(TCTG)-Xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ quan trọng trong việc ổn định xã hội, Huyện uỷ Krông Ana đã tập trung chỉ đạo các giải pháp giảm nghèo phù hợp, thiết thực.
Tháng 8 năm 2007, ngay sau khi tách huyện Krông Ana thành hai huyện là Krông Ana và huyện Cư Kuin, huyện Krông Ana đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời khảo sát, đánh giá tình trạng số hộ nghèo trên địa bàn huyện, qua đó đã nhận thấy thực trạng các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ, vùng sâu, vùng xa vẫn tiềm ẩn nguy cơ đói nghèo không bền vững. Các chính sách ưu đãi hộ nghèo về vốn tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục thực hiện còn hạn chế; tạo việc làm mới, giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho người lao động tại chỗ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Nhận thấy việc xoá đói giảm nghèo phải giải quyết ngay từ trong nhận thức và tư tưởng của người dân, nên huyện uỷ, UBND huyện Krông Ana đã tổ chức gặp mặt bà con ở những thôn, buôn có đông hộ nghèo để nói chuyện, động viên, giải thích. Lãnh đạo UBND huyện trực tiếp đối thoại với hộ nghèo tại 6/8 xã thị trấn, với trên 1.000 hộ tham gia; 100% xã, thị trấn tổ chức đối thoại tại cơ sở. Việc đối thoại với các hộ nghèo đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo từ đó có các giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả hơn.
Nhớ lại những ngày đầu tuyên truyền, phổ biến cho bà con đồng bào dân tộc các biện pháp xoá đói giảm nghèo, ông Nguyễn Chí Quý - Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ cho biết: UBND huyện cụ thể hóa bằng việc xây dựng các Chương trình, Kế hoạch hành động như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề miễn phí, tạo việc làm mới, hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số …được cả hệ thống chính trị của huyện quan tâm thực hiện.
Theo đó, các giải pháp chủ yếu và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo như chú trọng hiệu quả giảm nghèo trong công tác kết nghĩa với các buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ bằng cách giao cho các ban, ngành đoàn thể trực tiếp hướng dẫn, kết nghĩa, hỗ trợ từng thôn, buôn thoát nghèo; Tăng cường công tác tuyên truyền và sự trợ giúp của các tổ chức đoàn thể về kinh nghiệm làm ăn, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các hộ nghèo do thiếu kinh nghiệm làm ăn, đông con, chưa chịu khó lao động; Chỉ đạo tổ chức khảo sát thực trạng đời sống các hộ nghèo, đặc biệt hộ nghèo thuộc diện chính sách, hộ dân tộc thiểu số tại chỗ tìm ra nguyên nhân nghèo huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đỡ đầu cho hộ nghèo diện chính sách.
Huyện còn thực hiện lồng ghép có hiệu quả và đồng bộ chương trình Giảm nghèo bền vững, công tác khuyến nông- lâm- ngư, khuyến công, tín dụng ưu đãi, dạy nghề tạo việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, đưa các chỉ tiêu tạo việc làm, dạy nghề vào Nghị quyết cấp uỷ, kế hoạch của chính quyền. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất và việc khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện, phát triển các ngành sản xuất từ việc tận dụng ưu thế đất đai, nguồn nguyên liệu sẵn có từ sản phẩm nông nghiệp (lúa, cà phê, bắp, đậu) tại địa bàn.
Một trong những biện pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo là huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tư vấn việc làm, tuyển lao động đi làm việc sau học nghề tại các khu công nghiệp Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, tạo sự chuyển biến trong ý thức của lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ về việc tham gia lao động công nghiệp.
Huyện Krông Ana cũng tổ chức rà soát số hộ đồng bào các dân tộc đang có đất sản xuất và chưa có đất sản xuất nhằm hỗ trợ, bố trí, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào đang thiếu đất. Đối với một số hộ dân đang có đất sản xuất nhưng không chịu canh tác mà sang nhượng, mua bán, huyện cũng đã đề nghị các ban, ngành chức năng không làm thủ tục mua bán, yêu cầu các hộ gia đình muốn bán đất phải chứng mình được mình có đủ quỹ đất sản xuất đảm bảo đời sống gia đình mới đồng ý xác nhận việc mua bán. Trường hợp những hộ đồng bào không chịu canh tác mà muốn bán đất để lấy tiền chi tiêu, UBND huyện kiên quyết chỉ đạo các ban ngành không xác nhận thủ tục mua bán, đồng thời cử cán bộ đến tư vấn, góp ý, động viên thuyết phục đồng bào nên giữ đất lại canh tác, đảm bảo đời sống của gia đình. Đối với một số hộ đồng bào thiếu đất sản xuất, huyện cũng tổ chức rà soát, bố trí các nguồn vốn để mua lại, trưng thu từ một số nông trường đã giải thể nhằm cấp đất cho bà con canh tác.
Nhờ áp dụng đồng bộ các giải phát nêu trên, nên chương trình mục tiêu giảm nghèo luôn vượt kế hoạch chỉ tiêu, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4% đến 4,69%; đến cuối năm 2010 số hộ nghèo chỉ còn 11,09 %; hộ dân tộc thiểu số chỉ còn 22,7%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, lưới điện, trường học, hệ thống bệnh viện, trạm y tế thay đổi rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định.Hiệu quả từ các chính sách trên giúp đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vượt qua khó khăn, thi đua phát triển sản xuất./.
Tuấn Đạt