Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 2/9/2009 20:2'(GMT+7)

Tháng 9 – Hoa và Sông

Sông Trà Khúc

Sông Trà Khúc

Bạn tôi nói: - Hương thơm tùy người. Lại giải nghĩa thêm: - Cỏ cây hoa lá vốn vô tình, có người mới nên tình…

Tháng 9 về, tôi lại nhớ tới màu sắc và hương vị của bông mua ở rừng miền Đông. Bây giờ, tìm ra một cụm mua cũng không phải là dễ. Mua chỉ là hoa dại. Trên thị trường hoa không có hoa mua.

Tôi nhớ về tháng 9 năm 1972 ở vùng rừng Bình Long miền Đông Nam bộ. Chiến dịch Nguyễn Huệ đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Địch đã kiểm soát lộ 13 từ Sài Gòn lên Bình Long. Quân chủ lực của ta đã rút. Đơn vị tôi làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn một hệ thống kho hàng gồm gạo, thuốc chữa bệnh, vũ khí ở vùng rừng cách thị xã Bình Long chừng 20km đường chim bay. Có kho hàng chỉ cách đường 13 không đầy 10km.

Mỗi kho có từ 2 đến 4 người canh giữ. Ở kho quân nhu số 13 có một chiến sĩ bị pháo dập chết, tôi được bổ sung tăng cường về đó.

Tôi đi trong mưa và đến trong mưa. Không có gì khó chịu hơn khi phải đi, phải sống trong mưa rừng cuối mùa. Lạnh đấy rồi nóng đấy. Ẩm ướt khiến da dẻ nhăn nheo, thấy ngứa, gãi cũng không hết, chỉ thấy rát.

Kho 13 chỉ còn mỗi mình Hai Bé. Anh quê ở Bến Tre, từng là cán bộ trong đội ở Công trường 9 (Sư đoàn 9) chuyển về. Trời mưa, bóng tối đến nhanh hơn. Theo gió, ào một cái là tối sẩm, không nhìn thấy gì hết.

Tôi nói: - Giá như có lửa.

Hai Bé bảo: - Yên tâm, lát nữa sẽ có lửa.

Quả nhiên, khoảng 10 phút sau, một trận pháo cấp tập dội xuống khu căn cứ. Trong lúc pháo nổ rầm rầm, Hai Bé nổi lửa trong hầm nấu cơm. Tôi hơi lo, hỏi: - Lỡ pháo bắn trúng hầm thì sao. Anh thản nhiên nói: - Trúng thì chịu chứ sao. Anh giải thích thêm, nơi này là góc chết của các cụm pháo Châu Thành, Bình Long và Bến Cát. Cái thì đi qua, cái thì không tới. Xác suất an toàn khá cao. Chỉ lo đối phó với biệt kích và máy bay.

Anh hút thuốc, thoải mái, nói tiếp: “Có trúng chưa chắc đã chết. Hơi sức đâu mà lo”. Trận pháo kéo dài 15 phút. Hầm của chúng tôi chỉ bị cây đổ vắt qua. Hai Bé bảo tôi trông nồi cơm. Anh đi kiểm tra lại các kho, nhân thể kiếm con cheo, con chúc làm thịt ăn mừng Quốc khánh 2-9.

Quốc khánh 2-9 năm đó vùng kho của chúng tôi hứng chịu gần chục trận pháo bầy, hai trận bom. Bom, pháo nổ trong mưa khiến không khí càng ngột ngạt. Cây đổ, cành gãy, bùn đất ngổn ngang, loang lổ. Khói bom đạn cùng gió mưa tràn qua, tràn lại mịt mù khét lẹt. Mãi tới 5 giờ chiều chúng tôi mới làm lễ chào cờ, liên hoan mừng Quốc khánh.

Hai Bé đã chuẩn bị sẵn từ trước. Tất cả đều diễn ra trong căn hầm rộng chừng 6m². Bàn thờ Tổ quốc được xếp bằng hai thùng đạn B40 dựng ngược. Trên có treo cờ Tổ quốc. Trước đây, Hai Bé có ảnh chân dung Bác Hồ nhưng sau đó Đoàn bị thu lại vì sợ không bảo quản được. Bàn thờ Tổ quốc không thể thiếu hoa tươi. Ở vùng rừng bom đạn cày xới liên miên này chỉ còn duy nhất những cụm mua có hoa. Hoa mua sắc tím, trông rất đẹp. Hai Bé kết hoa mua thành một bó, có cài lá dẻ gai. Bình hoa là vỏ đạn pháo 155 ly.

Hai Bé trầm ngâm, nói nhỏ: “Có những cái tạm bợ được, có những cái không được tạm bợ”. Chúng tôi thay đồ mới, đứng nghiêm trước bàn thờ Tổ quốc hát quốc ca… Dĩ nhiên là hát nhỏ thôi. Nhưng, tôi thấy toàn bộ vùng rừng nơi chúng tôi đang sống không có tiếng mưa, tiếng máy bay giặc ầm ì, chỉ thấy tiếng hát “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới…”. Vang rền, trầm bổng. Trong phút lặng im tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh những ngày vừa qua, tôi nhận thấy hương thơm từ những bông mua tỏa ra. Mùi thơm của nhang trầm nguyên chất. Mùi thơm thấm vào mọi ngõ ngách trong cơ thể khiến người ta nhận ra cuộc sống sâu rộng đến vô cùng. Những người sống phải sống cho cả những người đã chết. Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có những gì để tôn thờ, những gì để yêu mến, những gì nhớ thương?

***

Tháng 9, hết thảy các dòng sông đều đầy ắp nước. Hết thảy các dòng sông đều chảy nhanh hơn. Hết thảy đều sóng sau đẩy sóng trước. Sóng trước có lên cao là nhờ sóng sau đẩy mạnh. Tôi đã qua những dòng sông lớn của đất nước. Từ Cửu Long Giang tới thượng nguồn sông Lô, tới sông Kỳ Cùng, tới những con suối vùng biên ải. Màu nước, có thể khác nhau. Con sóng cao thấp khác nhau. Rộng dài khác nhau. Nhưng hết thảy đều có hai bờ. “Con sông đã tạo nên hai bờ chứ không phải hai bờ tạo nên dòng sông”. Bạn tôi nói vậy. Tháng 9 về, trên các dòng sông có rất nhiều giai điệu. Vang xa hơn. Ngọt ngào, bay bổng và dữ dội hơn. Có lẽ do cộng hưởng từ mưa gió, sấm sét.

Với tôi, dù đến bất kỳ dòng sông nào tôi cũng thấy có nước của dòng Bến Hải. Nước sông Bến Hải dường như nặng hơn nước các dòng sông khác. Sóng sông Bến Hải dù trong nắng hay mưa đều phát sáng. Dòng sông như có lửa bên trong. Lửa thắp sáng con sóng và giai điệu bài hát “Câu hò trên bến Hiền Lương”. Có ai trong đời không một lần thổn thức “Thuyền ơi có nhớ bến chăng; bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Có ai không mong mỏi “Xé mây cho ánh trăng vàng, cho sông tới bến, cho nàng về anh”…

Nơi thượng nguồn sông Bến Hải, trong chuyến đi trở lại chiến trường xưa, bạn tôi bước qua bước lại dòng nước trong văn vắt lững lờ trôi xuôi. Chúng tôi im lặng rất lâu trước dòng nước bình thường như một con suối này. Trên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, chúng tôi đã vượt qua nơi này. Lúc ấy chúng tôi không biết đây là khởi nguồn của con sông chia cắt đất nước suốt hơn 20 năm.

Bạn tôi bảo: “Trên bia kỷ niệm có lẽ nên khắc thêm dòng chữ: Đây là khởi nguồn của Câu hò trên bến Hiền Lương”…

Những người cùng thế hệ vượt Trường Sơn chắc cũng đồng cảm với ý tưởng của bạn tôi. Cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã để lại giai điệu đẹp tuyệt vời về một dòng sông lịch sử. Ai cũng biết, mỗi thời đều có cái đẹp riêng, có giai điệu riêng. Nhưng cái gì thuộc về muôn đời vẫn tồn tại đến muôn đời. Sông không còn là sông nữa nếu không có đôi bờ. Đời sống chẳng có ý nghĩa gì nữa nếu không có gì để nhớ, để thương…

Tháng 9, không thể không nhớ không nghĩ tới hoa và dòng sông.

Nhà văn Trần Văn Tuấn-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất