hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế ngày càng phát triển cả về quy mô, hình thức với chất lượng cao hơn như Festival Huế, Festival Cồng Chiêng Tây Nguyên, Festival Biển Nha Trang , Lễ hội giao lưu văn hoá Hội An - Nhật Bản, Lễ hội Du lịch và văn hoá Bà Rịa - Vũng Tàu… Các nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo, Nhà hát cải lương… cũng như các điểm du lịch ở khắp mọi miền đất nước từng bước tăng buổi công diễn, chăm chút về nội dung, sáng tạo nghệ thuật để phục vụ du khách quốc tế tham quan, làm việc và nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị ở Trung ương cũng như các địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế trên nhiều lĩnh vực: văn hoá, danh nhân văn hoá Việt Nam, văn học - nghệ thuật, về môi trường, biển đảo, tổ chức hội chợ triển lãm công nghệ, hàng hoá… đã thu hút nhiều tổ chức nhà nước, tổ chức phi chính phủ và cá nhân ở nước ngoài tham gia. Những hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế được tổ chức trong nước đã giúp người nước ngoài tận mắt chứng kiến sự thân thiện, mến khách, tính nhân văn và trí tuệ của con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, nhất là những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm đổi mới.

Về giao lưu văn hoá ở nước ngoài, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cơ quan đơn vị và sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng, nhất là của ngành ngoại giao, hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế ở ngoài nước của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Giao lưu văn hoá ngày càng được mở rộng ra nhiều quốc gia trên các châu lục và đa dạng hoá về nội dung, hình thức. Theo chức năng nhiệm vụ và thế mạnh của mình, các ngành, địa phương, đơn vị đã tận dụng mọi điều kiện, cơ hội giao lưu văn hoá với các nước bạn trên nhiều lĩnh vực: Trao đổi, học hỏi, hội thảo khoa học về văn hoá, văn học, nghệ thuật; giao lưu văn hoá, nghệ thuật; tham gia triển lãm nghệ thuật, triển lãm hàng công nghệ quốc tế… Nhiều cuộc giao lưu văn hoá trên nước bạn đã để lại những tình cảm sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Có thể thấy được điều đó trong một số chương trình giao lưu văn hoá quốc tế gần đây như: Ẩm thực Việt Nam tại giao lưu văn hoá ASEAN ở Malaysia; Giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản tại Nhật Bản; Những ngày văn hoá Việt Nam ở Nga…

Thông qua những chương trình giao lưu văn hoá quốc tế của Việt Nam tại nước ngoài đã giúp bạn bè các nước, nhất là những người chưa từng đến hoặc ít biết đến Việt Nam hiểu rõ hơn con người, tính cách, tâm hồn và trí tuệ Việt Nam. Đồng thời cũng qua giao lưu, giao tiếp chúng ta càng thấy gần gũi hơn với thế giới, hiểu biết thêm về đất nước, con người của từng dân tộc; tiếp nhận được những nét đẹp văn hoá của từng cộng đồng cũng như những mặt tốt trong công tác quản lý, sử dụng con người trong nhiều lĩnh vực…

Giao lưu văn hoá quốc tế của nước ta thời gian qua ngày càng phát triển và đạt được những thành quả đáng khích lệ, song cũng còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập mà tới nay vẫn chưa được khắc phục như: Chưa có thông tin đầy đủ và thiếu một chiến lược tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của các dân tộc, các quốc gia, vùng trên thế giới; Công tác quản lý các văn hoá phẩm từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam còn lỏng lẻo, bị động, nhất là đối với đĩa phim hình, ca nhạc, chương trình truyền hình và internet đang là vấn đề nổi cộm trong đời sống văn hoá cũng như đời sống xã hội hiện nay. Thông tin về Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn nghèo nàn và ít hấp dẫn. Thông tin qua mạng chưa được quan tâm phát triển đúng mức, chưa chủ động, kịp thời. Các thế lực xấu đang lũng đoạn thông tin về nước ta dưới nhiều hình thức nhằm bóp méo, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam…

3. Để hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, nên chăng cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, khi xác định giao lưu văn hoá là một trong ba trụ cột của giao lưu quốc tế, cần có một chiến lược toàn diện, dài hơi cho lĩnh vực này. Từ đó, về cơ bản có thể tính tới các khu vực, vùng, và quốc gia cần giao lưu trong dài hạn, ngắn hạn; và chuẩn bị tốt nhất được nguồn nhân lực, nội dung hoạt động có chất lượng, cơ sở vật chất cho các chương trình giao lưu văn hoá quốc tế.

Thứ hai, từ đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước và vì lợi ích của dân tộc, của ngành, địa phương, các đơn vị cần chủ động mở rộng giao lưu văn hoá với nước ngoài, góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sự phát triển quê hương, đất nước.

Thứ ba, ngoài việc đào tạo có bài bản đội ngũ cán bộ, chuyên viên về ngoại giao, cần có chương trình bồi dưỡng kiến thức ngoại giao cần thiết và khả năng ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên ở các ngành, địa phương làm nhiệm vụ giao lưu văn hoá quốc tế, góp phần làm cho chương trình giao lưu văn hoá quốc tế đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ tư, giao lưu văn hoá quốc tế ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức, về quy mô từ Trung ương tới các ngành, các cấp. Vì vậy Nhà nước cần có quy định, cơ chế thống nhất cho hoạt động này; có sự phối hợp đồng bộ, thiết thực giữa các ngành chức năng ở Trung ương với các địa phương, đơn vị, đặc biệt tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các nước sở tại trên lĩnh vực này.

Thứ năm, các ngành văn hoá, thông tin - truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch, chương trình tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế của Việt Nam tới nhân dân cả nước và nhân dân thế giới, đồng bào ta ở nước ngoài. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết của nhân dân ta về văn hoá các nước trên thế giới cũng như bạn bè quốc tế, trong đó có kiều bào ta ở nước ngoài hiểu biết hơn về văn hoá, đất nước và con người Việt Nam.

Thứ sáu, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội XI của Đảng, ngoài ngoại giao chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, ngoại giao văn hóa…, cần tăng cường ngoại giao nhân dân. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân đối với các thế hệ kiều bào ta ở nước ngoài. Làm sao để mỗi bà con Việt kiều trở thành những tuyên truyền viên, tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá văn hóa Việt đối với nhân dân các nước sở tại.

Thứ bảy, trên thực tế, các thế lực thù địch và các phần tử phản động đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Các phương thức giao lưu, hội thảo văn hóa, mạng internet… đã và tiếp tục được các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để truyền bá lối sống thực dụng, hệ tư tư tưởng tư sản, hướng xã hội Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh niên vào lối sống không lý tưởng, ích kỷ và trụy lạc. Vì vậy, các ngành hữu quan cần có kế hoạch, biện pháp bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hoá của dân tộc, đồng thời có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, quản lý các xuất bản phẩm độc hại, nhất là quản lý hệ thống Internet trong tình hình hiện nay.

Tóm lại, trong quá trình đổi mới, việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có giao lưu văn hoá có ý nghĩa hết sức quan trọng. Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đi liền với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại luôn là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Điều đó tiếp tục được Đảng ta khẳng định trong văn kiện Đại hội XI. Đó là: cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội./.

---------------------

(1) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Một số văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng- văn hóa. Nxb. CTQG, H, 2000, tr. 453.

(2) (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 226-227, 227.

TS. Trần Doãn Tiến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất