Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 7/10/2016 21:13'(GMT+7)

Minh bạch thông tin

Ảnh minh họa. (Nguồn: ITN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: ITN)

Nhìn nhận khách quan thì tin đồn xấu, độc hại sở dĩ có đất hoành hành là bởi còn khoảng trống nhu cầu thông tin của xã hội không được đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đúng mức, kịp thời. Tâm lý bưng bít thông tin, lờ đi để mọi chuyện êm trôi khá phổ biến trong cách ứng xử của không ít cơ quan công quyền. Người ta quên mất rằng, khi nguồn tin chính thống không lên tiếng sẽ là cơ hội cho tin đồn vô căn cứ, những suy diễn chủ quan đẩy sự việc đi rất xa phát tác. Đốm lửa nhỏ không ngăn sớm, để đám cháy bùng lên, dập tắt rất khó, mà có dập được lửa thì hậu quả phải gánh đã rất nặng nề.

Chúng ta đã nói nhiều đến giải pháp minh bạch thông tin, coi việc thông tin nhanh, chính xác là cơ sở để định hướng đúng đắn dư luận. Cơ chế người phát ngôn được xây dựng rất chi tiết, công phu, đề cao trách nhiệm thủ trưởng đơn vị. Thế nhưng, dường như vẫn còn quá nhiều lực cản để những chủ trương đúng đắn làm chủ mặt trận thông tin phát huy tác dụng. Không ít lãnh đạo vẫn ngần ngại, né tránh, đùn đẩy. Nhiều cơ quan có đủ bộ máy, phương tiện và vị thế để phát ngôn và phát ngôn mạnh mẽ, thế nhưng vẫn lúng túng, bị động khi có khủng hoảng truyền thông xảy ra.

Làm gì để khắc phục tình trạng trên? Thứ nhất, phát ngôn của một cơ quan, tổ chức phải luôn nhất quán. Tuyệt đối tránh cấp trên nói một đằng, cấp dưới nói một nẻo như trường hợp “tiền hậu bất nhất” khi bộ trưởng và thứ trưởng một bộ nọ nói về đường ống xả thải ra biển của Formosa là được phép hay không được phép. Thứ hai, phải có khả năng nhận lỗi một cách chân thành và dũng cảm. Dư luận sẽ rất khó chấp nhận nếu đã xảy ra sự cố với hậu quả nặng nề mà những người có trách nhiệm cụ thể trong lĩnh vực đó cứ đem “làm đúng quy trình”, đổ lỗi khách quan, đá bóng sang sân người khác mà không có một chút cầu thị, day dứt nào. Cuối cùng, đi liền với phát ngôn là hành động. Sẽ khó chấp nhận nếu người đứng đầu một cơ quan, đơn vị nào đó lúc nào cũng rầu rĩ nhận lỗi mà không có biện pháp cụ thể khắc phục và chấn chỉnh để sai lầm không tái diễn. Vụ đường ống nước sông Đà vỡ đến hơn hai mươi lần khiến dư luận ngán ngẩm vì bài ca nhận lỗi và cách xử lý trách nhiệm nhẹ hều, viện dẫn đủ thứ công lênh để các nhân vật chịu trách nhiệm chính không phải hầu tòa. Một ví dụ khác, vụ ngăn cản xe chở bệnh nhi hấp hối ở sân bệnh viện Nhi trung ương, nếu lãnh đạo bệnh viện tìm về Nghệ An thắp một nén hương chia buồn với gia đình nạn nhân để họ dịu bớt nỗi đau thì chắc chắn sẽ tốt hơn là đổ mọi lỗi lầm cho công ty dịch vụ bảo vệ, rồi xóa hợp đồng với công ty này để phủi tay là xong.

Công bằng mà nói, sự e ngại báo chí, né phát ngôn không chỉ có nguyên nhân từ phía người có trách nhiệm phát ngôn. Không ít phóng viên khiến bạn đọc và người tiếp xúc e ngại vì cách đưa tin vội vàng, thiếu chuẩn xác, chạy theo thị hiếu dư luận mà không quan tâm đến hậu quả phía sau. Tình trạng giật title, câu view, đưa những phát ngôn cắt cúp theo ý đồ người viết ra xa bối cảnh thực của nó là thực tế nhức nhối và không phải là cá biệt. Có đồng chí lãnh đạo địa phương tâm sự, khi thông tin trên báo sai lệch, có khiếu nại thì cũng đã muộn, vì dư luận có chiều hướng tin vào “mặt trái”, thông tin đã loang ra xa. Đời thường, ngay trong cơ quan, đơn vị, có người giỏi đưa chuyện, giỏi lái vấn đề theo ý họ đã nguy hiểm rồi. Đằng này, ngay một số tờ báo được cấp phép hẳn hoi vẫn để thông tin giật gân, hiểu theo cách nào cũng được, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân và tổ chức thì thật đáng buồn.

Có lẽ đã đến lúc minh bạch thông tin phải là câu chuyện đặt ra ở tầm chiến lược. Ngay tại phiên họp tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã công bố website để tiếp nhận và trả lời mọi ý kiến từ phía doanh nghiệp. Để ngăn ngừa thông tin xấu, thông tin độc hại thì phát ngôn chính xác, kịp thời phải được các cơ quan, đơn vị, địa phương coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Kĩ năng phát ngôn phải được bồi dưỡng nghiêm túc, bài bản, thẩm quyền phát ngôn được quy định rõ ràng và rành mạch. Về phía các cơ quan báo chí, việc đưa thông tin chuẩn xác, kịp thời là nguyên tắc hoạt động, đồng thời là đạo đức làm nghề luôn khắc cốt, ghi tâm. Nếu không làm tốt từ hai phía thì việc bỏ trống trận địa thông tin cho các tin đồn nguy hại phát tác là điều khó tránh.

Đỗ Chí Nghĩa (daibieunhandan.vn)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất