Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước, có quan hệ thương mại với 221 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của hàng trăm tổ chức quốc tế, khu vực và tiểu vùng. Việc nghiên cứu về Việt Nam hay còn gọi là Việt Nam học có sức hấp dẫn và đã trở thành một môn học chính thức ở nhiều học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khắp năm châu và là những đề tài vô cùng phong phú của các học giả nước ngoài. Do phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận khác nhau, cũng như những mối quan hệ khác nhau của các tổ chức và cá nhân đối với đất nước và con người Việt Nam nên các khuynh hướng Việt Nam học trên thế giới cũng rất đa dạng.
Về tổ chức, có Hội Việt Nam học Châu Âu (EURO-VIET) là tổ chức lớn nhất, được thành lập năm 1993, do Tiến sĩ Stein Tonesson, học giả người Na Uy, khởi xướng. Hội này định kỳ 2 năm một lần tổ chức hội thảo về Việt Nam; đến nay đã tổ chức được 6 hội thảo luân phiên ở Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Đức, Nga và Đức, mỗi lần có từ 400 đến 500 nhà khoa học trên thế giới tham gia. Tiếp theo là Hội Việt Nam học ở Nhật Bản, thành lập năm 1990 với hơn 100 thành viên là những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, tiêu biểu như Yamamoto, Tshuboi, Sakurai, Momoki Shiro... Sau Nhật Bản phải kể đến các tổ chức chuyên nghiên cứu về Việt Nam ở các trường đại học lớn trên thế giới như Trung tâm Việt Nam học ở Đại học Mát-xcơ-va (Liên bang Nga), Trung tâm Việt Nam học ở Đại học Texas và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Đại học Los Angeles California (Mỹ), Viện nghiên cứu Việt Nam ở Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc), Khoa Việt Nam học tại Đại học Hankuk và Đại học Chungwon (Hàn Quốc).
Ở cấp quốc gia, do mối quan hệ với Việt Nam và mối quan tâm tới Việt Nam khác nhau nên quy mô nghiên cứu, hướng nghiên cứu và cách tổ chức nghiên cứu về Việt Nam ở từng nước cũng khác nhau. Trước hết, phải kể đến những nước lớn là Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Nga - nơi có ngành Việt Nam học phát triển từ nhiều năm nay.
Có thể nói, Pháp có nền Việt Nam học sớm nhất và có nhiều chuyên gia kỳ cựu, có một bề dày tư liệu về Việt Nam vào bậc nhất thế giới. Các nhà Việt Nam học ở Pháp nghiên cứu về sử học, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật; dịch và công bố các tư liệu quý, các công trình biên khảo có giá trị về Việt Nam. Các nhà khoa học Pháp từng hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam trong một chương trình đồ sộ nghiên cứu về đồng bằng Bắc Bộ.
Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc với các nguồn tư liệu cổ của Việt Nam; cách nghiên cứu và tiếp cận với Việt Nam có quy mô lớn và chiều sâu không kém so với nền Việt Nam học của Pháp. Hiện nay, Trung Quốc có tới 743.000 nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, vượt Pháp, Đức, Nhật Bản; trong đó có hàng trăm nhà Việt Nam học có nhiều công trình nghiên cứu phục vụ yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc, như nghiên cứu về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tăng cường dịch tài liệu, biên khảo tác phẩm cổ.
Các nhà Việt Nam học ở Mỹ chủ yếu tập trung nghiên cứu thời kỳ hiện đại. Trước khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, Mỹ được các nước coi là Trung tâm nghiên cứu Việt Nam lớn nhất, trong đó có những trường đại học nổi tiếng nghiên cứu về Việt Nam học như Cornell, Harvard, Columbia, Berkelly, Illinois, Yales, với những chuyên gia Việt Nam học có tên tuổi như John Whitmore, A. Woodeside, Keith Taylor... Sau năm 1975, sự quan tâm nghiên cứu về Việt Nam ở Mỹ có phần giảm xuống, nhiều nhà Việt Nam học người Mỹ đã đi ra nước ngoài. Nhưng từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, ngành Việt Nam học ở Mỹ có xu hướng phục hồi trở lại. Tại Trung tâm Việt Nam ở Đại học Texas, định kỳ hàng năm người ta tổ chức hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chính cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cũng được giới thiệu tại diễn đàn này vào một ngày tháng 3-2005, để rồi nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay và là cuốn sách đang được dịch ra gần chục thứ tiếng khác nhau để giới thiệu với hàng triệu bạn đọc trên thế giới.
Đặc điểm nổi bật của nền Việt Nam học ở Mỹ là có tiềm lực tài chính rất lớn. Các dự án của Chính phủ, của các trường đại học, của các quỹ, các hội đoàn đều được tài trợ một cách thỏa đáng. Có hai nguồn quỹ đã từ nhiều năm nay thường xuyên tài trợ cho các công trình Việt Nam học, đó là Ford Foundation và Reynold Foundation. Ngày nay, các nhà khoa học nhận định rằng, nền Việt Nam học ở Mỹ sẽ là mạnh nhất ở hải ngoại vì sự quan tâm ngày càng lớn của Mỹ tới Việt Nam và vì có tiềm lực tài chính hùng mạnh.
Tại Nga, nền Việt Nam học phát triển mạnh trong thời kỳ 1954-1990, đặc biệt là vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam học tại Liên xô (cũ) đã đạt đỉnh cao với những nhà nghiên cứu có tên tuổi như Viện sĩ A. Gouber, Giáo sư Mkhitarian, V. Deopic...Tính đến cuối thập niên 90, có đến 4.000 công trình nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, phải kể đến tên tuổi của Giáo sư, tiến sĩ khoa học ngữ văn I. Nikulin, người có đóng góp hơn 300 công trình về văn học dân gian, thần thoại và văn học Việt Nam. Khuynh hướng chính của Việt Nam học ở Nga là nghiên cứu cơ bản và có hệ thống về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, kinh tế, chính trị Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Sau năm 1990, hoạt động nghiên cứu về Việt Nam ở Nga trải qua giai đoạn khó khăn; bước sang đầu thế kỷ XXI mới đang dần dần hồi phục và có xu hướng hội nhập với ngành Việt Nam học ở châu Âu.
Năm 2008, Trung tâm Việt Nam học thuộc Viện các nước Á - Phi của Đại học Tổng hợp quốc gia Mát-xcơ-va mang tên M. Lô-mô-nô-xốp (MGU) cho ra mắt tập Kỷ yếu thứ ba "Việt Nam truyền thống", đề cập đến lịch sử và sự phát triển của văn hoá Việt Nam và những đặc điểm truyền thống của xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Theo thống kê, hiện nay Nga có khoảng 400.000 nhà khoa học, nhưng vẫn thiếu vắng những nhà Việt Nam học nổi tiếng như vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Ở Ô-xtrây-li-a, một điều ngạc nhiên là, nền Việt Nam học dường như có sự phát triển đột biến chỉ trong vài thập kỷ gần đây. Một mặt, do chính sách khuyến khích của Chính phủ Ô-xtrây-li-a nên có nhiều nhà Việt Nam học của nước khác tìm đến, chủ yếu là từ Mỹ, như Giáo sư David Mar, Ben Kerkvliet... Mặt khác, do Ô-xtrây-li-a có nhu cầu bức xúc trong việc xích lại gần Việt Nam trong quan hệ hợp tác nhiều mặt. Thêm vào đó, Ô-xtrây-li-a là nước có số lượng lớn người Việt định cư, nên việc nghiên cứu về Việt Nam còn là nhu cầu nhận thức quan trọng của một bộ phận dân cư. Ở Ô-xtrây-li-a có hai trung tâm nghiên cứu Việt Nam lớn nhất được đặt tại Đại học Macquan ở Xít-ni và Đại học quốc gia Ô-xtrrây-li-a ở Can-be-ra. Hiện có khoảng 100 thành viên là các nhà khoa học và những người quan tâm đến Việt Nam tập hợp trong hai tố chức là Hội nghiên cứu Việt Nam của Ô-xtrây-li-a và Hội Ô-xtrây-li-a nghiên cứu Việt Nam. Khuynh hướng chủ yếu là, nghiên cứu các vấn đề hiện đại trên các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế của Việt Nam và quan hệ hợp tác đầu tư tại Việt Nam, với các phương pháp tiếp cận của xã hội học và khoa học chính trị.
Ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan đã hình thành một nền Việt Nam học tương đối đặc sắc, trong đó có hai trung tâm lớn nhất là ở Stockhom (Thụy Điển) và ở Copenhagen (Đan Mạch). Họ đã tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị khoa học và nhiều cuộc tọa đàm về Việt Nam trong các lĩnh vực văn học, lịch sử, văn hóa, xã hội học, kinh tế - xã hội.
Một số nước khác như Hàn Quốc, Niu Di-lân, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a..., nền Việt Nam học thường phát triển chủ yếu ở những trường đại học do các tập đoàn có đầu tư lớn tại Việt Nam tài trợ; họ chú trọng nghiên cứu ngôn ngữ và các vấn đề có thể phục vụ trực tiếp cho yêu cầu kinh doanh hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và giao lưu văn hóa.
Các tổ chức quốc tế lớn như IMF, WB, FAO, UNDP, UNIDO, UNICEP, UNESCO… cũng có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam, nhưng chủ yếu nhằm mục đích hiểu biết về Việt Nam để phục vụ nhu cầu công việc của họ, theo yêu cầu chuyên môn. Họ thu thập được nhiều số liệu, tư liệu qua các nguồn chính thức, công khai nhằm phục vụ hoạch định chính sách và biện pháp ở tầm vĩ mô. Các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giúp đỡ Việt Nam có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Các công trình nghiên cứu lớn về Việt Nam học: Có thể nói, hơn 60 năm qua, không có một đề tài nào trong lịch sử cận, hiện đại Việt Nam được giới học giả nước ngoài quan tâm, nghiên cứu và thảo luận như cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong số các công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận đại thì tác phẩm “Cách mạng Việt Nam năm 1945 - Rudơven - Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong chiến tranh thế giới” của nhà sử học Na Uy, Tiến sĩ Stein Tonesson và tác phẩm “Nước Việt Nam năm 1945: cuộc săn tìm quyền lực” (xuất bản năm 1995 tại Mỹ) của David Mar là hai công trình nổi tiếng về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Nét đặc sắc của hai công trình này là ở chỗ, các tác giả đã khai thác và sử dụng một khối lượng tư liệu khổng lồ từ nhiều kho lưu trữ và thu thập được qua nhiều nhân chứng lịch sử, và do vậy, rất thành công trong việc tái hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam vào mùa thu năm 1945 một cách sinh động, cụ thể và khá chân thực, thực sự là sự nghiệp của quần chúng.
Ở Nhật Bản, có cuốn sách của nhà Việt Nam học Tshuboi mang tên“Việt Nam trước thềm đổi mới” cũng được coi là bán chạy nhất (best-seller), in tới 50.000 bản. Một báo cáo khoa học của Giáo sư Momoki Shiro, Đại học Osaka, Nhật Bản, với tiêu đề “Biến đổi xã hội Việt Nam trong thế kỷ XIV thông qua bia đá” được các nhà Việt Nam học thế giới đánh giá cao. Từ năm 1994, dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Momoki Shiro, một dự án đồ sộ nghiên cứu về Việt Nam là dự án nghiên cứu về làng Bách Cốc, với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá, nay là Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, kéo dài liên tục trong suốt 14 năm qua, thu hút hơn 300 nhà khoa học và sinh viên Nhật Bản tham gia. Kết quả, đã xuất bản 16 cuốn kỷ yếu "Thông tin Bách Cốc" bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật Bản. Ở Nga, có công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Alexei Bonsivich Poliakop mang tên “Sự chuyển đổi triều đại của Đại Việt thế kỷ XII”, và ở Ô-xtrây-li-a có công trình nghiên cứu “Việt Nam trong ASEAN: sự đa phương hóa và quan hệ với các cường quốc” của Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Đại học New South Wale là những công trình khoa học nghiêm túc, công phu, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.
Cùng với những thành tựu nổi bật của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, việc nghiên cứu về Việt Nam đang được đông đảo các nhà khoa học và những người hâm mộ từ nhiều nước khác nhau trên thế giới đặc biệt quan tâm. Chỉ trong vòng 10 năm gần đây, Việt Nam tổ chức thành công 3 hội thảo quốc tế lớn về Việt Nam học, thu hút hàng nghìn nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia.
Hội thảo lần thứ nhất vào năm 1998 có 700 nhà khoa học tham gia, trong đó có 300 học giả nước ngoài đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội thảo lần thứ hai vào năm 2004 có gần 500 nhà khoa học tham gia, trong đó có 189 học giả đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, là đại diện của giới Việt Nam học trên toàn thế giới từ các nước có nền Việt Nam học phát triển hoặc đang phát triển như Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Ô-Xtrây-li-a, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, I-ta-li-a, Đan Mạch, Hà Lan, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, I-ran, Đức, Xin-ga-po, Đài Loan, Ca-na-đa, Niu Di-lân, Hung-ga-ri… Các học giả đã thống nhất ý kiến về việc thành lập Hội đồng Việt Nam học quốc tế với mục tiêu là liên kết, phối hợp các nhà Việt Nam học trên thế giới.
Hội thảo lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 5 đến ngày 7-12-2008, với sự tham gia của hơn 700 nhà khoa học, trong đó có 174 học giả đến từ 23 nước và vùng lãnh thổ. Các nước có nhiều nhà khoa học tham gia là Nhật Bản: 46 người, Mỹ: 28 người, Nga: 15 người, Đức: 10 người, Đài Loan: 9 người, Hàn Quốc: 8 người, Trung Quốc: 7 người... Hội thảo đã nhận được số lượng báo cáo khổng lồ: 868 bài, nhưng do khuôn khổ có hạn nên chỉ có 531 báo cáo được tuyển chọn trình bày, trong đó có 160 báo cáo của các học giả nước ngoài. Qua ba cuộc hội thảo cho thấy, đây là diễn đàn lý tưởng cho các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu mới của mình, đồng thời đây cũng là cơ hội để các nhà Việt Nam học có dịp gặp gỡ, giao lưu với đất nước và con người Việt Nam - nơi vẻ đẹp tự nhiên và lòng mến khách đã tạo nên sức hấp dẫn ngày càng lớn đối với bạn bè quốc tế.
Một nước Việt Nam năng động, sáng tạo, hòa bình và ổn định về mọi mặt không những là điểm đến an toàn của du khách quốc tế mà còn đang ngày càng trở thành đối tượng nghiên cứu say mê của các nhà Việt Nam học khắp năm châu./.
Trần Văn Trình
Đại tá, TS, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công an
(Theo Tạp chí Cộng sản)