Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 29/8/2012 21:26'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên: Phải gắn với sinh kế của người dân

Cồng chiêng Tây Nguyên

Cồng chiêng Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Nói đến Tây Nguyên là nói đến cồng chiêng, âm nhạc, hát múa, sử thi, lễ hội truyền thống như đâm trâu, lễ hội Pơ thi, đến nhà mồ, tượng mồ, rượu cần, nhà Rông nhà Dài, trang phục truyền thống, kho tàng nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng, M’Nông, Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm…Những nét văn hóa đó chỉ có thể trở nên độc đáo và sống được trong một “không gian văn hóa” đặc thù, riêng có của núi rừng và nương rẫy, nhà Rông, nhà Dài Tây Nguyên.

Năm 2005, UNESCO đã công nhận Không gian cồng chiêng Tây nguyên là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Cồng chiêng có thể giúp cho con người giao tiếp với thần linh nên nó được coi là vật thiêng và có giá trị trong đời sống cộng đồng buôn làng ở Tây Nguyên, sử dụng chủ yếu là trong các nghi lễ - lễ hội.

Nói đến Tây Nguyên, còn là nói đến Sử thi. Những ngày văn hóa Tây Nguyên lần thứ 2 tại Hà Nội trang trọng trưng bày 100 bộ sử thi đã được sưu tầm. Đó là thành tựu công phu và tâm huyết của những người làm văn hóa Tây Nguyên, là di sản văn hóa vô cùng quý báu. Nhưng Sử thi cũng như cồng chiêng, để “sống” được cần có một “không gian diễn xướng”. Bảo tồn Sử thi, chính là nuôi dưỡng không gian văn hóa để nghệ nhân có thể cất lên lời hát khan bay bổng về những bài ca sử thi tuyệt đẹp.

"Những ngày văn hóa Tây Nguyên" trưng bày 100 bộ sử thi


Sự biến đổi, mất mát của không gian văn hóa Tây Nguyên

PGS,TS. Đỗ Hồng Kỳ, người kỳ công sưu tâm Sử thi Tây Nguyên từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Ở Việt Nam hiện nay, không có ở đâu văn hóa truyền thống đang mất nhanh như ở Tây Nguyên”. Trong tham luận của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng nêu ra một thực tế đáng buồn: “Sự phát triển của các loại hình văn hóa hiện đại, làm cho lớp trẻ nhìn nhận sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của buôn làng mình là lạc hậu, lỗi thời, không hợp thời đại, do đó không thiết tha, quay lưng lại”.

Sự mất mát này là thực tế khách quan không cưỡng lại được, do nhiều yếu tố chi phối. Theo phân tích của TS Đỗ Hồng Kỳ, người Tây Nguyên có một nền văn hóa lớn nhưng họ (nhất là lớp trẻ) lại không tự tin, đi lấy những khuôn mẫu của người Kinh để làm theo. Mặt khác, phương thức sản xuất đã thay đổi. Theo ông, trước đây, người Tây Nguyên chỉ có hai mùa. Sau mùa thu hoạch, khoảng tháng 12 đến tháng 3-4, người Tây Nguyên vào mùa “ăn năm uống tháng”, tức là chỉ uống rượu suốt ngày và nằm hát. Cái điều kiện đó là cái phi vật thể. Còn vật thể là cái nhà. Cả hai điều ấy đều đã đổi khác. Trước nhà người Tây Nguyên toàn bằng gỗ. Giờ gỗ không còn, lợp mái tôn, nóng thế không nằm hát được. Hay như diễn giải của đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đăk Lăk: Thời kỳ kinh tế - xã hội phát triển theo cơ chế thị trưởng ảnh hưởng không nhỏ đến phương thức sản xuất, nếp sống văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Điều kiện kinh tế của từng gia đình sau khi tách hộ, không còn sống chung trong căn nhà dài nữa, cho nên không gian sinh hoạt các loại hình văn hóa cũng đã bị thu hẹp. Kinh tế gia đình phát triển theo phương thức sản xuất hàng hóa (nhận khoán cà phê, trồng rừng hoặc thực hiện chương trình VAC…). Cuộc sống của cộng đồng có nhiều biến đổi, nhu cầu tinh thần hưởng thụ các loại hình văn hóa truyền thống của từng người không còn duy trì (nhất là lớp trẻ) nên nhiều gia đình đã mang bán những bộ chiêng quý đi.

TS. Bùi Minh Đạo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nhìn nhận: “Sử thi cũng như cồng chiêng, đều sống được là trong môi trường rừng và nương rẫy, mất rừng và nương rẫy là mất môi trường tồn tại của sử thi. Rừng cạn dần, nương rẫy chuyển sang trồng cà phê, kinh tế thị trường làm mất môi trường diễn xướng của sử thi và cồng chiêng, làm cho nếp nghĩ của lớp trẻ thay đổi, quay lưng lại với môi trường cũ…”

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực để giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên. Có thể thấy rất rõ qua việc đầu tư xây dựng hàng nghìn nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn làng, phục dựng lại hàng trăm sinh hoạt văn hóa dân gian, đặc biệt là việc đầu tư cho sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu và xuất bản sử thi, mua chiêng để tặng đồng bào các vùng đã không còn lưu giữ được chiêng….

Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều khi, vì người làm văn hóa địa phương lại không hiểu hết văn hóa của địa phương mình đang bảo tồn nên dẫn đến cách làm việc thiếu khoa học, chưa hợp lý và hiệu quả. Việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn làng là cần thiết nhưng trong quá trình thực hiện lại không tham khảo kỹ ý kiến của đồng bào cũng như ý kiến của các nhà chuyên môn, để công trình vừa đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào, vừa bảo đảm được tính truyền thống. Hay, như một câu chuyện của nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga NiêK Đam (dân tộc Ê Đê) kể: “Người Tây Nguyên chúng tôi, bao giờ múa, diễn chiêng bao giờ cũng đi ngược chiều kim đồng hồ, nhưng các anh chị đạo diễn lại cho chúng tôi đi xuôi kim đồng hồ, lúc đầu nhịp giữa chiêng với trống chệch hết, mãi tới khi đi tới gần nhau rồi mới nghe thấy”. Một nhà nghiên cứu thừa nhận: “Công tác nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, còn chưa đến nơi đến chốn”.

Chưa kể, khu vực Tây Nguyên luôn phải đối mặt với những vấn đề hết sức nhạy cảm là vấn đề dân tộc và tôn giáo nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch nhằm chống phá nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc mà mục tiêu đầu tiên là phá các giá trị, các bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa. Bên cạnh đó là vấn đề di dân tự do của các dân tộc thiểu số phía bắc cũng gây khó khăn, trở ngại trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Việc bảo tồn chỉ là phục dựng lại trên sân khấu cũng không hoàn toàn đúng với tính chất của văn hóa Tây Nguyên. Bởi các nét văn hóa của Tây Nguyên là trong môi trường tự nhiên và sinh hoạt cộng đồng. ThS Linh Nga NiêK Đam kể, Liên hoan văn hóa dân gian một năm nào đấy ở Phú Yên, một già làng Cờ Ho tham gia tiết mục Cúng lễ bảo với chị rằng: “Cúng trên sân khấu, cúng giả, làm sao mà Giàng nghe”.

TS. Bùi Minh Đạo, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên cũng nhận định bên lề Hội thảo: “Khôi phục lại sử thi diễn xướng như nguyên gốc là ảo tưởng, nhưng khôi phục dần dần là có thể. Muốn vậy, ngành văn hóa phải kết hợp với rất nhiều ngành để đưa sử thi, cồng chiêng trở lại với buôn làng”.

Bảo tồn phải gắn với sinh kế của người dân

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Việc bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của Tây Nguyên phải coi trọng nguyên tắc đa dạng, trong đó các loại hình, hình thái biểu hiện văn hóa của các tộc người, các nghệ nhân, vùng văn hóa đều cần được nhận diện, kiểm kê, đánh giá hiện trạng và tìm các hướng bảo tồn thích hợp, chú trọng các hình thức bảo tồn gắn với cộng đồng, với sinh kế của người dân...

TS Bùi Minh Đạo cũng phân tích: Lâu nay, ta mới bảo tồn trên sân khấu, cồng chiêng phải sống trong lễ hội, bị sân khấu hóa, chỉ là mảnh vụn của cồng chiêng. Ông Đạo đề xuất giải pháp: Một trong những phương pháp tốt nhất để bảo tồn sử thi sống và cồng chiêng sống, là xây dựng làng văn hóa sinh thái, mỗi địa bàn có một khoảng rừng, không gian sống để người dân làm nương rẫy, sống với rừng và hát khan kể sử thi, đánh cồng chiêng…Nên có Bảo tàng dân tộc học ngoài trời của 5 tỉnh Tây Nguyên để giữ gìn những giá trị văn hóa Tây Nguyên.

Vai trò của người dân là vô cùng quan trọng, nếu không được tuyên truyền về gìn giữ các giá trị văn hóa thì họ không biết để gìn giữ. Tây Nguyên là một vùng đất có lịch sử văn hóa hiện diện nhiều dân tộc khác nhau, không phải chỉ là vài nét riêng, đặc thù bản địa. Để tuyên truyền cho người dân về giá trị văn hóa để họ ý thức giữ gìn, dạy con cháu phát huy thì nhà quản lý văn hóa nói chung, làm văn hóa địa phương nói riêng phải có hiểu biết về văn hóa Tây Nguyên; các phương tiện thông tin đại chúng phải tham gia tích cực, hiệu quả.

Với tha thiết, mong các địa phương có sự quan tâm đào tạo người cán bộ văn hóa là người dân tộc, bà Linh Nga NiêK Đam bày tỏ suy nghĩ, người làm văn hóa bản địa, tốt nhất phải là người dân sống trong không gian văn hóa đó. Phải tuyển chọn các con em của đồng bào Tây Nguyên để các em ý thức gìn giữ văn hóa. Phải có những nhà nghiên cứu bản địa am hiểu văn hóa địa phương, khôi phục những gì bà con muốn, chứ không thể chủ quan áp đặt họ. Muốn vậy, phải giúp đồng bào giữ được ngôn ngữ của mình, phải đưa các giá trị văn hóa vào trường học phổ thông ở Tây Nguyên, chú trọng đến giáo dục lớp người trẻ…

Trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các tỉnh ở Tây Nguyên cũng đều đang trăn trở, tìm cho mình những hướng đi thích hợp. Tuy nhiên, bài toán về bảo tồn văn hóa gắn với không gian sống và sinh kế của người dân không dễ gì thực hiện trong một sớm một chiều mà rất cần sự kiên nhẫn và tâm huyết của những người làm văn hóa, quản lý văn hóa.

Thiên Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất