Để hướng tới một quốc gia kinh tế biển, điều cần thiết trước tiên đòi hỏi chúng ta cần có một tư duy đầy đủ về biển. Biển là một thực thể khách quan tồn tại ngoài ý chí của con người, biển là cái nôi và là yếu tố quyết định để tồn tại sự sống trên trái đất. Bởi vậy ngay từ vai trò tối hậu của nó cho thấy biển có tác dụng to lớn và toàn cục đến các hoạt động của con người, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển
Từ đó, với ý nghĩa tổng quát, có thể thấy kinh tế biển là lĩnh vực kinh tế được hình thành, tồn tại và phát triển từ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của biển. Bởi vậy không chỉ các quốc gia có biển mới có nền kinh tế biển, mà ngay các quốc gia không có biển cũng có thể hình thành các lĩnh vực kinh tế biển của quốc gia mình bằng cách thông qua nhiều con đường tiếp cận khác nhau như Áo, Thụy Sĩ, Slovakia thông qua sông Danube để tiếp cận biển Đen.
Do tầm quan trọng đặc biệt của biển đến sự sống còn của các quốc gia, nên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển hiện nay cho các quốc gia không giáp biển có quyền tiếp cận biển mà không phải trả thuế lưu thông qua quốc gia quá cảnh, đồng thời Liên Hiệp Quốc cũng có chương trình hỗ trợ các quốc gia đang phát triển không giáp biển.
|
Cảng xuất sản phẩm tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong giai đoạn hoàn thiện |
Do vai trò đặc biệt và toàn cục đó, biển tác động đến các hoạt động của con người, trong đó tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc hình thành các lĩnh vực kinh tế biển trong phạm vi hẹp và phạm vi rộng như:
- Giao lưu thương mại, đầu tư, hội nhập thông qua hệ thống cảng biển. Đây là một lĩnh vực kinh tế biển cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế biển của các quốc gia. Ngày nay, vị trí địa lý biển của quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt hơn cả tài nguyên, như: Singapore, Nhật Bản, Hà Lan… đều là những nước nghèo về tài nguyên nhưng có nền kinh tế biển phát triển hùng mạnh nhờ vào vị trí địa lý đặc biệt vùng biển của mình.
Thường khi nói đến giao lưu đường biển, người ta chỉ thấy ở lĩnh vực buôn bán, trao đổi hàng hóa mà ít quan tâm đến một hệ quả vô cùng quan trọng bởi sự giao lưu này sẽ dẫn đến hình thành các khu công nghiệp tập trung hoặc khu kinh tế, các đặc khu kinh tế, các chuỗi đô thị và kéo theo hình thành các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng… và làm biến đổi đời sống xã hội.
Đây là phần rất quan trọng gần như cốt lõi của nền kinh tế biển của mỗi quốc gia. Do đó nếu hệ quả hết sức quan trọng nói trên không có trong tư duy về kinh tế biển sẽ dẫn đến một khiếm khuyết to lớn khi đưa ra chiến lược phát triển kinh tế biển của mỗi quốc gia.
Điều được nêu ra trên đây cũng cho chúng ta thấy ngay ở miền Trung Việt Nam, từ một vùng nghèo đói, song do vị trí địa lý là mặt tiền của tiểu vùng sông Mekong và châu Á - Thái Bình Dương nên việc phát triển các cảng biển nước sâu ở đây đã dẫn đến sự hình thành một trục phát triển đại công nghiệp mà trong đó là công nghiệp năng lượng, luyện cán thép, vật liệu xây dựng, đóng tàu, chế tạo máy công cụ, điện… Kéo theo hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ, và dẫn đến sự hình thành các ngành du lịch dịch vụ, tài chính, ngân hàng.
Thật là tuyệt vời, hệ quả to lớn là dẫn đến hình thành chuỗi đô thị mới dọc miền duyên hải và sẽ dẫn đến sự biến đổi sâu sắc của xã hội ở miền Trung. Rõ ràng biển đã tác động và dẫn đến hình thành, phát triển toàn cục nền kinh tế ở đây và do đó tất cả các ngành được nêu ra dưới đây phải được tư duy là kinh tế biển.
- Ngành công nghiệp như khai khoáng biển mà trong đó ngành khai thác dầu khí ngày càng trở nên quan trọng, kèm theo các ngành khai thác từ lòng đất và nước biển.
- Ngành công nghiệp đánh bắt cá, nuôi trồng và chế biến hải sản.
- Ngành công nghiệp đóng tàu, công trình biển.
- Ngành du lịch biển đảo.
- Ngành công nghiệp quốc phòng biển.
- Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng qua gió mùa mang hơi nước từ đại dương vào đất liền và sự xâm nhập mặn vào đồng bằng cũng như mực nước biển dâng. Điều đó cho thấy ngay cả nông nghiệp ở các khu vực đồng bằng vẫn chịu tác động từ biển và nó có thể được xem là một phần của lĩnh vực kinh tế biển.
Với tư duy tổng quát và đầy đủ, chúng ta còn có thể đưa ra rất nhiều lĩnh vực kinh tế được hình thành và chịu tác dụng trực tiếp và gián tiếp từ biển và do đó tư duy về kinh tế biển là rất rộng lớn.
Từ sự phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng việc hình thành nền kinh tế biển Việt Nam trên cơ sở chiến lược kinh tế biển đến năm 2020 được xác định bởi một số ngành: hải sản, dầu khí, vận tải biển, dịch vụ đóng tàu và du lịch biển. Sự xác định này còn nhiều khác biệt với khả năng và thực trạng kinh tế biển hiện có ở nước ta.
Chúng ta đã bỏ qua các lĩnh vực kinh tế biển hết sức to lớn hiện đang hình thành, tồn tại và phát triển do quá trình tác dụng của biển gây nên. Đó là sự hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc khu kinh tế, dưới sự yểm trợ của hệ thống cảng biển nước sâu kéo dài dọc miền duyên hải của đất nước. Đặc biệt là sự hình thành và phát triển đột biến của trục đại công nghiệp dọc duyên hải miền Trung, nó kéo theo sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, tài chính ngân hàng.
Thực chất các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc khu kinh tế, chuỗi đô thị và địa ốc dọc miền duyên hải là một lĩnh vực kinh tế biển bậc nhất trong các nhân tố cấu thành chiến lược kinh tế biển và nền kinh tế biển của nước ta.
Mặc dù có trên 3.260km bờ biển và hàng trăm hải đảo lại nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mekong và châu Á - Thái Bình Dương, song kinh tế biển Việt Nam đang còn yếu kém, rời rạc và chưa được định hình một cách đầy đủ trong một chiến lược phát triển lâu dài. Điều đó có thể chẩn đoán do nguyên nhân tư duy chưa được đầy đủ đã ảnh hưởng đến tình trạng nêu trên.
Đối với các nước, hiện nay họ đã có chiến lược biển và phát triển kinh tế biển hàng trăm năm trước, trong khi đó Việt Nam còn ở trong giai đoạn thai nghén để dẫn đến một chiến lược phát triển trong tương lai xa. Rõ ràng từ các phân tích cụ thể tình hình cụ thể cho thấy các điều kiện và tư duy để có một chiến lược cho sự phát triển kinh tế biển đang còn cục bộ và mơ hồ, điều đó có thể do:
Về mặt tư duy kinh tế biển chưa rõ ràng và hạn chế, chúng ta chưa kiểm soát được không gian vùng biển của mình, chưa tổ chức nghiên cứu và nắm được các quy luật và điều kiện tự nhiên và môi trường biển một cách có hệ thống và chưa có khả năng dự báo các quy luật trên để phục vụ cho các cuộc khai thác biển.
Chưa có một hạ tầng kỹ thuật cần thiết, đặc biệt là các phương tiện máy móc khảo sát nghiên cứu cũng như mục tiêu nghiên cứu hữu hiệu được đề ra cho sự phát triển kinh tế biển. Chưa có trang thiết bị hiện đại cho các hải cảng và đội tàu.
Hiện tại cả nước vẫn chưa có một viện nghiên cứu về công trình biển và viện kinh tế biển để phục vụ cho sự phát triển của chúng ta.
Lực lượng khoa học và công nghệ biển còn yếu kém, chắp vá và lạc hậu rất xa so với yêu cầu và nhiệm vụ đòi hỏi của đất nước. Lạc hậu và yếu kém so với các nước láng giềng.
Chúng ta cần ban bố một luật biển và quốc sách về biển làm cơ sở cho mọi hoạt động của nền kinh tế biển cũng như bảo vệ vùng biển của chúng ta.
Cần khẩn cấp xây dựng lực lượng bảo vệ các hoạt động trên biển, đây là điều hết sức quan trọng nếu không có lực lượng đủ mạnh để bảo vệ các hoạt động trên biển thì không thể nói đến việc xây dựng nước ta thành một quốc gia biển như mơ ước.
Việt Nam trên đường hội nhập với thế giới bên ngoài, vì vậy đối với biển chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra một đường lối hợp tác hữu hiệu với các quốc gia nhằm phục vụ cho việc khai thác các tiềm năng biển, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.
Nhìn lại toàn cục cho thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Muốn tồn tại và phát triển chúng ta không thể chậm chạp và đứng ngoài trào lưu hiện tại, cơ hội và thành công sẽ không bao giờ đến với sự chần chừ, chậm trễ, mơ hồ, thiếu lòng dũng cảm và quyết tâm.
Theo TS. TRƯƠNG ĐÌNH HIỂN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần