Cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' đã và đang là một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Gần 3 năm qua, Cuộc vận động đã được mọi cấp, mọi ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực thực hiện và đạt được những kết quả đáng mừng, kể cả nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, kể cả học và làm. Để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, một vấn để đặt ra là cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa ''học tập" và ''làm theo'' tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cần có những giải pháp thực hiện tốt mối quan hệ đó trong thực tiễn.
Thứ nhất, về học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Chúng ta học tập là để nhận thức, để hiểu biết một cách đúng đắn những giá trị tư tưởng, những chuẩn mực đạo đức và tấm gương đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta học tập là để nhận thức đúng đắn về những nguyên tắc, quy tắc, cách ứng xử của Người trong mối quan hệ giữa lãnh tụ với nhân dân, giữa công việc của cách mạng với cuộc sống thường ngày, giữa quốc gia với quốc tế... Học tập là để hiểu biết, để có tư tưởng đúng đắn và xây dựng cho mình một ý chí quyết tâm, hành động đúng đắn, có chuẩn mực rõ ràng. Giữa ''học tập'' và ''làm theo'' có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau. Học tập là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để có định hướng cho hành động. Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để vững chắc hơn, hăng hái hơn, tự tin, sáng tạo, cương quyết, dũng cảm.
Nhờ có nghiên cứu, học tập, chúng ta mới nâng cao được nhận thức về đạo đức và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Đó là tấm gương về sự hy sinh cả cuộc đời cho Đảng, cho dân, tấm gương về lòng thương yêu con người, tấm gương về thực hành tiết kiệm, tấm gương về lối sống giản dị, thanh bạch.... của Người. Trên cơ sở đó xây dựng cho mình một tình cảm sâu sắc, hình thành ý chí quyết tâm trong thực hành đạo đức.
Thứ hai, về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Trên cơ sở nhận thức, tình cảm có được từ học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp chúng ta có nội dung, chương trình, kế hoạch cụ thể để làm theo ở từng cán bộ, đảng viên, ở mỗi người dân, ở từng địa phương, đơn vị. Việc làm theo là một quá trình tự giác, kiên nhẫn, bền bỉ của mỗi người, từng bước hình thành thói quen đạo đức, phẩm chất đạo đức cách mạng. Từ việc học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người phải kiên trì rèn luyện đạo đức, xóa bỏ thói hư, tật xấu và những dục vọng thấp hèn, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách bền bỉ, hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh ở mỗi người thì nhu cầu học tập, tìm tòi nâng cao hiểu biết về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người ngày càng cao. Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng tích cực thì tiêu cực xã hội, suy thoái đạo đức ngày càng được đẩy lùi, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được củng cố, từ đó mọi người tiếp tục hăng hái, tự giác học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải một sớm, một chiều mà là cả một quá trình thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải có sự kiên trì, bền bỉ của mỗi người và mỗi tập thể. Đó là quá trình vừa học, vừa tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh xóa bỏ thói hư, tật xấu, hình thành và phát triển một nền đạo đức mới xã hội chủ nghĩa. Từ kết quả làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới rọi lại kết quả học tập đến đâu, từ đó mà điều chỉnh nội dung, phương pháp học tập cho tốt hơn.
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng ta cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức lối sống đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, việc nhận thức đúng đắn ý nghĩa của Cuộc vận động và tìm ra giải pháp thực hiện tốt mối quan hệ biện chứng giữa ''học tập'' và ''làm theo'' tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng. Ở đây, xin nêu ra một số giải pháp cơ bản cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như sau:
Một là, nội dung, chương trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải sát thực tiễn, liên hệ, vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo. Nội dung học tập phải gắn với kế hoạch thực hành đạo đức cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng cá nhân, địa phương, đơn vị.
Hai là, trong quá trình học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi địa phương, đơn vị phải thường xuyên gắn với việc liên hệ thực tiễn, đối chiếu với thực tiễn đạo đức, lối sống đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trên cơ sở đó rút ra ý nghĩa rèn luyện đạo đức, hình thành chương trình, kế hoạch làm theo tấm gương đạo đức của Bác; mặt khác, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, vận động gia đình, đoàn thể làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách thiết thực.
Ba là, kịp thời phát hiện mạnh dạn phê phán, lên án những hiện tượng đạo đức suy thoái, đặc biệt là thực tiễn đạo đừc lối sống đang diễn ra trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bốn là, để gắn học tập với làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả, đòi hỏi phải nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể. Xây dựng kế hoạch hướng dẫn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách thiết thực, đảm bảo tính cơ bản, lâu dài. Cán bộ, đảng viên phải thực sự tích cực, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo.
Mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, nhận thức và thực hiện tốt mối quan hệ ''học tập'' và ''làm theo'' tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì Cuộc vận động sẽ mang lại kết quả tốt đẹp./.
Lê Ngọc Dinh - Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kiên Lương - tỉnh Kiên Giang