Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như thế nào và điều gì đã xảy ra từ đầu thế kỷ 20 đến nay dẫn tới tranh chấp về quần đảo này? Phóng viên đã gặp nhà ngoại giao kỳ cựu Lưu Văn Lợi để tìm hiểu những dữ liệu lịch sử và pháp lý quốc tế của vấn đề.
Ông Lợi sinh năm 1913, nguyên chánh văn phòng - trợ lý bộ trưởng ngoại giao, nguyên trưởng Ban biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bài viết về chủ đề biên giới, lãnh thổ.
* Thưa ông, về mặt lịch sử VN đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như thế nào?
- Sau khi vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (là địa danh hành chính cũ của vùng đất gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và bắc Đà Nẵng hiện nay) năm 1558, Chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng đã gây dựng và mở mang xứ Thuận Hóa và gọi là miền Trong.
Ông chỉ thị cho các chúa Nguyễn kế vị phải tiến ra biển tìm đất đai mới. Các chúa kế vị đã lập đội Hoàng Sa với 70 suất đội viên và mang sáu tháng lương thực tiến ra phía Đông. Đội phát hiện vô số đảo không có chủ, họ trụ lại đó và gọi là bãi Cát Vàng. Từ đó hằng năm các chúa Nguyễn đều cử đội Hoàng Sa ra bãi Cát Vàng và đổi tên thành Hoàng Sa để làm hai việc.
Thứ nhất, khai thác tài nguyên của quần đảo, bao gồm hải sản và hóa vật của các tàu bị đắm trôi dạt vào quần đảo. Thứ hai, bảo vệ chủ quyền quần đảo. Sau khi được báo cáo về bãi Cát Vàng, quần đảo được nhập vào huyện Bình Sơn thuộc phủ Quảng Ngãi, sau là tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1816, vua Gia Long cử thủy quân và đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa kéo cờ và đo đạc thủy trình. Năm 1833, vua Minh Mạng cử đội Hoàng Sa và thủy quân ra xây một miếu, cắm mốc chủ quyền và trồng cây trên đảo để khi cây lớn, tàu thuyền có thể nhận ra đảo từ xa. Như vậy VN đã tổ chức đội Hoàng Sa để xác lập chủ quyền và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước.
* Thưa ông, có phải luật pháp quốc tế và nhiều quốc gia đã thừa nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về nước ta?
- Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia muốn có danh nghĩa chủ quyền phải có hai thành tố: một, thật sự chiếm đóng (vì thời các nước đi tìm đất mới, có nước tìm ra rồi bỏ hoặc không thật sự đến đó mà chỉ nghe nói); hai, giữ rồi thì phải thật sự thực hiện quyền làm chủ của mình.
Trước đây, Trung Quốc tuy nghe nói đến quần đảo Hoàng Sa từ lâu nhưng chưa hề đến bao giờ, và càng không bao giờ thực hiện chủ quyền gì trên các đảo đó. Trong khi suốt từ các đời chúa Nguyễn về sau, ta tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tư liệu mới nhất của ta cho thấy thời vua Bảo Đại, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Vua Bảo Đại đã quyết định không để Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi mà đưa về thuộc tỉnh Thừa Thiên, và năm 1939 quân chủng khố xanh Trung kỳ xây dựng công trình phòng thủ trên đảo Hoàng Sa được vua Bảo Đại tặng thưởng huân chương Long tinh.
|
Trung Quốc đã xây dựng sân bay (dài 2.700m, rộng 120m) tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu |
* Chúng ta đã quản lý Hoàng Sa suốt thời gian rất dài như vậy nhưng vì sao lại bị chiếm mất? Quá trình ấy đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Trong suốt nhiều thế kỷ Trung Quốc chấp nhận sự chiếm hữu của VN và không phản đối hoạt động của đội Hoàng Sa. Thậm chí có những trường hợp quan chức Trung Quốc nói đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc. Thế nhưng đến năm 1909, Trung Quốc cử đô đốc Lý Chuẩn đưa ba pháo thuyền ra Hoàng Sa và đổ bộ lên một đảo kéo cờ, bắn súng và từ đó họ nói là họ có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa.
Năm 1956, khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc cho quân ra chiếm nửa phía đông của Hoàng Sa và năm 1959, Trung Quốc dùng quân đội giả làm ngư dân tiến ra các đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng âm mưu chiếm phần còn lại thất bại vì quân đội Sài Gòn trên đảo đã kịp thời đối phó và bắt làm tù binh mấy chục “ngư dân” cùng năm thuyền vũ trang.
Năm 1974, lợi dụng tình hình chính quyền Sài Gòn ở miền Nam suy yếu nên Trung Quốc đã ném bom bốn hòn đảo phía tây Hoàng Sa, cho quân đổ bộ lên và chiếm hữu hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa sau cuộc đụng độ với hải quân Sài Gòn. Ở thời điểm này, họ chưa hề đến Trường Sa.
Như vậy với câu hỏi “Ta mất Hoàng Sa như thế nào?”, câu trả lời là vì Trung Quốc dùng vũ trang tấn công. Việc làm của Trung Quốc vi phạm thô bạo bản Tuyên bố ngày 24-10-1970 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về các nguyên tắc của công pháp quốc tế liên quan đến các quan hệ hữu nghị và sự hợp tác giữa các quốc gia.
"Với biển Đông, VN nên dân tộc hóa và quốc tế hóa vấn đề. Dân tộc hóa nghĩa là tiếp tục làm cho cả dân tộc cùng quan tâm. Quốc tế hóa thì như vừa rồi VN đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc"
Ông LƯU VĂN LỢI (nguyên trưởng Ban biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng) |
* Ông có nhận định gì về “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố là biên giới trên biển của họ?
- Từ năm 1948, Trung Quốc chính thức tuyên bố cái gọi là “đường lưỡi bò” gồm chín đoạn cách rời nhau, chạy quanh biển Đông làm biên giới trên biển của họ. Tuyên bố đó không có cơ sở pháp lý gì.
Tháng 6 vừa rồi Trung Quốc gửi bản đồ “đường lưỡi bò” đó lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc với bản giải thích không thể hiểu nổi. Trong đó nêu “Trung Quốc có chủ quyền không ai có thể tranh cãi” đối với các đảo trong biển Đông và “các vùng biển lân cận và có quyền tài phán với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất của những vùng biển này”. Nhưng không nói rõ các vùng biển lân cận, liên quan... cụ thể là vùng biển nào và không nêu cơ sở pháp lý nào.
VN đã gửi công hàm cho Liên Hiệp Quốc bác bỏ cái gọi là đường biên giới biển của Trung Quốc.
Như vậy, cơ sở mạnh nhất của VN là có chủ quyền hoàn toàn đúng pháp luật quốc tế với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận chiến lược của lãnh thổ VN nên chúng ta cần kiên quyết đấu tranh để thu hồi hai quần đảo này và giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
(Theo Tuổi trẻ online)