Chương trình Toạ đàm do Ban Tuyên giáo TW vừa mới tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận. Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo Ban, phòng Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo; lãnh đạo ngành văn hóa-thể thao-du lịch và đại diện một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
So với khu vực phía Bắc và phía Nam, số lượng lễ hội ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên ít hơn, quy mô nhỏ, nhất là các lễ hội truyền thống. Ngoài lễ hội Quan Thế âm ở Đà Nẵng, lễ hội Vía Bà Thiên Yana ở Quảng Nam, lễ hội Ka tê ở Ninh Thuận... có quy mô khu vực, còn lại chủ yếu là các lễ hội cầu ngư, nghinh ông của ngư dân ven biển gắn kết nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian với ý nghĩa ngày hội nghề nghiệp.
Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Đảng, các địa phương đã chỉ đạo sát xao bằng các văn bản quản lý nhà nước và có sự phân cấp quản lý; công tác tuyên truyền quảng bá được chú trọng; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động lễ hội ngày càng được đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang... Vì thế, các lễ hội ở khu vực này có nhiều chuyển biên tích cực, mang đậm nét văn hóa truyền thống trên cơ sở “gạn đục khơi trong”, tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong cộng đồng các dân tộc.
Những năm gần đây, nhiều lễ hội có nguồn gốc lâu đời được bảo lưu, phục hồi, duy trì, đáp ứng được nguyện vọng hưởng thụ các giá trị tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân. Có thể kể đến các lễ hội: Ra mư van, lễ bỏ mả (của dân tộc Raglai), Tết Nguyên đán, các lễ hội tôn giáo (Ninh Thuận); lễ hội dân gian (lễ hội lễ hội ăn mừng đầu lúa (Raglai), lễ hội Tài Phán (cầu an), Đản sinh Phật Bà Quan âm), lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống (Bình Thuận); lễ hội Bài chòi, lễ Cúng đất, lễ hội cầu ngư, lễ bỏ mả, lễ hội đâm trâu (Phú Yên); lễ hội cúng ruộng, bỏ mả dân tộc Churu, lễ hội mừng lúa mới (cúng kho thóc), lễ hội cúng lúa chín của dân tộc Cơ ho, Mạ...ở Lâm Đồng...
Lễ hội trở thành di sản văn hóa cộng đồng hấp dẫn thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia; từng bước hạn chế những thủ tục rườm rà, lạc hậu, những nghi thức mang tính mê tín dị đoan, lãng phí nhân lực, tài chính và thời gian; tăng cường thiết chế văn hóa cơ sở cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em ở khu vực này, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các lễ hội tôn giáo như: Phật đản, lễ hội La Vang, lễ phục sinh, Giáng sinh... có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành đoàn thể liên quan nên việc triển khai theo đúng quy định, an toàn, hiệu quả tạo nên không khí phấn khởi, giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thân thiện nghĩa tình với bà con các tôn giáo với ý nghĩa trong sáng “tốt đời, đẹp đạo”. Lễ hội mới, nhất là các lễ hội lịch sử cách mạng gắn với những sự kiện có xu hướng phát triển thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân: Lễ hội thống nhất non sông, Lễ hội Đôi bờ Hiền Lương, Lễ hội “Đường Trường Sơn huyền thoại”...Cùng với lễ hội này là các hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh của dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là với lớp trẻ.
Đặc biệt, thời gian gần đây, lễ hội văn hóa - du lịch nhằm quảng bá, phát triển du lịch có xu hướng phát triển. Đây là một loại hình lễ hội mới nằm ngoài Quy chế lễ hội ban hành năm 2001 đã được bổ sung. Đà Nẵng lần thứ 2 tổ chức lễ hội bắn pháo hoa quốc tế; Quảng Nam tạo dấu ấn bởi lễ hội “Hành trình di sản”; Nha Trang với Festival Biển; Ninh Thuận tổ chức các lễ hội văn hóa du lịch gắn với các lễ hội truyền thống của địa phương, như: Ngày hội Văn hóa Chăm, Hội thi thể thao dân tộc Chăm, Festival “Ninh Thuận, tiềm ẩn những sắc màu”; Bình Thuận chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu, tập trung chỉ đạo 7 lễ hội, nhằm phát triển du lịch: Lễ hội Bình Thuận - Hội tụ Xanh, lễ hội Trung thu, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê, lễ tảo mộ, lễ hội Dinh Thầy-Thím, lễ hội Cầu ngư... Do được chỉ đạo sát xao, các địa phương quan tâm tổ chức khá tốt các lễ hội, thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng; phần lễ theo đúng nghi thức đã giảm bớt phần rườm rà, nâng cao phần hội và sự tham gia của người dân. Các lễ hội cơ sở được phân cấp quản lý cụ thể theo đúng Quy chế lễ hội do ngành văn hóa ban hành. Các lễ hội lớn trong cộng đồng dân tộc đều được thành lập ban tổ chức gồm đại diện các ban ngành, đoàn thể các cơ quan chức năng ở địa phương.
