Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/9/2012 15:24'(GMT+7)

Thiết chế văn hóa - Thiếu và yếu

Nhà hát Thành phố - một điểm diễn chất lượng cao, thường được các đơn vị nghệ thuật ưu ái chọn làm nơi tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Nhà hát Thành phố - một điểm diễn chất lượng cao, thường được các đơn vị nghệ thuật ưu ái chọn làm nơi tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

 

  • Xuống cấp và mất dần

Các vấn đề bất cập trong hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp chất lượng thiết chế văn hóa thành phố đã tồn tại trong nhiều năm qua, thể hiện qua hoạt động của các Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà hát, rạp hát, bảo tàng, thư viện… Tính đến nay, các thiết chế văn hóa thành phố đang duy trì hoạt động với cơ sở vật chất cũ kỹ, thiếu thốn phòng ốc và trang thiết bị hiện đại đủ chức năng, có thể đáp ứng tốt cho công việc thường nhật và phát triển chuyên môn, chuyên ngành. Ngoài ra, đội ngũ nhân lực có trình độ cao còn ít, chế độ đãi ngộ người làm công tác văn hóa đã lỗi thời và những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, đã khiến cho hoạt động của các thiết chế văn hóa khó thoát khỏi tình trạng đi thụt lùi.

Ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa (TTVH) TPHCM, thẳng thắn nhìn nhận, với những tồn tại kể trên, trong nhiều năm tới nữa, những cố gắng hoạt động của TTVH cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, thực trạng hàng loạt nhà hát lại không có “nhà” đang là vấn đề nóng của ngành văn hóa. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch được đầu tư trên 47 tỷ đồng để mua dàn nhạc cụ hoành tráng nhưng chưa phát huy được số nhạc cụ hiện đại này! Nhà hát nghệ thuật Hát bội xuống cấp đã lâu. Mấy chục năm qua, loại hình nghệ thuật múa rối nước truyền thống phải nương náu một góc nhỏ bên trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM và hơn 2 năm qua, múa rối cạn cũng hoạt động èo uột vì rạp bị giải tỏa. Cảnh tình của Đoàn Xiếc thành phố cũng không khá hơn khi tạm bợ làm việc, biểu diễn ở một khoảnh trong Công viên 23-9. Cách đây mấy năm, rạp hát Hưng Đạo, điểm son của sân khấu cải lương, đã có dự án xây dựng thành Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo, nhưng đến nay kế hoạch khởi công xây dựng vẫn ì ạch, không động tĩnh. Chưa kể, vài năm trước, Nhà hát Nhân Dân (quận 5) từng được đầu tư tiền tỷ để sữa chữa, nâng cấp nhưng sau đó lại bị bỏ hoang…

Khối bảo tàng, thư viện cũng vất vả duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ, dù cơ sở vật chất chưa đáp ứng nổi nhu cầu phát triển chung của ngành nghề, của xã hội và hội nhập quốc tế.
  • Đầu tư đúng mức, đúng tầm - bao giờ?

Đã 37 năm kể từ ngày đất nước thống nhất nhưng TPHCM lại chưa xây dựng được một công trình văn hóa nào quy mô, mang tầm vóc của một thành phố lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. Đó là một dấu lặng trong việc phát triển văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa là một bộ phận rất quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, là nơi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời là nơi hưởng thụ, sáng tạo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam… Giáo sư Ca Lê Thuần, Phó Chủ tịch UB toàn quốc LH các hội VHNT VN, Chủ tịch LH các hội VHNT TPHCM chia sẻ nỗi âu lo: “Vấn đề cấp thiết hiện nay là sự quan tâm, đầu tư đúng mức và xứng tầm các thiết chế văn hóa thành phố. Thực trạng còn tồn tại là nội dung một số thiết chế văn hóa không những không phát triển mà còn đi xuống…”.

Từ nhiều năm qua, liên tục các dự án, kế hoạch về đầu tư, xây dựng cơ ngơi văn hóa chất lượng cao cho từng loại hình nghệ thuật, cho các thiết chế văn hóa cấp thành phố, đã được nhiều cấp, ngành đưa ra bàn bạc, tọa đàm, hội thảo, đề xuất, kiến nghị… nhưng gần như tất cả các dự án đầu tư văn hóa quy mô vẫn còn nằm im trên bàn giấy.

Cứ thế, các dự án cứ kéo dài từ năm này qua năm khác, lúc lại chờ UBND TPHCM phê duyệt lại ngân sách đầu tư, do bị trượt giá, phải điều chỉnh cả khâu thiết kế, trang thiết bị, lúc thay đổi di dời địa điểm xây dựng… Những quy hoạch chờ như thế đang làm hao mòn lòng nhiệt huyết của nhiều người trong cuộc, là sự cản trở lớn để lĩnh vực văn hóa phát huy vai trò, vị thế, thúc đẩy sự phát triển. 

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất