(TG) - Với mục tiêu hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói chung và mạng lưới cơ sở GDNN chất lượng cao có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ; bảo đảm cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu vùng, miền; tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống GDNN, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Việc Quy hoạch tổng thể mạng lưới cơ sở GDNN nói chung và các cơ sở GDNN chất lượng cao nói riêng là một bước triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, nhằm chuẩn bị về năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của ngành, địa phương, cả nước và hội nhập quốc tế.
Tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó: 397 trường cao đẳng: công lập: 309 trường, tư thục: 84 trường và có vốn đầu tư nước ngoài: 4 trường. 519 trường trung cấp: công lập: 283 trường, tư thục: 235 trường, có vốn đầu tư nước ngoài: 01 trường. 1.032 trung tâm GDNN: công lập: 697 trung tâm, tư thục: 346 trung tâm, có vốn đầu tư nước ngoài: 2 trung tâm) .
Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN nói chung và cơ sở GDNN chất lượng cao phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển dạy nghề của Bộ, ngành, địa phương và cả nước;
2. Phải căn cứ thực trạng mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và các cơ sở đào tạo khác để nghiên cứu, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của bộ, ngành, địa phương, cả nước;
3. Bám sát các quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Quy hoạch mạng lưới theo hướng chuẩn hoá, giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
5. Chỉ thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi các cơ sở này cam kết thực hiện tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định;
6. Phải tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu học, trong đó chú trọng đến lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật;
7. Đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, tạo điều kiện để mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
8. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản khác có liên quan.
Với mục tiêu và yêu cầu nêu trên, để triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu quả,chất lượng góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế đất nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2014 công tác quy hoạch các cơ sở GDNN chất lượng cao của cả nước được tập trung theo hướng chọn 45 trường để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Trong đó có 23 trường thuộc bộ, ngành và 22 trường thuộc địa phương; 21 trường phân bổ ở miền Bắc, 14 trường phân bổ ở miền Nam; 10 trường phân bổ ở miền Trung. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chí đánh giá của cơ quan kiểm định đối với trường được công nhận là trường nghề chất lượng cao:
Thứ nhất, về quy mô đào tạo: Quy mô đào tạo tối thiểu là 2.000 học sinh, sinh viên hệ trung cấp nghề, cao đẳng nghề (tính theo số học sinh, sinh viên quy đổi), trong đó có ít nhất 30% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm.
Thứ hai, về việc làm sau đào tạo: Có ít nhất 80% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề được đào tạo trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp, trong đó các nghề trọng điểm đạt ít nhất là 90%.
Thứ ba, về trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo: 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp nghề đạt bậc 2/5, hệ cao đẳng nghề đạt bậc 3/5 của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và có trình độ tin học đạt tiêu chuẩn IC3 hoặc tương đương trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 300 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. Trong đó, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các nghề trọng điểm theo chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 450 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên và được các tổ chức giáo dục, đào tạo có uy tín của khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận văn bằng, chứng chỉ.
Thứ tư, về kiểm định chất lượng: Trường đạt cấp độ 3 tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng nghề; 100% nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Thứ năm, về giáo viên, giảng viên: 100% giáo viên đạt chuẩn quy định, có trình độ tin học IC3 hoặc tương đương trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 350 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. Trong đó, giáo viên dạy các nghề trọng điểm được chuyển giao có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 450 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên.
Thứ sáu, về quản trị nhà trường: 100% cán bộ quản lý của trường được cấp chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ quản lý dạy nghề. Các hoạt động quản lý của trường và chương trình đào tạo các nghề trọng điểm được số hóa và mô phỏng hóa theo các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới.
Trong những năm qua, triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, công tác quy hoạch cơ sở GDNN đã và đang được triển khai và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nhân thấy, công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN nói chung và cơ sở GDNN chất lượng cao nói riêng vẫn còn tồn tại, hạn chế:
1. Chưa phê duyệt kế hoạch tổng thể và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện. Chưa ban hành Thông tư quy định chi tiết về tiêu chí, cách thức và quy trình đánh giá, công nhận trường nghề đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Chưa đánh giá phân loại các trường nghề được lựa chọn theo mức độ đạt được của các tiêu chí trường CLC để xây dựng phương án đầu tư. Chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế chính sách để phát triển trường nghề chất lượng cao, do vậy trong công tác phối hợp triển khai thực hiện lồng ghép, huy động và phân bổ nguồn lực cho các trường còn chưa đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện. Việc hỗ trợ đầu tư cho các trường hàng năm còn dàn trải, chưa tập trung đầu tư “cuốn chiếu” nên khó đạt được các tiêu chí trường chất lượng cao đồng bộ để sớm công nhận thành trường chất lượng cao.
2. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2018 có khoảng 15 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao khó đạt được theo kế hoạch đề ra. Do hiện nay mới có 01/45 trường tự đánh giá đạt 100% tất cả 06 tiêu chí theo quy định.
3. Chưa có Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho tất cả các nghề nên các trường chưa có cơ sở để đánh giá trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo; chất lượng tuyển sinh đầu vào học nghề chưa cao và chưa đồng đều nên các trường gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo các nghề chất lượng cao và đào tạo tiếng anh, tin học cho học sinh, sinh viên; trình độ tiếng anh của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được theo yêu cầu.
4. Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, một số nghề được lựa chọn là nghề trọng điểm của trường chất lượng cao như: Khảo sát địa hình, Bảo vệ môi trường biển, Cơ điện lạnh thủy sản, Xây dựng cầu đường bộ…rất khó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp, thậm chí có nghề không tuyển sinh được.
5. Một số bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản của các trường chưa tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực từ kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn thu sự nghiệp của các trường và các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với hỗ trợ của ngân sách Trung ương đầu tư đồng bộ nhằm đạt các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; bảo đảm chi phí đào tạo nghề của các trường.
Hiện nay, trước bối cảnh thống nhất quản lý nhà nước về GDNN, để tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác quy hoạch cơ sở GDNN chất lượng cao đang tiếp tục được rà soát và sắp xếp nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 19 của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế và phát huy những kết quả đạt được công tác quy hoạch cơ sở GDNN nói chung và cơ sở GDNN chất lượng cao nói riêng cần phải xây dựng các nguyên tắc sáp nhập; lộ trình giảm đầu mối; lộ trình tự chủ của các cơ sở GDNN công lập theo quy định tại Nghị quyết 19. Đồng thời xây dựng phương án đảm bảo hoạt động hiệu quả của các cơ sở GDNN sau khi sắp xếp và từng bước thực hiện việc tự chủ theo quy định./.
Lê Duy