Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 27/3/2011 21:40'(GMT+7)

Mỗi người trồng 5 cây/năm phục hồi màu xanh Trái đất

Hiệp ước Copenhagen từ hơn một năm trước đã xác định mục tiêu đảm bảo nhiệt độ Trái đất tăng không quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc chính phủ các nước cần cam kết một cách ràng buộc việc cắt giảm mạnh lượng khí CO2 phát thải vào môi trường, vấn đề bảo vệ và trồng rừng trên phạm vi toàn cầu cũng cần được quan tâm thích đáng và cụ thể, khả thi hơn! Đặc biệt năm 2011 đã được Liên Hiệp Quốc chọn là “Năm quốc tế về rừng”.

Theo thống kê, lượng rừng bị mất trên Trái đất mỗi năm khoảng 13 triệu ha do nhiều nguyên nhân, dẫn đến tạo ra tương ứng khoảng 20% lượng khí CO2 trên phạm vi toàn cầu. Do vậy mục tiêu giảm tối thiểu 50% hoạt động phá rừng nhiệt đới vào năm 2020 đã được bàn đến. Theo tính toán, bình quân mỗi hecta rừng có khoảng 1.000 cây xanh lớn phủ rợp bóng. Do đó 13 triệu ha rừng mất đi hằng năm tương đương với 13 tỉ cây lớn biến mất. Nếu mục tiêu giảm tốc độ rừng bị mất xuống còn 50% thành công thì mỗi năm địa cầu còn mất đi khoảng 7 tỉ cây rừng.

Bên cạnh chức năng hấp thu CO2 bởi lá cây, bộ rễ cây xanh còn có tác dụng giữ và cải tạo đất một cách tự nhiên rất tốt, đóng vai trò quyết định trong việc chống sạt lở đất đồi núi, đất ven sông biển cũng như cải tạo đất sa mạc…

Mặt khác, nếu như tốc độ trồng rừng các loại (rừng tập trung, rừng phân tán) đạt được lớn gấp 1,5 lần tốc độ rừng bị mất bấy lâu, nghĩa là hằng năm có khoảng 20 tỉ cây mới được trồng thì mỗi năm trên Trái đất sẽ tăng thêm khoảng 13 tỉ cây xanh.

Dân số thế giới hiện khoảng 7 tỉ người. Trừ đi số người già yếu, bệnh tật và trẻ con chưa đủ sức trồng cây thì số nhân lực còn lại có thể trồng cây xanh cũng hơn 4 tỉ người. Bình quân mỗi người trong số này trồng 5 cây/năm sẽ đạt được con số tối thiểu 20 tỉ cây/năm. Nếu trong 4 tỉ người trên chỉ chọn lấy 10% công dân tích cực nhất thì bình quân mỗi người tích cực cũng chỉ trồng 50 cây/năm là đủ con số cần thiết.

Trước khi hội nghị ở Copenhagen diễn ra vào cuối năm 2009, Trung Quốc tuyên bố đã trồng được 6 tỉ cây rừng trong 6 tháng là một minh chứng thành công cụ thể cho vấn đề trồng cây gây rừng này.

Rừng tự nhiên trên hành tinh đã bị tàn phá dần từ hàng trăm năm nay nên diện tích các đồi núi trọc, đất bị sa mạc hóa cùng nhiều vùng đất trống nơi công cộng, đất ven đường, ven sông, ven biển… có thể đủ để trồng cây với tốc độ nêu trên một cách liên tục trong khoảng vài thế hệ nữa nhằm phục hồi đáng kể màu xanh cho địa cầu. Đất còn trống ở các đồng bằng vốn dễ trồng cây nên cần được ưu tiên trồng trước nhưng với đất ở các đồi núi trọc, đặc biệt là đất bị sa mạc hóa, thì vấn đề không đơn giản.

Tuy nhiên với trình độ khoa học hiện nay việc tìm kiếm hoặc tạo ra những giống cây thích hợp trên những vùng đất khó trồng cây không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Ngoài ra, vấn đề thủy lợi cũng hết sức cần thiết cho việc cải tạo đất và trồng cây ở những vùng đất bị sa mạc hóa.

Bên cạnh những nỗ lực của giới lãnh đạo trên thế giới nhằm đạt được những thỏa hiệp và ràng buộc hợp lý, khả thi về việc cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như đóng góp tài chính thích đáng ở mỗi nước…, chúng ta cũng cần có một quyết tâm bảo vệ và trồng cây gây rừng từ các cộng đồng những công dân tích cực!

Mặt khác, thị trường chỉ số CO2 liên quan đến rừng, đến cây xanh cần sớm được công nhận và áp dụng trên phạm vi toàn cầu để khuyến khích cộng đồng cư dân cũng như giới doanh nghiệp mưu sinh và phục vụ xã hội từ rừng, từ việc trồng cây xanh ở những nơi đất trống, đồi núi trọc…

Ngoài ra, cũng rất cần những cơ sở pháp lý từ quốc hội và chính phủ các nước để cây xanh được bảo vệ và khuyến khích người trồng, chẳng hạn như luật bảo vệ cây xanh, chính sách hỗ trợ trồng rừng các loại.

Môi trường xanh đem lại hơi thở tự nhiên tốt lành cho cuộc sống nên cộng đồng hãy chung tay hành động vì hành tinh xanh! Hằng năm mỗi người trồng 5 cây thì trong tương lai không xa màu xanh trên Trái đất sẽ phục hồi. Mọi hành trình lớn đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ mà câu chuyện “Giờ Trái đất” là một ví dụ!./.

TS Nguyễn Viết Thịnh (Đại học Tiền Giang)

(Nguồn: Tuổi trẻ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất