Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 29/12/2009 11:19'(GMT+7)

Những đòn tấn công nguy hiểm vào kinh tế

Các thế lực thù địch coi kinh tế là mũi nhọn chống phá. Chúng thúc đẩy kinh tế thị trường tự do, tư nhân hóa nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, chống phá kinh tế nhà nước, làm mất vai trò chủ đạo kinh tế nhà nước, từng bước chuyển hóa nền kinh tế nước ta sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Chuyển hóa kinh tế kết hợp với chuyển hóa chính trị, thúc đẩy cải cách chính trị, chống phá chính trị, đòi “tự do hóa” về chính trị theo hướng dân chủ tư sản, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, núp dưới chiêu bài “dân chủ", "nhân quyền”, tuyên truyền tư tưởng tư sản và quan điểm xã hội dân chủ.

Trước hết, chúng tấn công vào lý luận kinh tế Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đòn tấn công này nhằm vào niềm tin cộng sản của nhân dân lao động. Chúng cho rằng, khi niềm tin cộng sản bị đánh mất, thì chúng dễ bề thực hiện âm mưu lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên thực tế.

Thứ hai là, xuyên tạc đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng cho rằng, kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội không thể dung hòa, do đó phát triển kinh tế thị trường là từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Như vậy là từ vấn đề kinh tế, các thế lực thù địch đang tiến tới vấn đề chính trị để hoàn tất sớm âm mưu diễn biến hòa bình.

Thứ ba, thông qua chiến lược “chiếm lĩnh đầu tư, chi phối thị trường”, cổ vũ cho “tư nhân hóa tài sản, tài nguyên”, mở rộng kinh tế tư nhân, thu hẹp và làm suy yếu thành phần kinh tế nhà nước, cổ vũ cho mô hình kinh tế phương Tây. Đòn này nhằm vào thực thể của nền kinh tế nước ta, mục tiêu là làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nước ta, tạo cơ sở kinh tế, chính trị-xã hội để chúng kết hợp chặt chẽ diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ.

Muốn đánh bại chiến lược "Diễn biến hòa bình" trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi sau đây:

Một là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là đối sách hàng đầu. Bởi, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội có mối quan hệ nhân quả. Tăng trưởng kinh tế là tiền đề của phát triển kinh tế-xã hội, nhưng không phải mọi sự tăng trưởng kinh tế đều dẫn đến phát triển kinh tế-xã hội. Nếu tăng trưởng kinh tế mà không giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội và môi trường sinh thái, thì sự tăng trưởng đó không làm cho đời sống xã hội phát triển, thậm chí làm mất ổn định xã hội. Khi bất ổn xã hội xảy ra sẽ không thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Muốn giải quyết tốt mối quan hệ này, trong hoạch định phát triển kinh tế-xã hội phải có chiến lược tổng thể mang tính dài hạn để định hướng toàn bộ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và trên từng khu vực. Cần có chiến lược tăng trưởng kinh tế trung hạn, ngắn hạn nhạy bén, sáng tạo và đưa ra những quyết sách phù hợp tình hình thị trường trong nước và quốc tế, trong từng thời kì, thời điểm...

Hai là, nâng cao trình độ quản lí vĩ mô, vi mô nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lí kinh tế-xã hội và quản lí các doanh nghiệp, đặc biệt là kinh tế nhà nước. Kinh tế Nhà nước là trụ cột của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, cần đẩy mạnh các biện pháp mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và nâng cao trình độ tổ chức quản lí để làm đầu tàu dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nhân phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, phù hợp với khả năng, trình độ quản lí doanh nghiệp. Bên cạnh đó tạo ra nguồn vốn đối ứng đủ sức để hấp thụ, tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư của tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ từ bên ngoài vào nước ta.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Đảng đề xướng và tổ chức thực hiện quá trình đổi mới kinh tế, xã hội. Do vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình này vừa là đòi hỏi cấp bách và mang tính cơ bản lâu dài. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng sẽ phát hiện sớm những khuyết điểm để nhanh chóng điều chỉnh và có những đối sách kịp thời đối phó có hiệu quả âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Bốn là, xây dựng, củng cố trận địa chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân. Đấu tranh chính trị tư tưởng luôn là mặt trận quan trọng hàng đầu của cuộc đấu tranh giai cấp. Hiện nay, đấu tranh chính trị giữa ta với các thế lực phản động hết sức quyết liệt, nóng bỏng. Vì vậy, củng cố trận địa chính trị tư tưởng vững chắc cho cán bộ, đảng viên, nhất là các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân là nội dung quan trọng hàng đầu trong chống diễn biến hòa bình. Trận địa chính trị tư tưởng có vững chắc thì mới chủ động đánh bại các âm mưu, thủ đoạn  phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng…

Những đối sách được đề xuất trên đây, nếu được triển khai thực hiện đồng bộ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực chống diễn biến hòa bình về kinh tế nói riêng. Đồng thời, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đánh bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đại tá, PGS, TS. HOÀNG MINH THẢO

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất