Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/1/2012 14:6'(GMT+7)

Để lễ hội phát huy được giá trị văn hóa truyền thống vốn có

 Trong thời gian qua, việc quản lý và tổ chức lễ  hội đã có những chuyển biến tích cực, khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều lễ hội vẫn diễn ra tràn lan, phô trương, lãng phí và còn có những tiêu cực. Đầu xuân, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS.Lê Thị Minh Lý, ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) về vấn đề này.

Việt Nam là quốc gia có sự đa dạng và  phong phú các hình thức lễ hội, đặc biệt mùa xuân là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội ở khắp các địa phương trên cả nước, vậy xin bà cho biết, bản chất giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội ở nước ta như thế nào?

TS. Lê Thị Minh Lý: Di sản lễ hội Việt Nam rất giàu có và đa dạng, đặc biệt lễ hội dân gian có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của đất nước. Lễ hội dân gian là nơi thể hiện rất rõ sắc thái văn hóa của từng vùng miền, từng địa phương và từng cộng đồng. Hơn nữa, ở đó nhu cầu văn hóa và tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì, sáng tạo trong từng không gian văn hóa. Lễ hội là nơi bảo tồn, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Lễ hội dân gian đã góp phần tạo ra sự đa dạng văn hóa, và đó là một kho tàng tài sản quý giá của đất nước. Bởi vậy cần có tâm thế chủ động để quản lý lễ hội.

Theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm nước ta có khoảng hơn 7.000 lễ hội dân gian và khoảng 1.000 lễ hội mới. Khi đánh giá về lễ hội thì có ý kiến cho rằng hơi nhiều lễ hội và cũng có ý kiến nên bớt đi việc tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên theo quan điểm của người bảo vệ di sản thì đa phần các lễ hội nói trên là lễ và hội của cộng đồng, là đời sống văn hóa tinh thần của người dân, ở trong phạm vi cộng đồng nhỏ. Các lễ - hội đó có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của nhân dân. Đây là tập quán, là cuộc sống của họ, do đó không nên đưa ra lý do là lễ hội nào nên giữ, lễ hội nào nên bớt.

Điều băn khoăn ở đây là có những lễ hội vốn chỉ là lễ hội quy mô nhỏ của cộng đồng sau này được nâng tầm lên, được tổ chức lại, có kịch bản và đưa thêm vào đó các sự kiện văn hóa khác. Nhưng chính điều đó lại làm lu mờ hạt nhân của nó là phần lễ hội của cộng đồng. Việc đưa thêm các sự kiện lại không gắn với hạt nhân của lễ hội nên có vẻ như lễ hội nào cũng giống nhau, rồi “lai căng” đi, kéo theo là sự tốn kém trong khi đó đất nước ta còn nhiều khó khăn và cần phải dành kinh phí cho những việc quan trọng, có ý nghĩa khác.

Do đó, cần nhận diện cho được lễ hội nào thực sự là cần thiết của người dân thì phải giữ cho được. Vì nếu không sẽ làm nghèo đi đời sống văn hóa tinh thần, người dân sẽ tự bỏ đi vốn quý của cha ông. Mỗi cộng đồng trên đất nước Việt Nam lại có những lễ hội khác nhau, đó là bản sắc, là nét riêng của mỗi cộng đồng. Vì thế phải đánh giá, kiểm kê và xem xem cái gì thực sự gắn bó mật thiết với người dân và phải giúp cho họ phương thức tự quản lý lễ hội của mình. Giúp họ những nhận thức giá trị của lễ hội mà họ đang có, hướng dẫn cho họ cách thực hành để làm sao vừa văn minh, vừa văn hóa và thực sự hiệu quả, tiết kiệm.

Hiện nay, các hình thức tuyên truyền ở lễ hội còn đơn điệu, chưa có hình thức biểu đạt hấp dẫn du khách hiểu về các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, về thần phả, thần tích công trạng của nhân vật thờ tự và ý nghĩa của lễ hội. Theo bà, cần giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

TS. Lê Thị Minh Lý: Theo tôi, đây là việc của những người làm văn hóa cơ sở và các nhà quản lý di sản văn hóa ở các cấp. Ngay trong công ước quốc tế của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản di sản văn hóa phi vật thể cũng nói đến vấn đề quan trọng là việc bảo vệ các giá trị lễ hội. Đó là phải cùng với người dân kiểm kê để nhận dạng ra những giá trị của di sản, trong đó có lễ hội.