Thông qua hoạt động lễ hội, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đạt hiệu quả và điều quan trọng nhất tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết cùng hiểu biết lẫn nhau giữa đồng bào các dân tộc anh em.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức và quản lý, công tác tổ chức và quản lý lễ hội bộc lộ không ít những hạn chế cần rút kinh nghiệm và khắc phục. Do thiếu hiểu biết pháp luật, nên việc phục dựng một số lễ hội truyền thống còn mang tính tự phát. Khi chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, một số nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc bị mất dần, kéo theo sự mai một vốn văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là một chủ trương đúng, thu hút sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng trước thách thức “xã hội hóa” lễ hội, nhiều địa phương đã bộc lộ những tồn tại: Chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của xã hội hóa, thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể và giao việc tổ chức lễ hội cho cơ quan tổ chức sự kiện. Chưa kể, kịch bản các lễ hội văn hóa du lịch còn nặng về sân khấú hóa tốn kém, đơn điệu, na ná, ít hấp dẫn, thiếu sáng tạo, nhàm chán; các hoạt động biểu diễn chưa có sự đầu tư kỹ về nội dung, chất lượng nghệ thuật; chưa khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường; hiện tượng tiêu cực; lãng phí...Từ đó đã nảy sinh một số vấn đề gây bức xúc dư luận, quần chúng nhân dân...
Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Lâm Đồng bộc lộ sự lo ngại “Một sự nhại lại motip có sẵn làm mất đi ý nghĩa của lễ hội, khiến nhân dân phàn nàn. Nếu lễ hội không chú ý đến sự tham gia của người dân thì ý nghĩa của lễ hội không còn”. Cùng suy nghĩ ấy, đồng chí Đặng Hưng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bức xúc nêu nguyên nhân “Không lạ với các lễ hội giống nhau, cùng motip bởi công ty tổ chức sự kiện viết kịch bản dựa trên kho đồ, mẫu có sẵn...”.
Công tác điều tra, nghiên cứu khoa học chưa được chú trọng nên nhiều địa phương lúng túng, khó khăn trong việc nhận diện lễ hội; chưa có khảo sát quy mô để đánh giá chính xác lễ hội nào cần phát huy, cần bổ sung, điều chỉnh, thậm chí cần phải loại bỏ vì không phù hợp.
Thực trạng lễ hội diễn ra ở miền Trung - Tây Nguyên tiềm ẩn những mâu thuẫn. Theo đồng chí Phạm Văn Muộn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận thì giữa ý muốn của nhà tổ chức với việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang bộc lộ sự bất cập. Xung quanh lễ hội đâm trâu, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Có ý kiến phản đối lễ hội đâm trâu tạo nên sự phản cảm, lãng phí tiền của, thì đồng chí Dương Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng lại cho rằng “Có mâu thuẫn không khi chúng ta hô hào bỏ lễ hội đâm trâu, nhưng lại mong muốn bà con giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Con trâu với người Kinh là “đầu cơ nghiệp”, bạn thân thiết của nhà nông, nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên ngoài ý nghĩa trên nó còn là vật hiến sinh”. Tuy nhiên, cần hiểu cho đúng việc bảo tồn lễ hội truyền thống. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là giữ y trang những lễ hội hiện không còn phù hợp. Thời gian cùng với sự định hướng, chỉ đạo, người dân sẽ nâng cao nhận thức để tự điều chỉnh, phát huy và thậm chí loại bỏ những lễ hội rườm rà, lạc hậu không phù hợp.
Nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số thiếu sự tìm hiểu, nên việc tuyên truyền không tính đến tín ngưỡng, phong tục, húy kỵ. Đồng chí Phạm Văn Muộn đề nghị “Cái dân gian trả lại cho dân gian. Không nên can thiệp sâu theo ý muốn chủ quan với các lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Một số lễ hội dân gian như lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả có thể còn chuyện này, chuyện khác, chuyển biến chậm, nhưng điều quan trọng chúng ta phải hướng dẫn, phân tích để người dân hiểu, lựa chọn giải pháp tối ưu, tự điều chỉnh cho phù hợp, chứ không phải cứ hễ nói bỏ là bỏ. Vấn đề là định hướng để vừa giữ được tín ngưỡng truyền thống, nhưng vừa biết cải biến cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Chúng ta không nên áp đặt theo ý muốn chủ quan của người làm quản lý. Cần chú ý tới tính văn hóa của mỗi dân tộc”.
Dù không nhiều lễ hội, nhưng phần lớn đại biểu đều nhất trí không nên tổ chức lễ hội tràn lan, mà cần chọn lọc những lễ hội tiêu biểu, phân cấp quản lý theo từng quy mô cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp làng xã...
Hiện cách ứng xử của người dân tham gia lễ hội đang là một vấn đề đáng lo ngại. Người dân chưa tự giác, thiếu ý thức trong cách ứng xử với di sản, với con người, trong việc thực hiện nếp sống văn minh. Do đó, cộng đồng trách nhiệm không gắn kết với cộng đồng hưởng lợi.
Chương trình tọa đàm “Về công tác tổ chức và quản lý lễ hội” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao; là dịp để ngành Tuyên giáo phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực; xây dựng đời sống văn hoá, thiết chế văn hoá cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá và kịp thời định hướng chỉ đạo việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Lê Thị Bích Hồng
Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW