Thứ Bảy, 14/9/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 11/10/2019 14:2'(GMT+7)

Một số đề xuất nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa

Từ năm 2018 đến nay, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch dự kiến(Ảnh: Dũng Thanh)

Từ năm 2018 đến nay, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch dự kiến(Ảnh: Dũng Thanh)

Toàn cầu hóa và hội nhập đang là xu hướng phát triển chủ yếu trong các quan hệ quốc tế trên tất cả các phương diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thông qua các cam kết, các hiệp định. Việt Nam đã trở thành các thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam, tham gia vào CPTPP, các định chế quốc tế sẽ thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, công nghệ và lao động, nhất là lao động có kỹ năng có cơ hội di chuyển trong thị trường lao động của khối AEC. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động có chất lượng, có kỹ năng. Xuất khẩu tăng được xem là yếu tố quan trọng để tạo việc làm. Bên cạnh đó đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt nam cũng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.

Tuy nhiên, toàn cầu hoá cũng đặt ra những thách thức đối với vấn đề lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực nước ta. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ còn thấp, chất lượng đào tạo còn bất cập chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là cho các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, các loại hình dịch vụ hiện đại; tỷ lệ thất nghiệp còn cao; thu nhập của người lao động còn thấp.

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xếp hạng về chỉ số nguồn nhân lực còn chưa cao: xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và xếp thứ 81/100 về nguồn nhân lực qua đào tạo có chuyên môn cao. So sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN về nguồn nhân lực, Việt Nam đứng sau Malaysia, Thái Lan, và Philippines, gần tương đương với Campuchia.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là vấn đề sớm được đặt ra trong định hướng của Đảng và tổ chức triển khai của Chính phủ. Kết quả thực hiện thời gian qua đã đóng góp những thành tựu tích cực cho công cuộc phát triển chung của đất nước.

Do vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, giải pháp đưa ra chính là đổi mới giáo dục nghề nghiệp từ chương trình đến cách thức tổ chức đào tạo, trong đó ưu tiên cho các ngành, nghề phục vụ phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ của khoa học công nghệ, kỹ thuật; gắn kết với doanh nghiệp để tăng cường chuyển giao, tiếp cận công nghệ sản xuất mới; hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội.

1.Chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải tự đổi mới không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất cũ để đào tạo nguồn nhân lực. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao. Đặc biệt, phải đổi mới phương thức đào tạo và quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và đào tạo; nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Giáo viên cần tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở, đặc biệt chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác… Nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường được lựa chọn chất lượng cao và các ngành, nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới.     

2. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực, có chiến lược và lộ trình cụ thể trong tương lai gần và xa hơn, cần đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành, nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành, nghề mới trong tương lai. Xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng gắn với đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

3. Đẩy mạnh việc thực hiện kết nối giữa: Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà Doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực. Hiện nay, việc kết nối này chưa đồng bộ, cơ sở giáo dục mới chỉ tập trung vào công tác đào tạo chứ chưa chủ động hợp tác với doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần học tập, kinh nghiệm đào tạo của các trường có uy tín ở nước ngoài, đẩy mạnh việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn rất chặt giữa nhà trường với doanh nghiệp, với thực tiễn đặt hàng của xã hội; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được học tập ở môi trường thực tế...

4. Làm tốt công tác sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương./.

Thanh Phương-Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất