Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/9/2012 9:6'(GMT+7)

Góp phần bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho giảng viên trẻ ngành khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan hiện nay

Giờ tập luyện của Sỹ Quan Lục Quân 2

Giờ tập luyện của Sỹ Quan Lục Quân 2

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng phát triển năng lực sáng tạo, kĨ năng thực hành, Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng” (1). Bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho giảng viên trẻ (GVT) ở các trường sĩ quan là vấn đề có tính cấp thiết, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản lâu dài nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội không ngừng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các nhà trường sĩ quan.

GVT giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở các trường sĩ quan đã được đào tạo cơ bản ở các trường đại học trong và ngoài quân đội, có chí hướng phấn đấu vươn lên, nhiệt tình trong công việc, có khả năng tiếp thu nhanh các vấn đề khoa học. Tuy nhiên, GVT vừa tốt nghiệp ở các trường đại học, mới tiếp cận với hoạt động sư phạm quân sự, ít trải nghiệm trong cuộc sống, công tác, do đó bài giảng của GVT thường thiếu tính thực tiễn, nặng về lí luận. Nhiều bài giảng mới chỉ “tái hiện lại các nội dung”, chưa có sự thống nhất giữa lí luận và thực tiễn, khi giải quyết những vấn đề thực tiễn chính trị - xã hội còn mang tính chủ quan, dẫn đến chất lượng chuyên môn giảng dạy của họ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo nói chung và chất lượng công tác của học viên ra trường nói riêng.

Yêu cầu giảng dạy môn KHXH&NV trong quân đội không chỉ trang bị kiến thức lí luận đơn thuần, mà còn bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn cho học viên. Giữa người dạy và người học phải luôn đặt ra những yêu cầu khác nhau về kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng dạy - học. Với giảng viên dạy các môn KHXH&NV là truyền thụ hệ thống kiến thức lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy họ không chỉ hiểu biết sâu sắc về lí luận, mà phải có kiến thức thực tiễn để khéo léo hòa quyện giữa tri thức lí luận và thực tiễn cuộc sống, tạo khả năng tư duy sáng tạo độc lập của học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội. Xuất phát từ đặc điểm và yêu cầu trên, việc bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GVT ngành KHXH&NV ở các trường sĩ quan là nội dung cơ bản thiết thực nhằm hoàn thiện phẩm chất, năng lực của GVT. Quá trình này cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, sát với từng đối tượng cụ thể, trong đó cần nghiên cứu thực hiện tốt mấy vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng việc bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GVT ngành KHXH&NV. Đảng khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh, “Giáo viên phải có đủ đức, tài và phải được chuẩn hóa về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo". GVT là những người đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Do vậy cần có kiến thức và năng lực toàn diện, bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt vừa phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo lâu dài, góp phần giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ mà triển vọng họ là những giảng viên chính, giảng viên cấp cao, những nhà khoa học của quân đội và đất nước. Thực tế cho thấy, giảng dạy các môn KHXH&NV đặt ra cho người thầy phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tri thức và kinh nghiệm, giữa lí luận và thực tiễn mới có thể tập sự cho học viên phương pháp giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GVT thực chất là quá trình tiếp tục hoàn thiện nhân cách của nhà sư phạm, là mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt lí luận và thực tiễn trong giảng dạy KHXH&NV; mặt khác, đây là quá trình tiếp tục đào tạo lại ở các khoa giáo viên trong nhà trường, hình thức trực tiếp gắn liền giữa đào tạo và sử dụng giảng viên ở các trường sĩ quan. Thực tế đã chứng tỏ nơi nào làm tốt bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GVT thì hiệu quả của nó được bộc lộ ngay trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của họ và ngược lại. Đồng thời, khắc phục những tư tưởng cho rằng GVT đã tốt nghiệp ở các trường đại học thì không quan tâm quá trình đào tạo trực tiếp trong môi trường thực tiễn sư phạm quân sự.

Hai là, chú trọng nội dung bồi dưỡng thực tiễn hoạt động sư phạm quân sự và thực tiễn đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước đang diễn ra. Sự phát triển không ngừng của thực tiễn hoạt động sư phạm nói chung đặt ra cho các trường sĩ quan phải tích cực đổi nới phương pháp dạy - học theo hướng “chuẩn hóa”, “hiện đại hóa” nhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học. Trong quan hệ của hoạt động sư phạm, người dạy luôn đặt ra yêu cầu với người học, ngược lại người học cũng đặt ra yêu cầu cao về tri thức và kinh nghiệm thực tiễn ở người dạy. Vì vậy, nếu GVT hạn chế về kiến thức nói chung và ít kinh nghiệm về kiến thức thực tiễn nói riêng, thì khó có thể củng cố uy tín và vị thế của người thầy cũng như yêu cầu đặt ra trong giảng dạy môn KHXH&NV.

Kiến thức thực tiễn của GVT luôn làm cho nội dung giảng dạy phong phú, sinh động, làm cho tay nghề sư phạm của giảng viên được củng cố và phát triển, do vậy bồi dưỡng phải toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng tri thức khoa học, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ năng lực chuyên môn cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó cần tập trung bồi dưỡng thực tiễn hoạt động sư phạm quân sự, thực tiễn hoạt động quốc phòng - an ninh; kinh nghiệm trong quản lí, chỉ huy cấp phân đội. Thực tiễn đó được hệ thống hóa, khái quát hóa trong công trình nghiên cứu khoa học, chuyên đề, bài báo, thông tin khoa học. Đây là những vấn đề mà GVT cần lĩnh hội và vận dụng vào giảng dạy, làm sáng tỏ lí luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là thực tiễn sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo nói riêng; đồng thời chứng tỏ sự hấp dẫn và sức thuyết phục đối với người học trong quá trình đào tạo ở các trường sĩ quan hiện nay.

Ba là, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp trong việc bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GVT ngành KHXH&NV. Có thể tiến hành bằng nhiều hình thức như: bồi dưỡng tại khoa, tại nhà trường, cử đi thực tế công tác ở đơn vị, thông qua tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các giảng viên nhà trường quân sự, tổ chức giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm các thế hệ giảng viên đi trước. Trong đó, hình thức bồi dưỡng tại trường là cơ bản nhất để mỗi giảng viên tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn mang tính thiết thực phong phú nhằm vận dụng vào giảng dạy.

Thực tế, bằng hình thức giao nhiệm vụ, phân công bài giảng, giao chỉ tiêu nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến, sáng chế, hướng dẫn học viên nghiên cứu, hướng dẫn khóa luận, viết báo khoa học… để bồi dưỡng kiến thức cho GVT là những hình thức chủ yếu, thiết thực góp phần đạt hiệu quả nhất. Bởi chính môi trường sư phạm quân sự là điều kiện tốt để GVT tự học tập, nghiên cứu, qua đó khái quát các kinh nghiệm bổ ích cho bản thân, do vậy lời giải cho bài toán này là cần có các cơ chế phù hợp trong công tác quản lí đội ngũ giảng viên nhằm tạo động lực say mê, tích cực và kích thích sự hứng thú tìm tòi sáng tạo của họ, từ đó mỗi GVT không ngừng tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động sư phạm cũng như trong giảng dạy môn KHXH&NV.

Bốn là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của khoa, tổ bộ môn và tập thể giảng viên trong bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GVT ngành KHXH&NV. Trước hết, quá trình bồi dưỡng phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy khoa giáo viên, hàng tháng đề ra các chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo xây dựng đội ngũ giảng viên nói chung, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GVT nói riêng, định kì tiến hành tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực sư phạm, đưa hoạt động này thành nền nếp, chế độ thường xuyên. Mặt khác, tiến hành tổ chức trao đổi kinh nghiệm trực tiếp về hoạt động thực tiễn xã hội, thực tiễn quân sự và hoạt động sư phạm của nhà trường, làm cho GVT lĩnh hội kinh nghiệm trong quản lí, chỉ huy, lãnh đạo và lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Thực tế vừa qua, vấn đề này được tổ chức tiến hành tương đối đa dạng, phong phú như: thông qua dự giờ, hoạt động bình giảng đối với GVT ở cấp khoa và cấp trường, qua đó phát hiện những hạn chế, trong giảng dạy của mỗi giang viên, nhất là sự thiếu hụt về kiến thức thực tiễn của GVT, từ đó rút kinh nghiệm cho từng giảng viên sau mỗi lần lên lớp. Biện pháp này đã thực sự làm cho mỗi GVT tiến bộ và phát triển không ngừng trên các mặt. Ngoài ra cần quan tâm khích lệ các đồng chí có học hàm, học vị, có kinh nghiệm trong nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, coi đó là "nguồn tài liệu" quan trọng để GVT học tập, nghiên cứu và tiếp thu những kinh nghiệm bổ ích đưa vào giảng dạy.

Sự phát triển về kiến thức thực tiễn của GVT ngành KHXH&NV ở các trường sĩ quan là đòi hỏi tất yếu khách quan, vừa mang tính xã hội của đội ngũ giảng viên, làm cho bài giảng KHXH&NV mang hơi thở của thực tiễn sinh động ở đơn vị cơ sở nói riêng và thực tiễn hoạt động sư phạm quân sự nói chung. Đây là cơ sở quan trọng để GVT không ngừng hoàn thiện nhân cách; đồng thời có sự định hướng cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội tiếp cận những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp giáo dục - đào tạo của các trường sĩ quan trong giai đoạn mới./.

Th.S. Nguyễn Ngọc Sáng - Trường Sĩ quan Lục quân 2


--------------

(1) - ĐCSVN, Văn kiện Đại hội XI, Nxb. CTQG, H 2011, tr 113.

(2) - ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ 2 BCHTW Khóa VIII, Nxb.CTQG, H 1997, tr 6, 13.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất