1. Có một Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh- “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”
Lâu nay, một bộ phận trong giới khoa học Việt Nam và không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chưa thật rõ, đầy đủ, đúng đắn một số điểm xung quanh Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người thì không biết có một Nghị quyết của UNESCO, tức tài liệu gốc. Hầu hết chỉ biết đến nội dung văn kiện này qua bản dịch tiếng Việt, đăng sớm nhất trong Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1990. Bản dịch này từ các thứ tiếng khác nhau nên vẫn còn độ chênh.
Ở ngoài nước, các thế lực thù địch tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc, cho rằng không có Nghị quyết của UNESCO !?.
Gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã công bố văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bản in tiếng Pháp “Tập biên bản của Đại hội đồng khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1: nghị quyết”(1).
Đây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO, Pari, năm 1988.
“Quyển 1: nghị quyết” dày 220 trang, bao gồm các nghị quyết được Đại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp lần thứ 24. Tập nghị quyết này gồm 13 mục và phần phụ lục.
Trong Chương trình hành động giai đoạn 1988-1989, cùng với các Nghị quyết 24C/11.9 về Kỷ niệm 600 năm ngày mất của Khaeh Chamsoddne Mohammad Hafez Chirazi và Nghị quyết 24C/11.10 về Kỷ niệm 100 Ngày sinh của Fernando Pessoa, Đại hội đồng UNESCO khóa họp lần thứ 24 đã thông qua các nghị quyết về tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử, trong đó có Nghị quyết 24C/18.65 về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện khuyến nghị của UNESCO triển khai các hoạt động tổ chức kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử tại các nước thành viên, nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn” đã được tổ chức trọng thể vào hai ngày 29 và 30 tháng 3-1990. Tại Hội thảo này, có mặt 70 đại biểu quốc tế thuộc 34 nước và hơn 1.000 đại biểu Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ M. At-mét (Medagat Ahmed), Giám đốc UNESCO khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Đây thật sự là một niềm vinh dự cho tôi được phát biểu trước các nhà trí thức và thông thái cao quý, có mặt ở đây ngày hôm nay để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, người chiến sĩ dũng cảm đã giải phóng dân tộc mình khỏi một thế kỷ đô hộ thực dân, bằng sự lãnh đạo khôn khéo và quyết tâm vững chắc. Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau Đại chiến thế giới thứ hai ở châu Á và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ 20. Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng. Những tình cảm này được thể hiện rõ rệt trong Nghị quyết của Đại hội đồng với sự nhấn mạnh rằng: tư tưởng của Người chứa đựng nguyện vọng của nhân dân muốn khẳng định nền văn hóa riêng của mình và xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau... Tên gọi cuộc Hội thảo khoa học là “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn” nhằm nêu bật nhiều mặt của nhân cách con người vĩ đại này”(2).
Dưới đây là toàn văn bản dịch (từ bản tiếng Pháp) của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Mục “18. 65: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại hội đồng,
Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,
Nhắc lại Nghị quyết số 18C/4.351 thông qua tại khóa 18 Đại hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,
Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,
Nhận thấy những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,
1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;
2- Đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”(3).
2. Nhận thức đúng đắn về sự thống nhất, hòa quyện giữa Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, vì mục tiêu Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải nhận thức được sự thống nhất, hòa quyện chất Anh hùng giải phóng dân tộc và chất của Nhà văn hóa kiệt xuất trong con người Hồ Chí Minh, vì mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO cho thấy, nói đến Hồ Chí Minh là nói tới một con người, một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, một danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Nói đến Hồ Chí Minh là nói tới một nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng, vì đã cống hiến trọn đời mình cho tự do và độc lập. Cuộc đời Hồ Chí Minh đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó vừa là giá trị văn hóa vừa có ý nghĩa cách mạng sâu xa. Hồ Chí Minh là “một trong số ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(4).
Để nghiên cứu đúng đắn về Hồ Chí Minh, cần nắm chắc bối cảnh lịch sử, phân biệt rõ mục đích và con đường để đạt mục đích đó. Hồ Chí Minh trước hết là con người của dân tộc, gắn bó mật thiết với non sông ta, đất nước ta. Dân tộc Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đêm trước thành công của Cách mạng Tháng Tám đắm chìm trong đêm dài nô lệ. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, bằng cách làm này hay cách làm khác, theo con đường này hay con đường khác, đều chung một mục đích giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh từ tuổi thiếu thời là một thanh niên yêu nước, ham học hỏi, cầu tiến bộ. Người không những giống mọi người Việt Nam về tinh thần yêu nước mà còn “sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”. Người đã từng theo học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Tại đây, lần đầu tiên Người được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Người cũng đã theo học lớp sơ đẳng Trường Tiểu học Đông Ba ở Huế và Trường Quốc học Huế. Người quan tâm tới nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt mục đích giải phóng dân tộc. Trước lúc đi ra nước ngoài tìm cách giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã tâm sự với một người bạn: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(5). Năm 1923, tâm sự với Ôxíp Manđenxtam, Người bộc lộ: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách báo của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(6).
Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh không chỉ là con người của dân tộc mà còn là của thế giới, của thời đại. Người khám phá thế giới, làm mọi cách để đạt được mục tiêu giải phóng dân tộc, như có lúc Người đã nói một cách hình tượng “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Cũng như vậy, sau này, để đạt được mục tiêu tự do, hạnh phúc, có lúc Người nói: “Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(7).
Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, như mọi người đều biết, từ Mácxây, Nguyễn Tất Thành có viết một lá đơn đề ngày 15-9-1911 gửi Tổng thống nước Pháp lúc đó Armand Fallieres, xin học Trường Thuộc địa. Lá đơn này có trong Kho Lưu trữ nước Pháp, bộ phận Hải ngoại, phông Trường Thuộc địa, bìa số 27, hồ sơ số 11. Lần đầu tiên (năm 1983) tư liệu này được giới thiệu qua hệ thống đài phát thanh và truyền hình nước Pháp do Tuyren (H. deTurenne) thực hiện nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ. Tiếp đó, tư liệu này được đề cập trong cuộc Hội thảo quốc tế tại Pari ngày 25-5-1983 dưới chủ đề: “Mác- Các chủ nghĩa Mác”. Sau đó, Nguyễn Thế Anh (nguyên là Khoa trưởng Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thời Mỹ- ngụy) và Vũ Ngự Chiêu (nguyên là sĩ quan ngụy, hiện ở Canađa) đã công bố toàn văn lá đơn trong số 1 tạp chí Đường mới, số tháng 6-1983 với một dụng ý xuyên tạc trắng trợn, cho rằng “Nguyễn Tất Thành lúc đầu có ý định xin vào học Trường Thuộc địa để sau ra làm việc cho Pháp, nhưng vì không được nhận vào học nên phải đi theo con đường cách mạng!?”. Gần đây, tháng 7-2009, DVD “Sự thật về Hồ Chí Minh”, Vũ Ngự Chiêu lại nhắc lại sự kiện đó.
Chúng ta hoàn toàn không giấu giếm sự kiện này. Hơn hai mươi năm trước, Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm đã có bài viết với tiêu đề: “Cần làm sáng tỏ một số điểm xung quanh lá đơn xin học của Nguyễn Tất Thành năm 1911”, đăng Tạp chí Cộng sản, số 5-1987. Vấn đề là ở chỗ, hiện nay một số người vẫn nghĩ rằng chúng ta không công bố lá đơn này, và quan trọng hơn là nhiều người không hiểu đúng việc làm của Nguyễn Tất Thành. Còn các thế lực thù địch thì cố tình bóp méo sự thật lịch sử.
Làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết phải nhận thức đúng đắn rằng đây là cách làm chứ không phải mục đích của Hồ Chí Minh. Có nhiều cách làm và con đường để đạt một mục đích. Cách làm này hoàn toàn hợp lôgic với cách làm và suy nghĩ từ trong nước của Nguyễn Tất Thành khi có ý định xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Sài Gòn, muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ Tự do, Bình đẳng, Bác ái rồi trở về giúp đồng bào chúng ta. Dõi theo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, phải đánh giá sự kiện này ở một cách nhìn khác với tầm cao hơn. Cụ thể là ngay từ rất sớm, Người đã biết khám phá, khai thác văn minh nhân loại, khoa học - công nghệ ở các nước tư bản để phục vụ cho đồng bào mình.
Thứ hai, phải đọc và suy ngẫm kỹ hình thức và nội dung lá đơn gửi Tổng thống một nước tư bản văn minh lúc bấy giờ. Trong lá đơn có câu: “Tôi muốn sẽ trở nên có ích đối với đồng bào của tôi, và đồng thời có thể giúp cho họ hưởng thụ được những lợi ích của học thức”(8).
Sự thật rõ như ban ngày mà những kẻ nuôi dụng tâm xấu vẫn ác ý cố tình xuyên tạc. Để hiểu rõ hơn về lá đơn, hãy đọc Êmơri (Daniel Hémery) - một nhà sử học Pháp chuyên nghiên cứu và giảng dạy lịch sử cận - hiện đại Việt Nam tại Trường Đại học Pari VII, trong bài viết: “Về lá đơn xin vào học Trường Thuộc địa năm 1911 của người thanh niên Hồ Chí Minh”. Êmơri khẳng định: “Tuyệt đối không thể căn cứ vào lá đơn xin học năm 1911 để gán ghép cho Nguyễn Tất Thành ý định sau khi học xong sẽ trở thành người cộng tác với chính quyền thuộc địa”(9).
Bài viết đến đây tạm khép lại với một câu hỏi: “Tại sao người ta cố tình muốn hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”? Câu trả lời từ một cách hiểu rất đơn giản và lôgic, đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và vẫn luôn luôn giữ được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân loại tiến bộ./.
PGS, TS. Bùi Đình Phong
———————
(1) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009 (Từ đây, những thông tin liên quan tới Nghị quyết đều dẫn từ tài liệu này)
(2) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.34-35.
(3) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, tài liệu đã dẫn, tr.57.
(4) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sdd, tr.37.
(5) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H, 1975, tr.13.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.1, tr.477.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr. 227.
(8), (9) GS. NGND Đinh Xuân Lâm: Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 2005, tr.275, 273