(TCTG)-Ông cha ta xưa có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Ý dạy con cháu về sự tu dưỡng nghề nghiệp, là học nghề gì, làm việc gì cũng phải cho đến nơi đến chốn, cái đích hướng đến là sự thành đạt của bản thân, nghĩa gần với câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Trên thực tế hiện nay, “chín” trong một nghề không hề là việc dễ dàng với mỗi cá nhân, mặt khác, “chín nghề” cũng không phải là không có cái hay của nó…
Việc lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ Việt Nam hiện nay, xét một cách tương đối và phổ biến nhất, được bắt đầu khi các bạn tốt nghiệp phổ thông trung học và chọn cho mình một trường Đại học, Cao đẳng hay trường dạy nghề nào đó. Câu hỏi đặt ra là: “tại thời điểm lựa chọn, các bạn đã thực sự hiểu rõ về nghề nghiệp mà mình đã chọn chưa?” Câu trả lời chung nhất, đáng tiếc, lại là “chưa”. Theo một điều tra gần đây của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thì có đến 63% sinh viên Đại học không biết các nghề gắn với ngành học mình đã chọn, và 72% sinh viên năm thứ 4 chưa định hướng được công việc sẽ làm sau tốt nghiệp. Theo TS. Đỗ Chí Nghĩa, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) có một vấn đề mà chúng ta cần hết sức quan tâm, đó là xu hướng chọn nghề ngẫu nhiên của một bộ phận giới trẻ.
Nguyên nhân của thực trạng này, trước hết ở mô hình giáo dục phổ thông mà chúng ta vẫn đang áp dụng bấy lâu. Các em học sinh luôn phải gánh một khối lượng và áp lực học hành rất lớn, trong khi những chương trình ngoại khóa, những chuyến thực tế - là cơ hội để các em được bộc lộ năng khiếu, sở thích của bản thân cũng như tìm hiểu rõ hơn về các công việc, các ngành nghề lại cực kì ít, thậm chí không có. Và chỉ sau kì thi tốt nghiệp PTTH đúng 1 tháng, các em bước ngay vào kì thi tuyển Đại học, Cao đẳng để quyết định nghề nghiệp tương lai của mình, không hề có một khoảng thời gian trống nào để các em tìm hiểu, suy nghĩ. Ở nhiều nước phương Tây, các bạn trẻ thường không thi Đại học, Cao đẳng ngay sau khi tốt nghiệp PTTH, mà thường có từ 1-2 năm đi làm, đi thực tế rồi mới lựa chọn ngành nghề phù hợp và thi.
Người ta cũng đã nói nhiều đến trách nhiệm của thầy cô và gia đình trong việc hướng nghiệp cho các em. Quả thật nếu có thêm sự định hướng đó thì lựa chọn của các em sẽ có thêm phần hợp lý. Nhưng cái khó ở đây là thầy cô cũng chỉ hoạt động trong môi trường sư phạm, các em vất vả với khối lượng học tập bao nhiêu thì thầy cô cũng tất tả bài vở đến đó. Trừ một số em đã bộc lộ rõ năng khiếu, sở trường, còn lại thì thật khó để thầy cô có thể định hướng tương lai cho từng em được. Về phần các bậc cha mẹ, những người có đủ hiểu biết về cuộc sống, các ngành nghề, xu hướng phát triển của xã hội, v.v..để có thể định hướng cho con em mình quả thực không nhiều. Đất nước mới bước ra từ khó khăn chưa lâu, phần lớn thế hệ trẻ bây giờ may mắn được ăn học hơn thế hệ cha mẹ. Thử hỏi một bà mẹ là công nhân, quanh năm đầu tắt mặt tối, chỉ mong kiếm đủ thu nhập nuôi con ăn học thì làm sao có thể góp ý cho cô con gái đang phân vân giữa chọn trường Đại học Ngoại ngữ hay Đại học Ngoại thương?
Cũng không thể không kể đến nguyên nhân chủ quan từ chính các bạn trẻ, sự thiếu chủ động trong việc tìm hiểu cuộc sống, thiếu say mê và nghiêm túc khi quyết định tương lai đã khiến nhiều bạn chọn trường, chọn nghề một cách ngẫu nhiên hoặc theo ý muốn của cha mẹ, ngay cả khi không phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
Ngay từ bước đầu tiên – chọn nghề - đã đầy khó khăn và bất cập, chưa nói đến quá trình nỗ lực phấn đấu và thành công với nghề đó. Nhiều trường hợp chọn nhầm nghề dẫn đến chán nản, buông xuôi thì nói gì đến nỗi lực, say mê cố gắng nữa. Bởi thế mới nói “một nghề cho chín” không hề dễ dàng.
Một nghề chưa chín, nhưng ở một góc độ nào đó “chín nghề” cũng có yếu tố hợp lý nếu đặt trong bối cảnh xã hội hiện nay. Các bạn trẻ ở nhiều nước phương Tây đã dùng khoảng thời gian giữa sau khi tốt nghiệp PTTH và trước khi vào Đại học, Cao đẳng để tìm hiểu, thậm chí thử làm các công việc khác nhau. Đó chính là cơ hội để các bạn tìm thấy đâu là niềm say mê, sở trường của mình và họ tự tin hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
“Chín nghề” ở đây cũng nên hiểu theo hướng là các bạn trẻ cần tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng để thực hiện nhiều công việc khác nhau trong một nhóm ngành nghề nào đó. Xã hội đang vận động rất nhanh và ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về nguồn nhân lực. (Ví von một cách giản dị thì việc này giống như chúng ta gói bánh chưng. Nó đòi hỏi chúng ta phải học cách xếp lá cho đẹp, học chẻ lạt cho khéo, vừa học lựa gạo dẻo, đậu ngon. Ngược lại nếu đã học được việc gói bánh chưng thì sau này bạn làm một người chuyên xếp lá cũng được, chuyên chẻ lạt ... cũng vẫn thành công.)
Nếu một người quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và bỗng một ngày nhận ra đó là quyết định sai lầm, rằng mình chẳng hề muốn trở thành một giáo viên chút nào thì người đó có thể vẫn tốt nghiệp và rồi trở thành một phiên dịch, một nhân viên ngoại giao, một nhà báo, v.v…Chúng ta sẽ làm được điều đó nếu chúng ta hiểu rằng trường học là nơi trang bị những kiến thức cơ bản nhất, còn cuộc sống với những trải nghiệm thực tế và sự năng động, ý thức tự rèn luyện của mỗi cá nhân sẽ mang lại cho chúng ta những kỹ năng và kiến thức quý giá.
Nhìn chung “một nghề cho chín” hay “chín nghề” thì cũng đều đỏi hỏi ở mỗi cá nhân sự cố gắng, sự tích cực, chủ động, cái đích cuối cùng là tự hoàn thiện hơn và thành công trong cuộc sống. Về xu hướng chọn nghề ngẫu nhiên trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, đó vẫn là một vấn đề đặt ra mà muốn thay đổi nó chúng ta phải đặt trong bối cảnh chung của xã hội, tầm phát triển của nền giáo dục nước nhà và suy nghĩ, quan niệm của mỗi cá nhân./.
Thanh Huyền (Ban Tuyên giáo Trung ương)