Kiểm kê ở đây là những người có chuyên môn xuống làm việc với cộng đồng, trao đổi với họ để giúp họ nhận ra đâu là giá trị của lễ hội của địa phương mình, kèm theo giá trị đó thì ai là người thực hành, vai trò của họ như thế nào và để thực hành tốt phải làm gì, trong đó có cả câu chuyện không làm sai lệch lễ hội và sử dụng lễ hội để trục lợi. Đồng thời, không tạo nên những hiện tượng buôn thần, bán thánh, hoặc thái quá trong câu chuyện thực hành tiến lễ tâm linh. Ví dụ như thái quá trong việc sử dụng đồ mã, đặt đồ lễ, tiền công đức.

Người quản lý văn hóa phải làm việc với người dân và  phải hỗ trợ họ trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông để góp phần nâng cao nhận thức cho họ và để họ nhận ra giá trị của lễ hội từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị vốn có của lễ hội.

Ở Việt Nam, còn có một vấn đề đó là năng lực của những người quản lý và tổ chức lễ hội chưa thật sự chuyên nghiệp và cần phải đào tạo. Muốn giúp cho cộng đồng được cần phải có chuyên môn.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý  và tổ chức lễ hội. Bộ Văn hóa, thể  thao và Du lịch cũng có một hệ thống văn bản để quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, những vấn đề yếu kém của lễ hội mà dư  luận lâu nay bức xúc như hiện tượng khấn thuê, đốt đồ mã, thả tiền, ném tiền bừa bãi vào hậu cung, nhét tiền vào tay Phật, xả rác tùy tiện, lễ hội dân gian bị thương mại hóa… vẫn tồn tại. Theo bà đâu là nguyên nhân chính của vấn đề này? 

TS Lê  Thị Minh Lý: Theo tôi có mấy nguyên nhân. Ví dụ ở Đền Trần, khi ta tổ chức lễ hội như vậy không nói rõ ý nghĩa, thần tích của lễ hội đó và chúng ta vẫn cứ tổ chức nên có hiện tượng công chúng hiểu sai hoặc ngộ nhận về giá trị của lễ hội đó, cứ đổ xô đi xin ấn. Họ nghĩ đến Đền Trần để cầu mong thăng quan, tiến chức nhưng thực ra khi các nhà nghiên cứu đánh giá lại thì thực chất lễ khai ấn là riêng của một cộng đồng nhỏ lại hiểu rằng đây là lễ khai ấn của Nhà Trần, có ấn này sẽ thăng quan, tiến chức vì vậy mới có hiện tượng cứ đến 14 tháng Giêng hàng năm mọi người đổ xô đến Đền Trần để xin ấn. Kèm theo đó, có những người trục lợi, lợi dụng việc bán ấn để tạo nên giá trị ảo. Mặc dù địa phương đã rất cố gắng trong việc quản lý nhưng vì địa điểm quá hẹp, số lượng người quá đông và năng lực quản lý có hạn nên đã tạo ra sức ép về mặt số đông. Vấn đề của Lễ hội Đền Trần là vấn đề rõ nhất thể hiện những bất cập của việc quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay.

Bên cạnh đó, còn lễ hội khác là Lễ hội chùa Hương, các ngày lễ ở phủ Tây Hồ cũng có những bật cập mà chưa thể giải quyết hết. Nguyên nhân có từ áp lực do xã hội ngày càng phát triển, nhiều người quan tâm đến việc lễ nghĩa, đổ xô đi các đền chùa, có người đi cầu may, có người đi thưởng ngoạn. Nhưng hầu hết không hiểu được hết giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Tất cả tạo nên những bất cập.

Điểm thứ nhất là lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để trục lợi. Thể hiện ở việc tạo thêm các không gian thực hành lễ (đặt thêm bàn, chỗ thờ cùng, tổ chức các dịch vụ, thậm chí có cả marketing, quảng bá đồn thổi những giá trị vừa sai lệch về mặt vật chất, vừa sai lệch về mặt tinh thần).

Điểm thứ hai là từ phía những người đi tham dự lễ hội. Tôi nghĩ rằng người đi hội phải có sự hiểu biết và phải tôn trọng thực hành của người dân ở đấy, không vì sự hiếu kỳ, tò mò hoặc là ý thích của mình mà can thiệp vào hoạt động của lễ hội, phải tôn trọng và ứng xử có văn hóa.

Điểm thứ ba là cơ sở hạ tầng kém, từ đường xá, dịch vụ.. điển hình là Hội Lim rất nhốn nháo đã làm giảm giá trị của chính di sản này.

Đối với việc quản lý và tổ chức lễ hội, các địa phương còn coi nặng mục đích kinh tế, quản lý còn lúng túng trong việc quy hoạch lễ hội. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này và hướng quản lý, tổ chức như thế nào để nâng cao hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, thưa bà?

TS Lê  Thị Minh Lý: Có những nhà quản lý văn hóa đã để tuột tay vấn đề quản lý. Ví dụ ở lễ hội Đền Bà Chúa Kho, năm ngoái tôi có đi kiểm tra tại đây và nhận thấy những người làm quản lý văn hóa ở đây chỉ đứng bên ngoài. Trong khi đó, cộng đồng quản lý và phương thức quản lý của họ rất đáng quan ngại. Điều đó thể hiện ở chỗ bây giờ khu vực đền Bà Chúa Kho bị biến dạng. Họ tự xây thêm những nơi thờ tự để người dân đến đặt lễ nhiều, thu tiền công đức nhiều, họ tự làm các dịch vụ. Những người quản lý thì không thể quản lý nổi. Do đó, cần phải có những biện pháp xử lý kịp thời, không để thái quá, muốn vậy thì những người quản lý phải thực sự có năng lực và gương mẫu mới quản lý được. Nếu không có năng lực hoặc thỏa hiệp một phần nào đó thì sẽ rất khó.

Để lễ hội phản ánh đúng bản chất tốt đẹp truyền thống, thì chính quyền địa phương cần đổi mới phương thức tổ chức, lập kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, lấy yếu tố truyền tải bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, thực hành trung thực, sinh động phong tục, tập quán cổ truyền nhằm gây ấn tượng cho những người cùng tham gia lễ hội.

Để nâng cao chất lượng của việc thực hành các lễ hội thì việc đầu tiên phải hiểu giá trị của lễ hội. Nhiều người đi lễ thậm chí không biết mình lễ gì. Người đi lễ phải hiểu thần tích, không gian văn hóa, đồ thờ tự và kèm theo đó là ứng xử văn hóa phù hợp. Từ đó trở lại khái niệm là kiểm kê di sản phi vật thể. Sau đó những nhà quản lý văn hóa phải đánh giá xem việc tổ chức những lễ hội như thế điểm gì là chưa được và phải trao đổi với cộng đồng. Ví dụ Hội Gióng vừa được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Cần phải nghĩ đến câu chuyện tập huấn cho cộng đồng nếu không họ sẽ ngộ nhận về danh hiệu và họ sẽ trông chờ vào Nhà nước. Vì họ nghĩ rằng đây là di sản của nhân loại rồi thì Nhà nước phải hỗ trợ thì mới làm. Hoặc đôi khi họ nghĩ rằng di sản đã ở tầm quốc tế thì phải làm cái gì đó khác đi, sinh động lên, hoành tráng hơn để thu hút khách du lịch. Đây là quan điểm hoàn toàn sai vì lễ hội đó là của người dân hãy để cho họ thực hành tốt như bản thân nó đã có. Đừng đem nó ra để phục vụ cho những lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế. Đó là những điều nguyên tắc để bảo vệ di sản phi vật thể. Và để nhận được sự đồng thuận của người dân, lễ hội phải hướng tới các lợi ích thiết thực của họ. Các nhà quản lý và tổ chức lễ hội phải giúp cộng đồng làm lễ hội chứ không nên áp đặt họ phải làm những việc mà trước nay họ không làm. Như vậy sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên, tính chân thật của lễ hội.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất