Không chỉ trong thời gian gần đây, khi dư luận "dậy sóng" về việc tu bổ chùa Trăm Gian (Hà Nội), hồi chuông cảnh tỉnh mới chính thức được gióng lên. Nhiều năm qua, hoạt động tu bổ di tích vẫn luôn là vấn đề "nóng". Song, có lẽ việc xâm phạm này thêm một lần khiến chúng ta phải giật mình nhìn lại những tổn thất lâu nay không phải bởi thiên nhiên mà do chính con người gây ra với di sản nước nhà.
Hiện, cả nước có hơn 40 nghìn di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Do hoàn cảnh lịch sử, thiên tai, chiến tranh kéo dài, tốc độ xây dựng, phát triển đô thị, thiếu sự phối hợp liên ngành và nhận thức không đầy đủ trong việc nghiên cứu, quản lý khai thác và đầu tư tu bổ dẫn đến nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ đã cho phép triển khai Chương trình quốc gia về chống xuống cấp và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa mà mục tiêu là tập trung tu bổ, gìn giữ các di tích cách mạng và kháng chiến; từng bước tôn tạo các di tích lịch sử, di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật và danh thắng để thu hút khách du lịch, qua đó giới thiệu nền văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2001-2009, có gần 1.500 lượt di tích được đầu tư tu bổ ở những cấp độ khác nhau. Nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật như hệ thống đền, tháp, đình chùa, cung điện, khu phố cổ... sau khi được tu bổ, đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, nguồn thu tại di tích tăng lên đáng kể, bổ sung cho công tác tu bổ, tôn tạo. Một số di tích lớn như: cố đô Huế, đền Hùng, vịnh Hạ Long, chùa Hương, phố cổ Hội An..., nguồn thu từ khai thác di tích lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước hằng năm dành cho công tác này có hạn, cho nên nhiều di tích chưa được tu bổ hoặc tu bổ kéo dài. Và vấn đề đáng báo động là việc thực hiện tại một số địa phương còn tùy tiện, không theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa. Ðáng chú ý, một số dự án sử dụng nguồn vốn công đức, vốn của địa phương thực hiện chưa đúng quy trình, kỹ thuật không bảo đảm, yếu tố nguyên gốc của di tích ít được coi trọng làm ảnh hưởng đến kiến trúc nghệ thuật. Nguyên nhân chính là do cộng đồng dân cư địa phương thường có tâm lý thích làm mới, bền vững, "bề thế". Còn các nhà đầu tư thì muốn lợi nhuận cao và phần nhiều đơn vị thi công trùng tu chỉ là những công ty xây dựng, hoàn toàn không có chuyên môn, kinh nghiệm về di tích lịch sử - văn hóa. Trước thực trạng này, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thanh tra, kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố phía bắc. Những sai phạm ở các mức độ đã được phát hiện và tiến hành xử lý tại một số di tích như: chùa Trăm Gian, đình Xuân Tảo, đền Và, đình Mông Phụ, đình Thụy Phiêu, chùa Bối Khê (Hà Nội); chùa Tiêu, đền Ðô, đền Rồng, chùa Dâu (Bắc Ninh)...
Tu bổ di tích là một hoạt động khoa học có tính đặc thù, vì vậy, cần có quy chế riêng, trong đó quy định rõ các di sản cấp quốc gia phải do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý chứ không để các địa phương, làng, xã quản lý và trùng tu tự phát như hiện nay. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, chuyên môn cho các đơn vị bảo tồn, đồng thời "xây dựng việc giám định độc lập các dự án trùng tu, tôn tạo di tích; thành lập và sử dụng hợp lý Quỹ công đức bảo tồn di sản văn hóa cấp quốc gia ở các tỉnh, thành phố... Ðược biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc thực hiện tu bổ di tích, dự kiến ban hành trong tháng 9-2012. Năm 2013, Bộ cũng sẽ ban hành chứng chỉ hành nghề, định mức về lập dự án, quy hoạch, thiết kế, thi công, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Hy vọng, đây sẽ là những căn cứ hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động này.
Di tích không chỉ là tài sản của cộng đồng, của quốc gia, mà trước hết chính là tài sản văn hóa, tinh thần của mỗi cá nhân trong xã hội. Việc tu bổ di tích để gìn giữ những giá trị truyền thống lâu bền thể hiện tấm lòng tri ân với quá khứ, với lịch sử; cũng là tình cảm, ý thức cho cả mai sau. Vì thế, bên cạnh cái "tâm" thì năng lực, trình độ - cái "tài" của những người làm công việc này là điều không thể thiếu./.
Theo Nhân Dân