Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 16/9/2011 16:28'(GMT+7)

"Mỗi tác phẩm là một thông điệp nồng nàn với đời sống, thắm thiết niềm tin yêu con người"

Các nhà văn trẻ dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII

Các nhà văn trẻ dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII

Và như nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói tại Hội nghị, chúng ta hy vọng từ đây mỗi người viết trẻ sẽ có thêm nhiệt huyết để sáng tạo nên tác phẩm là "thông điệp nồng nàn với đời sống, thắm thiết niềm tin yêu con người"...

Cần làm gì để văn học nước nhà tiếp tục phát triển? Mỗi nhà văn cần làm gì để có thể tiếp tục sáng tạo nên tác phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao?... Ðó là những câu hỏi đã và đang trực tiếp đặt ra đối với các nhà văn Việt Nam. Riêng với nhà văn trẻ, các câu hỏi này còn trở nên quan thiết hơn, bởi trong tiến trình phát triển của văn học, họ không chỉ là chủ thể sáng tạo mà họ đã và sẽ còn là chủ nhân của văn học nước nhà trong hiện tại và tương lai. Do đó, Hội nghị viết văn trẻ bao giờ cũng là một cơ hội giúp các cây bút trẻ đến từ mọi miền gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, bày tỏ nỗi trăn trở, nói lên suy nghĩ của mình, cùng tháo gỡ các băn khoăn nghề nghiệp... Trong đó nổi lên vấn đề quan trọng là phải làm gì để mỗi người có thể đi cùng cuộc sống và con người, khám phá cuộc sống và con người, rồi từ quan niệm tư tưởng - thẩm mỹ của mình mà viết về cuộc sống và con người một cách chân thành, dung dị nhưng có khả năng tôn vinh cái đẹp, phê phán cái xấu, thỏa mãn nhu cầu tinh thần, đồng thời góp phần làm cho xã hội - con người ngày càng phát triển và hoàn thiện...  

Phải nói rằng, so với Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VII, sau năm năm, số tác giả trẻ trên cả nước đã tăng lên. Ðặc biệt, nhiều đại biểu dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII đã có tác phẩm xuất bản, một số người được văn giới và công chúng biết tới tên tuổi. Nhưng cũng phải thừa nhận, số tác giả thực sự vượt lên là chưa nhiều, số tác phẩm để lại dấu ấn trong bạn đọc và đồng nghiệp còn ít. Về Hội nghị lần này, PGS, TS Nguyễn Văn Dân nhận xét: "Chưa có hội nghị nào sâu sắc như thế này,... mọi người nghe chăm chú, rất đặc biệt... Thái độ mỗi người khi tham gia đều chân thành, nghiêm túc và tâm huyết. Ngay như lớp nhà văn cao tuổi chúng tôi cũng rất chăm chú nghe. Mỗi người hãy tự rút ra kết luận cho mình, muốn vậy chúng ta phải lắng nghe nhau". Có thể nói nhận xét của PGS, TS Nguyễn Văn Dân là không quá lời. Vì không khó để nhận thấy tại Hội nghị, các đại biểu trẻ và khách mời là các nhà văn cao tuổi, đều phát biểu một cách chân thành, họ luôn lắng nghe ý kiến trao đổi với thái độ xã hội - nghề nghiệp nghiêm túc. Có thể coi hai cuộc hội thảo Thơ trẻ - dòng chảy và công chúng, Văn trẻ - nhận diện và phát triển là hai "điểm sáng" của Hội nghị. Vì bên tính thiết thực của chủ đề hội thảo, đây còn là hai diễn đàn mà không khí dân chủ và sự cởi mở đã tạo điều kiện để các cây bút trẻ phát biểu ý kiến thẳng thắn, không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố nào từ ngoại cảnh. Mỗi người một cách tiếp cận, mỗi người một suy tư riêng, nhưng ý kiến của họ không đặt ra vấn đề xã hội phải quan tâm tới người viết trẻ, mà họ tập trung tháo gỡ câu hỏi: "Phải làm gì để văn chương ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn?". Có thể nói, đây là câu hỏi bức thiết, thường xuyên đối với mọi người viết.

Ðể trả lời câu hỏi trên, dù chỉ là chấm phá, thì tham vấn từ đồng nghiệp là hết sức cần thiết, và quan trọng hơn, là chân thực nhìn nhận về mình. Hẳn vì thế, nhà văn trẻ Di Li đã tâm sự: "Thế hệ trẻ ngày nay lẽ ra phải có nhiều tác phẩm đỉnh cao hơn trước, có rất nhiều nhà sách nồng nhiệt, quảng bá, truyền thông cho tác phẩm. Lớp nhà văn già không phải chịu áp lực như những người viết trẻ, bây giờ độc giả rất thông minh và có quá nhiều lựa chọn trước các phương tiện nghe nhìn hiện đại". Với "văn học mạng" - nơi có người ngỡ có thể đăng tải tùy ý, dễ được tán thưởng, thì các cây bút trẻ cũng thấy ở đó có nhiều thách thức, như Trương Hồng Tú nói: "Bạn đọc văn thơ trên mạng không nhỏ đâu, nhất là các bạn trẻ, tôi yên tâm là bạn đọc không thờ ơ với thơ, chỉ có nhà thơ thờ ơ với cuộc sống". Còn nhà thơ trẻ Quân Tấn thì cho rằng: "Tôi làm thơ cho chú bác, cha mẹ, anh em, đọc cho họ nghe họ rất vui, song hàng chục năm trời không ai biết đến tôi. Nay vừa đưa lên mạng tôi đã nổi tiếng, bạn đọc khen thích lắm, vậy tôi chọn ai đây? Tôi muốn thơ có ích và làm cho cô chú, cha mẹ tôi vui".

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là viết như thế nào, điều này đã được cây bút trẻ Phạm Văn Vũ đến từ Thái Nguyên đặt ra rất nghiêm túc: "Chúng ta đã bàn rất nhiều về việc viết như thế nào, mà không bàn về chuyện sống như thế nào để viết?". Ðúng vậy, sống như thế nào là một phương diện khác của quá trình sáng tạo. Chúng ta coi quá trình sáng tạo là quá trình tự ý thức, đồng thời chúng ta khẳng định đó còn là quá trình chủ thể sáng tạo thể hiện cái "tầm", cái "tâm" của mình trước xã hội. Với văn nghệ sĩ nói chung, với nhà văn nói riêng, dù cá tính sáng tạo chi phối lao động nghệ thuật của họ đến mức nào thì vẫn không thể bỏ qua các yêu cầu thuộc về tư cách thành viên xã hội với nghĩa vụ, quyền lợi cụ thể. Chắc chắn các nhà văn trưởng thành cùng cách mạng trong gần một thế kỷ qua, đã đi qua hai cuộc kháng chiến,... đều thấm thía với câu hỏi "Cần sống như thế nào để viết?". Và từ vị trí của mình, mỗi người đã tìm ra câu trả lời, có như thế họ mới sáng tạo nên các tác phẩm mà chúng ta vẫn tự hào. Với các nhà văn trẻ cũng vậy, khi đặt ra câu hỏi về bước đường văn chương, làm thế nào để viết hay hơn, thiết nghĩ cũng cần trả lời cả câu hỏi: "Cần sống như thế nào để viết?".

Là hội nghị dành cho người viết văn trẻ, nhưng lại có thể gặp ở đây nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Chí Trung, Giang Nam, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Xuân Khánh, Bằng Việt, Trần Ninh Hồ, Phan Thị Thanh Nhàn, Ðịnh Hải,... Sự quan tâm và tấm lòng chân thành đã giúp các nhà văn, nhà thơ lớp trước không quản tuổi tác, không quản đường xa để đến với người viết trẻ. Những tâm sự nghề nghiệp, những kinh nghiệm mà mỗi người rút ra được trên bước đường viết văn đã đến với lớp trẻ không chỉ trên các diễn đàn Hội nghị, mà trên những chuyến xe, lúc nghỉ chân, những khi rảnh rỗi. Hội nghị đã tạo ra một không gian nghề nghiệp đúng với ý nghĩa cần  có, để các nhà văn thuộc nhiều thế hệ đến với nhau, hiểu và chia sẻ. Như GS, TS Hồ Ngọc Ðại kể lại thì chính ông đã thất bại khi đến với văn chương, rồi kết luận: "Văn chương không giống như các ngành khoa học, không có khuôn mẫu nào nhưng nhà văn lại có tác phẩm. Chính đó mới là tài năng, là tạo lập vị thế của nhà văn trong xã hội. Và không có cách nào khác để làm được điều ấy, ngoài nỗ lực cá nhân của người viết". Về nỗ lực của người viết, qua ý kiến thảo luận, các cây bút trẻ đều chung một suy nghĩ là: lao động khám phá - sáng tạo của nhà văn, bên niềm đam mê nghề nghiệp, còn cần tới những kiến thức có được trong quá trình học hỏi và tích lũy từ thực tế cuộc sống, từ tài sản văn hóa dân tộc, từ tài sản văn hóa nhân loại. Khi tri thức đang góp phần trực tiếp tạo dựng nên điểm xuất phát cho mọi kiểu loại hoạt động thực tiễn của con người thì đối với lao động nhà văn, tri thức càng có vị trí quan trọng.

Qua đánh giá của Hội Nhà văn và qua phát biểu của một số cây bút trẻ sau ngày bế mạc, có thể khẳng định, Hội nghị đã thành công tốt đẹp, đạt được những mục đích đặt ra. Vấn đề còn lại tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi người viết. Bởi, dù cố gắng đến đâu thì Hội nghị cũng không thể trả lời triệt để những câu hỏi liên quan tới từng người viết; mà qua các buổi thảo luận, Hội nghị chỉ đưa ra những gợi mở lý luận - thực tiễn giúp mỗi người viết có thể phác họa và bước đầu định tính công việc của mình. Ðiều đó cũng có nghĩa, dù thế nào thì hoạt động sáng tạo của người viết trẻ cũng luôn gắn với vai trò, trách nhiệm xã hội. Xem xét từ bất kỳ phương diện nào văn học cũng luôn luôn đi cùng xã hội; thực tế cho thấy, ý muốn tách văn chương khỏi cuộc sống rốt cuộc cũng chỉ là ảo vọng, là cắt đứt mối liên hệ sống còn của văn chương với môi trường sản sinh và nuôi dưỡng nó. Tuy nhiên, nỗ lực của người viết trẻ sẽ có ý nghĩa, có giá trị xã hội - con người hơn nếu được sự quan tâm của xã hội, của các cơ quan chức năng, các đoàn thể nghề nghiệp, như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định: "Tài năng là vốn quý của dân tộc. Chăm sóc và giúp đỡ tài năng phát triển là trách nhiệm của toàn xã hội". Các cây bút trẻ hôm nay chính là các tài năng văn học của nước nhà. Vì thế, cần tạo điều kiện vật chất - tinh thần để họ có thể phát huy tài năng, đóng góp vào sự phát triển đất nước, để mỗi tác phẩm của họ thực sự là một "thông điệp nồng nàn với đời sống, thắm thiết niềm tin yêu con người".


Theo Nguyễn Hòa (Báo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất