Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 13/8/2013 20:13'(GMT+7)

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010)

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010) là tên cuốn sách của PGS. TS. Đào Duy Quát vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho ra mắt bạn đọc. Cuốn sách là một sưu tập tư liệu đầy đặn, công phu về những vấn đề cơ bản liên quan đến 85 năm hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đóng góp quan trọng vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện, "với trên 500 cơ quan báo chí, gần 700 ấn phẩm báo chí, hàng trăm đầu báo điện tử", báo chí nước ta đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu nang cao dân trí, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tìm hiểu những thông tin, kiến thức, giao lưu văn hóa của người dân Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.

Cuốn sách có kết cấu 7 chương và một phần kết luận, theo đó:

Chương 1 (tr9 - tr.51): Trình bày tình hình chính trị - xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX; sự ra đời của báo chí Việt Nam; bước phát triển của báo chí Việt Nam từ 1865 đến năm 1925- với sự ra đời của báo Thanh Niên (6/1925). Có thể nói, trong những năm tháng đó, "báo chí Việt Nam vừa mới cất tiếng chào đời, chưa kịp định hình thì đã phải hoạt động trong hành lang pháp lý hết sức chật chội và còn có thể thít chặt hơn nữa bất cứ lúc nào"[1]… "nhưng hơn một trăm tờ báo đã ra đời. Mỗi tờ một dạng, một mục đích khác; mỗi cái tên là một số phận, tuổi thọ dài ngắn không ai giống ai… nhưng mọi tờ báo đều ghi đậm dấu ấn, tài năng, bản lĩnh của những người làm ra nó…"[2]. Có thể nói, sự ra đời và hoạt động của báo Thanh Niên là một mốc son trong lịch sử nước nhà- mốc khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chương 2 (tr.52-tr.183): Khắc họa những nét chính, cơ bản của nền báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ 1925-1945, trong đó chia làm 5 giai đoạn nhỏ (1925-1930), (1930-1936), (1936-1939), (1939-1945) và một vài nhận xét, kết luận. Nội dung chương này khẳng định sự phát triển và những đóng góp của  báo chí cách mạng kể từ khi Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Thanh Niên- đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở chương này, tác giả trình bày, luận giải về các mốc phát triển của báo chí cách mạng, trong đó nêu bật sự phát triển ngày càng phong phú cả về cả số lượng và chất lượng của các tờ báo, tạp chí gắn với các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tác giả cũng nhấn mạnh vai trò của một số tờ báo và tạp chí tiêu biểu như: Tạp chí Đỏ, báo Tranh Đấu, tạp chí Cộng sản, tạp chí Bônsơvích, báo Con đường chính, Hồn trẻ tập mới, dân chúng, Le Peuple, Le Travail và Rassemblement, Sông Hương tục bản, Tin tức, Giải phóng, Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ Giải phóng … đã từng bước "tuyên truyền cho mục đích cuối cùng là xây dựng CNCS ở Việt Nam, vạch rõ đó là quy luật phát triển tất yếu của xã hội Việt Nam, đồng thời làm sáng tỏ hai giai đoạn chiến lược và mục tiêu chiến lược của mỗi giai đoạn để đi tới mục đích cuối cùng"[3].

Chương 3 (tr.184-tr.293): Trình bày về sự phát triển và những đóng góp của báo chí những năm 1945-1946 và báo chí thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954 cùng một vài nhận xét, kết luận. Ở chương này, tác giả đã trình bày những sự kiện lớn trên thế giới ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, trong đó chú trọng đến tình hình hoạt động của báo chí; các chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tổ chức, quản lý hệ thống báo chí nước nhà sao cho hiệu quả nhất, thiết thực nhất, nhằm phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Phong phú về chủng loại, về đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ; tồn tại song song hai dòng báo chí Trung ương và địa phương, các tờ báo và tạp chí và cơ quan báo chí như: Cờ Giải phóng, Sự Thật, Cứu quốc, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Lao Động, Kèn gọi lính, Tạp chí Tiền phong, Đài phát thanh tiến nói Nam Bộ, báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Tạp chí Nghiên cứu, Vệ quốc quân, Tiền tuyến… "đã bám sát thực tiễn cuộc sống, cùng chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với nhân dân, bộ đội, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến..."[4]. Tác giả nhấn mạnh: Trong những năm tháng gian lao kháng chiến, mỗi dòng tin báo chí, mỗi tiếng nói trên Đài tiếng nói Việt Nam… đều vô cùng quý báu, góp phần cổ vũ, động viên quân dân cả nước hăng hái thi đua, góp sức cho kháng chiến, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chương 4 (tr.294-tr.358): bằng những sự kiện lịch sử, những luận giải thuyết phục, tác giả phục dựng những những đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng thời kỳ cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975). Cũng trong chương này, tác giả nêu bật vai trò của báo chí và hoạt động của báo chí trong điều kiện mới- thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Những bài viết trên báo Nhân dân, báo Cứu quốc thời kỳ đầu xây dựng CNXH, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, các tờ báo văn học, nghệ thuật trong giai đoạn 1954-1955, báo Quân đội nhân dân thời kỳ quân đội xây dựng chính quy, hiện đại 1954-1965… không chỉ bám sát hơi thở thực tiễn, phản ánh sinh động đời sống thực tiễn cuộc kháng chiến chống đế quốc mỹ của quân dân miền Nam mà còn khắc họa chân thực những vấn đề liên quan đến thời kỳ khôi phục, cải tạo kinh tế, văn hóa, xã hội… và xây dựng CNXH ở hậu phương miền Bắc. Tác giả cũng nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí giai đoạn 1965-1975, tình hình xuất bản báo chí, vai trò của một số tờ báo và tạp chí tiêu biểu: Nhân dân, Học tập, Quân đội nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam và nhất là sự ra đời của Truyền hình Việt Nam… với các chuyên trang, chuyên mục phong phú đã góp sức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin cập nhật về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thắng lợi của quân dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975.

Chương 5 (tr.359-tr.416): Tác giả đã tập trung trình bày và phân tích những nội dung liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và thống nhất hoạt động báo chí trên toàn quốc trong điều kiện cả nước thống nhất và đi lên CNXH, với những yêu cầu mới và những nhiệm vụ mới thời kỳ 1976-1986. Chính sách báo chí, sự phát triển của báo chí và vai trò của báo chí trong công cuộc xây dựng đất nước… được tác giả đi sâu, làm rõ, qua đó khẳng định: "10 năm sau ngày thống nhất đất nước, báo chí Việt Nam đã phát triển lớn mạnh không chỉ về số lượng mà còn mở rộng thành một hệ thống đa dạng, phong phú.Với số lượng 186 tờ, báo chí Việt Nam đã phát triển rộng"[5], luôn được cải tiến nâng cao chất lượng nội dung thông tin và hình thức, với các loại: Báo Đảng ở Trung ương, ở địa phương; báo của các đoàn thể, đảng- phái; báo văn hóa - nghệ thuật; báo của các ngành… và sự phát triển nhanh chóng của hệ thống báo điện tử. Trong đó, báo chí đã thực sự trở thành một vũ khí xung kích trên mặt trận chống tiêu cực, đồng thời cũng là nơi "xây dựng những điển hình kinh tế mới"…có ý nghĩa to lớn đối với yêu cầu đổi mới của đất nước.

Chương 6 (tr.417-tr.493): Là những phân tích, những luận giải của tác giả về công cuộc đổi mới của đất nước và yêu cầu đổi mới báo chí trong những năm 1986-2000. Theo đó, tác giả cũng đề cập những nội dung liên quan đến vấn đề tổ chức và quá trình kiện toàn Hội Nhà báo; các tờ báo, tạp chí với những chuyên mục mới, cách viết mới…phản ánh thực tiễn quá trình đổi mới về mọi lĩnh vực, cho thấy "sự lãnh đạo của Đảng với báo chí, mở rộng dân chủ với tinh thần dân chủ trong báo chí…" rất rõ nét. Cùng đó, không chỉ phản ánh tình hình thời sự, những biến động lớn cảu xã hội và thế giới, tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực đi đôi với việc phát hiện và cổ vũ nhân tố mới, báo Trung ương và sự phát triển của hệ thống báo địa phương; sự thay đổi về nghệ thuật và kỹ thuật làm báo… đã góp phần thông tin ngày càng toàn diện hơn về cả thành tựu và hạn chế, về thuận lợi và khó khăn, về ưu điểm và khuyết điểm, "sát cuộc sống, nắm vững chính sách, quán triệt sáng tạo". Một phần quan trọng của chương này, tác giả dành nói về nhiệm vụ của báo chí trong thời kỳ đổi mới với yêu cầu cụ thể về đổi mới tư duy hoạt động báo chí và kết quả thực hiện của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương; báo các cơ quan, đoàn thể và hệ thống báo chí điện tử…

Chương 7 (tr.494-tr.522): Tác giả nêu bật vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước những năm 2001-2010. Trong đó, đề cập bối cảnh lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng với báo chí, tình hình hoạt động của báo chí với cả những thành tựu và những tồn tại. Về thành tựu, có thể nói đó là sự phát triển nhanh về đội ngũ, với các ấn phẩm, các loại hình báo chí…và sự tham gia tích cực vào những hoạt động của báo chí khu vực và thế giới. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra sự thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa; công tác đào tạo, giáo dục, sử dụng cán bộ, phóng viên, nhân viên chưa tốt…của một số cơ quan báo chí. Vì vậy, cần phải "tiếp tục phát triển sự nghiệp báo chí đi đôi với tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới".

Phần kết luận (tr.523- tr.586): Báo chí Việt Nam 85 năm nhìn lại là những trang kết của cuốn sách, thể hiện rõ quá trình nghiên cứu chuyên sâu của tác giả về quá trình ra đời, phát triển ngày càng toàn diện, vững mạnh của nền báo chí nước nhà. Theo tác giả, trên lãnh thổ Việt Nam từ ngày giành được độc lập, tự do, báo chí cách mạng xuất bản công khai, hợp pháp được nhân dân cả nước nồng nhiệt chờ đón, tác động sâu sắc và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với công luận. Báo chí cách mạng Việt Nam là báo chí kiểu mới, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, "là một hệ thống quốc gia các cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng ngoại ngữ, với những chức năng, nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhằm nhiều loại đối tượng và sử dụng nhiều công nghệ khác nhau"[6]. Báo chí cách mạng Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng nên một đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp vững vàng, luôn trung thành với Tổ quốc và nhân dân ngày càng được tôi luyện qua thực tiễn… xứng đáng với kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà báo cũng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa...


Thanh Mai



[1]Đào Duy Quát: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. CTQG, H, 2013, tr.26

[2] Đào Duy Quát: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. CTQG, H, 2013, tr.31-32

[3] Đào Duy Quát: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. CTQG, H, 2013, tr.176

[4] Đào Duy Quát: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. CTQG, H, 2013, tr.291

[5] Đào Duy Quát: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. CTQG, H, 2013, tr.373

[6] Đào Duy Quát: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), Nxb. CTQG, H, 2013, tr.552

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất