Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 31/8/2012 8:18'(GMT+7)

Dỡ chùa Trăm Gian: Bài học đắt với quản lý di sản

Chùa Trăm Gian nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và nét đẹp cổ kính. Ảnh: Internet

Chùa Trăm Gian nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và nét đẹp cổ kính. Ảnh: Internet

 

Dỡ chùa, Sở cũng... bất ngờ

Theo thông tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chùa Trăm Gian lâu nay đã hư hỏng khá nhiều hạng mục, như tiền đường, hành lang, gác chuông... Những năm trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thời chưa sáp nhập với Hà Nội đã đầu tư kinh phí để tu bổ. Tuy nhiên, do thời gian, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, di tích lại lớn cho nên UBND huyện Chương Mỹ không đủ kinh phí.

Ngày 13-4-2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian, giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Ngày 25-9-2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ đã kiểm tra hiện trạng di tích, thống nhất đánh giá thực trạng nhiều hạng mục như Ống muống, Thượng điện, nhà Tổ, gác Khánh... đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, mặc dù đã có hệ thống chống đỡ tạm thời. Đồng thời có văn bản liên sở ngày 10-10-2011 cho phép chủ đầu tư hạ giải ngay các hạng mục (trong đó có nhà Tổ), đang trong tình trạng nguy hiểm, và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí thực hiện.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế làm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, nên UNBD TP Hà Nội chưa bố trí được nguồn vốn cho dự án này.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 20-5-2012, đoàn công tác của Sở nhân một chuyến đi công tác trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã ghé qua chùa Trăm Gian kiểm tra. Chị Lan Anh, cán bộ Phòng Di sản của Sở cho biết, khi đó chùa hoàn toàn yên ắng và chưa có biểu hiện gì của việc chuẩn bị xây dựng, thậm chí nhà sư trụ trì chùa đi hạ cho tới tháng 7 mới về. Chị Lan Anh cũng xác nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhiều hạng mục trong chùa, trong đó có nhà Tổ.

Đầu tháng 6, do mùa mưa bão đã đến gần, nhà chùa xin phép xã cho hạ giải nhà Tổ và gác Khánh nhằm bảo đảm an toàn cho khách thập phương vãn cảnh chùa. Toàn bộ gác Khánh, nhà Tổ và bậc thềm lên xuống chùa đã được dỡ bỏ, thay thế bằng vật liệu mới một cách nhanh chóng. Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phỏng đoán rằng, nhà chùa đã chuẩn bị trước những vật liệu này từ bên ngoài chứ không trực tiếp thực hiện trong khuôn viên chùa. Các cán bộ của Sở không hề biết cho đến khi đọc được thông tin trên báo.

Sở, địa phương nhận trách nhiệm

Ngày 24-8, sau khi báo Lao Động có bài phản ánh về thực trạng phá dỡ một số hạng mục chùa Trăm Gian, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng với Thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa, UBND xã Tiên Phương về kiểm tra trực tiếp, đánh giá hiện trạng chùa Trăm Gian cùng sư thầy Thích Đàm Khoa.

Kết luận đánh giá hiện trạng của Sở cho biết: Gác Khánh và nhà Tổ bị xuống cấp nghiêm trọng hơn trong khi chờ đợi UBND TP Hà Nội và Sở hoàn thành các thủ tục dầu tư. Nguy cơ sẽ kèm theo sập đổ toàn bộ kết cấu khung nhà đang bị hỏng, gây hư hại cho hệ thống tượng Phật và mất an toàn cho khách thập phương đi lễ, cho nên nhà chùa đã tự ý tháo dỡ và cho thi công lại hai hạng mục này.

Việc thi công dựa trên nền móng cũ, giữ nguyên các bước gian theo hiện trạng, chất liệu gỗ sử dụng là gỗ lim, hình thức kiến trúc theo lối cổ truyền thống nhưng chưa đúng nguyên gốc và hồ sơ thiết kế.

Tuy nhiên, việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công hai hạng mục này là sai nguyên tắc, không báo cáo chính quyền để làm thủ tục theo đúng quy trình, vi phạm Luật Di sản văn hóa cùng các quy định hiện hành.

Sở đã lập biên bản, đình chỉ việc thi công các hạng mục này, đồng thời bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân Tiền đường.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xã Tiên Phương đã đứng ra nhận trách nhiệm trọng vụ phá dỡ này, nhưng cụ thể trách nhiệm như thế nào, đến đâu thì phải chờ cho đến khi Thanh tra có kết luận.

Có trùng tu được nguyên trạng?

Đây là điều mà nhiều người quan tâm nhất sau khi nhà Tổ và gác Khánh chùa Trăm Gian đã bị hạ giải. Gian nhà Tổ và gác Khánh đã bị tháo dỡ hoàn toàn, các vật liệu cũ bị bỏ hết, không sử dụng lại mà được thay bằng vật liệu mới. Hiện tại, công trình đang bị đình lại, các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích đang khảo sát, đo đạc, đánh giá các hạng mục, chi tiết để phục hồi. Ông Lê Thành Vinh, Giám đốc Viện Bảo tồn Di tích cho biết, rất may, phần lớn các vật liệu cũ vẫn còn được để lại cho nên các cán bộ, chuyên gia có căn cứ vững chắc để trùng tu.

Ông Vinh cũng cho biết, quan điểm của các chuyên gia trong việc trùng tu này là sử dụng lại phần lớn những vật liệu cũ, chỉ khi thiếu mới phục chế theo nguyên mẫu có sẵn. Một số cấu kiện cơ bản vẫn còn, như những cái đấu đặc biệt, một dạng cấu trúc cổ: đấu ngồi tren cột cái, ngói, đầu bẩy, chân cột... Ông Lê Thành Vinh khẳng định, các cấu kiện cơ bản tương đối đủ để khôi phục, tuy nhiên không phải là toàn bộ, bởi vì có rất nhiều chi tiết đã bị mất.

Ông Lê Thành Vinh cũng bày tỏ quan điểm, chùa Trăm Gian như vậy là bị xâm hại vô cùng nghiêm trọng, tuy nhiên các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc gần như ngay lập tức.

Còn ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở chia sẻ: “Đây là bài học đắt giá đối với chúng tôi trong quản lý di sản”.

TUYẾT LOAN /Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất