Tôi từng công tác âm nhạc ở Đài TNVN trên 20 năm, nên những kỷ niệm và tình cảm dành cho Đài TNVN luôn sâu đậm và khó phai mờ...
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi nước ta bắt đầu thí nghiệm làm truyền hình đen trắng, tôi có dịp sang CHDC Đức dự một cuộc hội thảo về âm nhạc trên sóng phát thanh. Trước sự xuất hiện của phương tiện nghe - nhìn (truyền hình), tôi có trao đổi với các bạn Đức về sự phát triển sau này của ngành phát thanh, thì được một nữ biên tập viên vừa cười vừa nói: “Phát thanh sẽ còn phát triển mãi mãi đối với mọi người, vì tôi vẫn có thể vừa làm bếp vừa nghe nhạc một cách thoải mái!”.
Cũng vào dịp ấy, ông Tiến sĩ âm nhạc HansSandig từ Leipzig đến Berlin tìm gặp tôi và cho biết: Bài “Chiếc đèn ông sao” của tôi qua sóng phát thanh đã đến được với các em thiếu nhi Đức, và ông đã phỏng dịch cho các em nhỏ hát với nguyên điệp khúc “Tùng rinh rinh” mà ông cho là như nhịp trống của một lễ hội Carnaval.
|
Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Đối với một đất nước phát triển như Đức còn như vậy thì đối với nước Việt Nam chắc hẳn tác dụng của âm nhạc trên sóng phát thanh sẽ còn hiệu quả lớn lao biết chừng nào, nhất là khi đất nước ta còn bị chia cắt và có chiến tranh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làn sóng Đài TNVN đã vượt qua vĩ tuyến 17 đến với đồng bào và chiến sĩ miền Nam bất chấp mọi rào cản của kẻ địch và thực sự đã được bà con, nhất là tuổi trẻ đón nhận rất nhiệt tình. Nhiều bài ca của các nhạc sĩ miền Bắc qua làn sóng của Đài TNVN đến với đồng bào miền Nam (nhất là ở các đô thị) đã tiếp thêm sức chiến đấu và thêm niềm tin vào thắng lợi. Trong bối cảnh của cuộc đấu tranh lúc đó, chức năng giáo dục và cổ vũ của nghệ thuật âm nhạc qua sóng phát thanh được đặt lên trên chức năng giải trí.
Riêng đối với tôi, sau khi bài hát “Tiếng hát những đêm không ngủ” viết tặng cho phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở các đô thị miền Nam đầu những năm 1970 được phát sóng trên Đài, đã được tuổi trẻ Sài Gòn phổ biến. Các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn... sau này gặp tôi đã kể lại, anh em sinh viên trong đó coi bài hát như tiếng nói quyết liệt của chính mình, và bài hát đã được phổ biến khá rộng rãi.
Tôi còn nhớ, sau khi giặc Mỹ ngưng ném bom miền Bắc (1973), anh em phụ trách buổi “Tiếng hát gửi về Nam” muốn sử dụng lại nhiều ca khúc êm ả, trữ tình, thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ở miền Nam có điện cho tôi: “Tuyên ơi, trong này bọn mình chỉ ngủ có một mắt!” (ý muốn nói: cần hết sức tỉnh táo để đấu tranh). Thế là từ năm 1973 - 1975, các hành khúc khỏe khoắn, giàu tính chiến đấu lại được vang lên góp phần động viên lực lượng kháng chiến ở miền Nam, tiến tới ngày thắng lợi 30/4/1975. Ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng” được Đài TNVN phát liên tục trong những ngày lịch sử ấy.
Tôi cũng phải cảm ơn làn sóng Đài TNVN đã chắp cánh cho bài “Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ” tôi viết tặng ca sỹ Pete Seeger - người đã cầm đàn đi đầu đoàn biểu tình trong phong trào phản chiến của Mỹ cuối năm 1969 ở Thủ đô Washington. Bài hát được vang lên qua làn sóng của Đài Lahabana, đến tai người ca sỹ đó và chính anh ấy đã tìm đường đến Hà Nội gặp tôi (qua đường Trung Quốc) vào cuối năm 2006, một cô sinh viên Mỹ sang Việt Nam nghiên cứu đã hát bài ấy trước sự xúc động của mọi người ở TP. Hồ Chí Minh.
Ở nước ta, khi khoảng cách về đời sống giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi còn xa nhau, thì âm nhạc trên làn sóng phát thanh là món ăn tinh thần không thể thiếu được với mọi người. Những làn điệu dân ca các miền đều đến được mọi nơi, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của công chúng. Hình ảnh người nông dân trong giờ nghỉ trưa có mang theo chiếc đài bán dẫn để nghe những bài hát khá phổ biến ở các miền quê.
Hơn 30 năm từ ngày thống nhất đất nước đến nay, nhu cầu về thưởng thức âm nhạc qua sóng phát thanh vẫn phát triển mạnh mẽ, cho dù đã có nhiều kênh truyền hình ra đời. Mong sao các chương trình ca nhạc trên làn sóng Đài TNVN luôn mang đến những tình cảm trong sáng, lành mạnh tới mọi tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế./.