Thứ Hai, 23/12/2024
Nhịp cầu Tuyên giáo
Thứ Năm, 14/12/2023 22:11'(GMT+7)

Một số vấn đề đặt ra về phương pháp chọn mẫu điều tra, thăm dò dư luận xã hội

Cán bộ, người lao động tại Đảng bộ Tổng công ty Sonadezi (thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh) điền thông tin khảo sát dư luận xã hội

Cán bộ, người lao động tại Đảng bộ Tổng công ty Sonadezi (thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh) điền thông tin khảo sát dư luận xã hội

Công tác dư luận xã hội (DLXH), trong đó có hoạt động điều tra, thăm dò DLXH là một trong những hình thức được đánh giá đem lại hiệu quả cao trong quá trình nghiên cứu, nắm bắt DLXH. Kết quả từ các cuộc điều tra DLXH đã cung cấp minh chứng rất có ý nghĩa, là căn cứ quan trọng để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà hoạch định chủ trương, chính sách thấu hiểu được tâm tư, ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, từ đó có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Mọi chủ trương, quyết sách của các cơ quan lãnh đạo, quản lý sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu không hợp lòng dân, không được nhân dân đồng lòng ủng hộ.

Tại Việt Nam, công tác DLXH đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng trong nhiều năm trở lại đây, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”(1); Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII cũng nêu rõ: “Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội”...

Trước yêu cầu cao hơn trong bối cảnh, tình hình mới, trong những năm gần đây, hoạt động điều tra, thăm dò DLXH trong hệ thống tuyên giáo Đảng từng bước được nâng lên cả về chất lượng và số lượng. Trong năm 2022 và 2023, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước đã thực hiện 262 cuộc điều tra dư luận xã hội(2). Các cuộc điều tra DLXH được xây dựng và triển khai theo hướng đảm bảo độ tin cậy của công cụ nghiên cứu, tính đại diện của các giai tầng xã hội, tính khách quan của các kết quả điều tra, đa dạng hóa phương thức điều tra, bảo đảm tính, kịp thời của thông tin. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng các cuộc điều tra, thăm dò DLXH của các địa phương, đơn vị còn chưa đồng đều. Việc tiến hành tổ chức điều tra chưa thật sự bài bản, có địa phương, đơn vị thực hiện chọn mẫu theo kinh nghiệm, cảm tính, dựa vào mẫu của các cuộc điều tra trước đó, chưa thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình chọn mẫu. Thực trạng này ít nhiều ảnh hưởng đến tính chính xác, độ tin cậy của thông tin dư luận xã hội thu được qua điều tra. Theo đó, việc đổi mới, điều chỉnh quy trình, phương pháp nhằm nâng cao tính chính xác và chất lượng công tác DLXH trong tình hình mới là yêu cầu cơ bản và cấp thiết, trong đó có vấn đề đặt ra liên quan đến phương pháp điều tra chọn mẫu. 

ƯU ĐIỂM, HẠN CHẾ VÀ ĐIỀU KIỆN VẬN DỤNG CỦA ĐIỀU TRA CHỌN MẪU


Điều tra chọn mẫu là loại điều tra không toàn bộ, trong đó người ta chọn một cách khoa học một số đủ lớn đơn vị đại diện trong toàn bộ các đơn vị của tổng thể chung để điều tra, rồi dùng kết quả thu thập được tính toán, suy rộng thành các đặc điểm của toàn bộ tổng thể chung và điều tra chọn mẫu cho phép thay thế cho điều tra toàn bộ. Ví dụ, một tỉnh có thể chọn ngẫu nhiên một mẫu 10.000 hộ gia đình từ tổng số 500.000 hộ gia đình (2%) để điều tra thu nhập và sử dụng kết quả này để suy rộng ra cho toàn bộ dân cư của địa bàn điều tra.

Nội dung cơ bản của điều tra chọn mẫu là căn cứ vào những thông tin về các tham số thu được từ mẫn chọn để suy luận về các tham số của tổng thể. Cách làm như vậy thống kê toán học gọi là ước lượng.

Tại sao chỉ điều tra một số lượng nhất định các khách thể xã hội mà kết quả lại có thể suy ra cho toàn bộ tổng thể? Điều này đã được các nhà toán học chứng minh bằng định luật số lớn. Theo quy luật này nếu khảo sát một số đủ lớn các đơn vị nghiên cứu thì những biểu hiện ngẫu nhiên, những đặc thù của khách thể đơn nhất sẽ bù trừ, triệt tiêu lẫn nhau, tính quy luật sẽ được biểu hiện rõ. Số lượng đủ lớn các đơn vị nghiên cứu chính là dung lượng mẫu tối thiểu để quy luật số lớn có thể hoạt động được. Dung lượng mẫu tối thiểu này phụ thuộc vào quy mô, độ thuần nhất của tổng thể và độ chính xác cần thiết của các kết quả thu được từ mẫu.

Ưu điểm của điều tra chọn mẫu

Do chỉ tiến hành điều tra trên một bộ phận đơn vị mẫu trong tổng thể chung nên điều tra chọn mẫu có những ưu điểm cơ bản: 1) Thường được tiến hành trong một thời gian ngắn; dữ liệu được xử lý, phân tích và tổng hợp nhanh. Do vậy thông tin thu được có tính thời sự, cập nhật, bảo đảm tính kịp thời của số liệu thống kê. 2) Các chi phí cho công tác tổ chức nghiên cứu giảm đi nhiều do điều tra ít đơn vị nghiên cứu. Vì thế điều tra chọn mẫu sẽ tiết kiệm được khá nhiều về nhân lực, vật lực và tài chính. 3) Do điều tra ít đơn vị nghiên cứu cho nên có thể mở rộng nội dung nghiên cứu hoặc đi sâu tìm hiểu mặt nào đó của hiện tượng, đặc biệt với các vấn đề có nội dung phức tạp, không có điều kiện điều tra ở diện rộng (tổng thể). 4) Có thể tuyển chọn được những điều tra viên có trình độ tay nghề cao, có kinh nghiệm tốt, có điều kiện tập huấn tốt hơn. Điều này đưa đến thông tin thu thập được có độ chính xác cao. Ngoài ra việc kiểm tra, làm sạch dữ liệu có thể được tiến hành một cách tỉ mỉ, tập trung hơn nên các sai số phi chọn mẫu sẽ giảm đi nhiều (sai số do cân, đong, đo, đếm, khai báo, ghi ghép…). Các chuyên gia xã hội học thế giới cho rằng, khi các điều tra viên phải phỏng vấn quá nhiều trong một ngày, sẽ xảy ra hiệu ứng là nghe và ghi chép cái mà họ muốn nghe, chứ không phải cái mà người được phỏng vấn trả lời. 5) Mặc dù trong đa số các trường hợp điều tra chọn mẫu được dùng để thay thế điều tra toàn bộ hoặc tổng điều tra, nhưng trên thực tế điều tra chọn mẫu có thể được tiến hành phối hợp với điều tra toàn bộ. Chẳng hạn, có thể tiến hành như một phần của nghiên cứu tổng thể để mở rộng nội dung điều tra, đánh giá nhanh kết quả điều tra, hoặc dùng nó để tổng hợp nhanh tài liệu của điều tra toàn bộ, tổng điều tra.

Với những ưu thế nêu trên, điều tra chọn mẫu đã trở thành dạng điều tra chủ yếu trong các nghiên cứu xã hội học nói chung và thăm dò DLXH nói riêng.

Hạn chế của điều tra chọn mẫu

Điều tra chọn mẫu có một số hạn chế, nhược điểm: 1) Luôn tồn tại song song hai loại sai số là sai số chọn mẫu và sai số phi chọn mẫu. Hai loại sai số này làm cho các ước lượng bị chênh lệch so với thực tế. Chính vì vậy, muốn hạn chế được sai số (đặc biệt là sai số chọn mẫu) phải sử dụng phương pháp chọn mẫu khoa học, đảm bảo đại diện được cho tổng thể chung, đồng thời phải bảo đảm nghiêm ngặt những quy định trong quản lý và tiến hành nghiên cứu. 2) Kết quả điều tra chọn mẫu không thể tiến hành phân tổ nhỏ theo mọi phạm vi và tiêu thức nghiên cứu như điều tra toàn bộ, mà chỉ thực hiện được ở mức độ nhất định tùy thuộc vào cỡ mẫu, phương pháp tổ chức chọn mẫu và độ đồng đều giữa các đơn vị theo các chỉ tiêu được điều tra.

Điều kiện vận dụng của điều tra chọn mẫu


Các điều kiện để vận dụng là: 1) Thay thế cho điều tra toàn bộ trong những trường hợp quy mô điều tra lớn, đối tượng điều tra khó tiếp cận; nội dung điều tra cần thu thập nhiều chỉ tiêu. 2) Để thu thập những thông tin ban đầu trong những trường hợp cần thiết nhằm phục vụ cho yêu cầu của điều tra toàn bộ. 3) Thu thập số liệu để kiểm tra, đánh giá và chỉnh lý số liệu của điều tra toàn bộ.

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC CHỌN MẪU TRONG ĐIỀU TRA DLXH

Có nhiều cách xác định phương pháp tổ chức chọn mẫu (cách tổ chức chọn mẫu) khác nhau. Một số phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều tra DLXH là:

Chọn mẫu một cấp (còn gọi là chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản). Đây là cách thức tiến hành lập danh sách tất cả các đơn vị thuộc đối tượng điều tra của tổng thể chung (lập một loại danh sách và gọi là một loại dàn chọn mẫu) rồi tiến hành chọn ngẫu nhiên hoặc chọn hệ thống lấy đủ số mẫu được xác định để tiến hành thu thập thông tin. Chọn mẫu một cấp về lý thuyết thì đơn giản, song thực tế thực hiện thì rất khó khăn vì không dễ gì có được danh sách của tất cả các đơn vị thuộc đối tượng điều tra (có cả địa chỉ liên hệ và những chỉ tiêu cần thiết kèm theo), và thực tế nếu địa bàn điều tra quá rộng (như phạm vi cả nước, phạm vi một tỉnh, thành phố) cũng không dễ gì có điều kiện để áp dụng riêng phương pháp tổ chức chọn mẫu một cấp này.

Chọn mẫu phân tổ. Đây là là cách thức tiến hành phân chia tổng số đơn vị tổng thể chung thành các tổ khác nhau theo những tiêu thức nào đó, sau đó tiến hành phân bổ mẫu chung cho các tổ. Ở mỗi tổ lập danh sách các đơn vị thuộc đối tượng điều tra của tổ đó và tiến hành chọn đủ số mẫu cho từng tổ để tiến hành điều tra. Tổng thể chung có bao nhiêu tổ thì phải lập bấy nhiêu dàn chọn mẫu (danh sách các đơn vị điều tra thuộc mỗi tổ) để tiến hành chọn mẫu theo từng tổ. Việc lập dàn chọn mẫu (lập danh sách các đối tượng điều tra) của các tổ cũng có quy mô về danh sách đối tượng điều tra tương đương quy mô quy mô của việc lập danh sách các đối tượng điều tra theo cách tổ chức chọn mẫu một cấp. Việc chọn mẫu có phân tổ sẽ cho độ tin cậy của số liệu điều tra cao nhất, nhưng trong thực tế rất ít khi áp dụng phương pháp này một cách riêng biệt mà thường kết hợp với các phương pháp tổ chức chọn mẫu khác.

 Chọn mẫu nhiều cấp. Đây là chia tổng thể chung thành nhiều cấp độ khác nhau, sau tiến hành xác định cỡ mẫu, lập dàn chọn mẫu và tiến hành chọn mẫu ở từng cấp để phục vụ cho yêu cầu điều tra. Tổ chức chọn mẫu bao nhiêu cấp thì sẽ có bấy nhiêu loại đơn vị chọn mẫu cũng như loại dàn chọn mẫu, chẳng hạn chọn mẫu hai cấp thì sẽ có hai loại đơn vị chọn mẫu và hai loại dàn chọn mẫu.

Ví dụ, khi điều tra lấy ý kiến của người dân từ 15 tuổi trở lên về một vấn đề nào đó ở phạm vi cả nước, thì việc đầu tiên là phải tiến hành chọn ra một số tỉnh, thành phố (đơn vị mẫu cấp một); sau đó các tỉnh, thành phố này tiếp tục chọn ra một số xã, phường (đơn vị mẫu cấp hai); rồi các xã, phường này tiếp tục lập danh sách những gười dân thưộc đối tượng cung cấp thông tin (đơn vị mẫu cấp ba - đơn vị chọn mẫu cấp cuối cùng) để tiến hành chọn mẫu (đủ số mẫu cần thiết theo yêu cầu) để điều tra thu thập thông tin.

Nhìn chung, trong phương pháp chức chọn mẫu nhiều cấp (3 cấp), việc lập dàn chọn mẫu để tiến hành chọn mẫu sẽ đơn giản hơn chọn mẫu một cấp hay chọn mẫu phân tổ. Tuy nhiên nếu cùng cỡ mẫu thì chọn mẫu nhiều cấp sẽ có tính đại diện của số liệu thu thập được thấp hơn so với chọn mẫu một cấp và chọn mẫu phân tổ.

 Chọn mẫu chùm (còn gọi là chọn mẫu cả khối). Trước hết tổ chức chọn mẫu nhiều cấp, nhưng ở cấp cuối cùng không chọn mẫu để điều tra, mà thay vào đó là điều tra tất cả các đơn vị thuộc đối tượng điều tra.

Trở lại ví dụ đã nêu ở phương pháp chọn mẫu nhiều cấp: ở phạm vi cả nước sẽ tiến hành chọn tỉnh, thành phố; sau đó mỗi tỉnh, thành phố được chọn sẽ tiến hành chọn ra một số xã, phường (số xã, phường cần chọn ở đây ít hơn trường hợp chọn mẫu 3 cấp); tiếp đó, ở các xã, phường là mẫu được chọn để điều tra (mẫu cấp 2), sẽ tiến hành điều tra tất cả mọi người thuộc đối tượng điều tra. Chọn mẫu chùm như trên chỉ phải lập danh sách các tỉnh, thành phố và danh sách các xã, phường ở các tỉnh, thành phố được chọn, chứ không phải lập danh sách đế từng người thuộc đối tượng cung cấp thông tin để chọn mẫu rồi điều tra như 3 trường hợp tổ chức chọn mẫu kể trên, nên công việc lập dàn chọn mẫu đơn giản hơn; hơn nữa việc tiến hành điều tra cũng không phải đi lại qua nhiều xã, phường mà chỉ tập trung vào một số ít xã, phường nào đó được chọn ở mẫu cấp 2. Như vậy sẽ giảm được nhiều kinh phí cho điều tra thực tế. Tuy nhiên so với 3 phương pháp tổ chức chọn mẫu nêu trên, nếu cùng cỡ mẫu điều tra như nhau, thì kết quả điều tra của tổ chức chọn mẫu chùm sẽ có sai số lớn nhất.

Trong thực tế, thông thường không áp dụng một phương pháp tổ chức chọn mẫu nào một cách riêng biệt, mà tùy theo yêu cầu thông tin và điều kiện thực tế về điều kiện nhân lực và kinh phí mà vận dụng kết hợp các phương pháp tổ chức chọn mẫu kể trên cho phù hợp và có hiệu quả.

LỰA CHỌN LƯỢC ĐỒ ĐIỀU TRA ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐƠN VỊ CHỌN MẪU

Trong điều tra DLXH thường gặp các loại lược đồ điều tra như sau:

Một là, tổ chức thu thập thông tin trực tiếp từ ý kiến của người dân và do chính họ trực tiếp cung cấp thông tin. Theo đó, người dân cung cấp thông tin là đơn vị chọn mẫu; dàn chọn mẫu là danh sách tất cả những người dân thuộc đối tượng có trong phạm vi điều tra; cỡ mẫu điều tra là số người được xác định và chọn ra trên cơ sở toàn bộ số người dân có trong danh sach cần điều tra.

Hai là, tổ chức thu thập thông tin về ý kiến của người dân thông qua cộng tác viên - tức là ý kiến của người dân được phản ánh trên cơ sở cộng tác viên đã nghe ngóng, sàng lọc và khái quát lại. Trong trường hợp này mỗi cộng tác viên là một đơn vị chọn mẫu và cũng như là một mẫu được chon. Chọn mẫu trong trường hợp này được xem như là mẫu ổn định, áp dụng cho nhiều lần.

Ba là, tổ chức thu thập thông tin qua nhận xét đánh giá của các chuyên gia - những người liên quan và am hiểu sâu về những thông tin cần thu thập. Trong trường hợp này các chuyên gia liên quan có nhiêm vụ cung cấp thông tin là đơn vị chọn mẫu; danh sách những chuyên gia liên quan trong phạm vi điều tra là dàn chọn mẫu; cỡ mẫu điều tra là số chuyên gia cần chọn ra để thu thập thông tin. Khi điều tra lấy ý kiến chuyên gia thì các thông tin thường có nội dung phong phú, trong đó có nhiều thông tin định tính, vì thế, quá trình thu thập thông tin sẽ khó, phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn. Do đó, cỡ mẫu mẫu áp dụng cho loại hình điều tra này phải nhỏ hơn.

TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN MỘT PHƯƠNG PHÁP CHỌN MẪU

Đối với việc chọn mẫu nghiên cứu thì không có một nguyên tắc nào có thể hướng dẫn người nghiên cứu lựa chọn một phương pháp mẫu này để loại trừ các phương pháp chọn mẫu khác. Việc lựa chọn một phương pháp chọn mẫu phụ thuộc trước hết vào bản chất của vấn đề cần thăm dò và bị chi phối bởi đặc trưng tổng thể. Đặc trưng nào được thể hiện rộng khắp trong khối dân cư với tần số xuất hiện chắc chắn thì có thể được nghiên cứu tương ứng bằng mẫu ngẫu nhiên kích thước nhỏ. Loại khác cũng trải rộng trong khối dân cư, cũng rộng khắp trong khối dân cư, nhưng không xuất hiện thường xuyên thì có thể nghiên cứu phù hợp hơn bằng mẫu ngẫu nhiên lớn hơn. Ngược lại, nếu một đặc trưng chỉ định vị thưa thớt trong một số phần của khu vực khảo sát, nhưng lại tập trung ở những phần khác thì chọn mẫu phân tổ, mẫu nhiều cấp có thể cho những kết quả tốt nhất. Chọn mẫu nhiều cấp do sự thuận tiện của nó, có thể được ưu tiên trong trường hợp khi có sẵn hoặc dễ kiếm được danh sách các đơn vị của khối dân cư và khi có sự biến động hoặc khuynh hướng không theo chu kỳ thể hiện trong khối dân cư.

Các yếu tố liên quan đến tài chính, thời gian cũng cần được lưu ý khi lựa chọn phương pháp chọn mẫu. Người nghiên cứu cần cân nhắc những ưu thế và nhược điểm của từng loại phương pháp và lựa chọn phương pháp nào đáp ứng tốt những điều kiện về tài chính, thời gian, độ chính xác. Thực tế, các cuộc điều tra DLXH đều có giới hạn về ngân sách thực hiện. Trong trường hợp này, điều quan tâm trước hết của người nghiên cứu là tăng tối đa độ chính xác của các tính toán với những nguồn lực hạn chế hiện có. So sánh hiệu quả tương đối của các phương pháp lấy mẫu có thể được sử dụng để thu thập thông tin và lựa chọn phương pháp cho phép đạt tới sự cân bằng tối ưu giữa nguồn lực, chi phí và độ tin cậy của các kết quả. Việc xem xét hiệu quả, chi phí của các kế hoạch chọn mẫu nhằm đạt tới độ chính xác mong muốn và những yếu tố khác là cần thiết trước khi chọn một phương pháp lấy mẫu hiện quả nhất có thể được lựa chọn.

Tóm lại, thực tế mỗi loại phương pháp chọn mẫu đều có ưu điểm và nhược điểm trong khai thác thông tin DLXH trong các nhóm xã hội. Việc lựa chọn phương pháp chọn mẫu tối ưu phụ thuộc vào đặc trưng, nội dung, tính chất của sự kiện cần thăm dò, điều tra cũng như các vấn đề liên quan khác về nhân lực, kinh phí và thời gian dành cho điều tra.

Độ chính xác hoặc độ tin cậy của kết quả điều tra, thăm dò DLXH chỉ có khi nhà nghiên cứu biết khai thác và kết hợp các yếu tố này trong quá trình nghiên cứu. Trong thực tiễn khi tiến hành chọn mẫu điều tra DLXH, với một tổng thể lấy mẫu như ở nước ta có nhiều đặc trưng, đa dạng, phức tạp (nhiều thành phần dân tộc, sự chênh lệch giữa các vùng, miền, khoảng cách địa lý, sự phân hóa giữa các nhóm xã hội diễn ra mạnh mẽ, mức độ phân bổ dân cư không đồng đều...) tạo ra những khó khăn nhất định. Do đó, việc tính toán cho khâu chọn phương pháp chọn mẫu trong mỗi cuộc điều tra, thăm dò DLXH bảo đảm tính khoa học, chính xác là rất cần thiết.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phương pháp chọn mẫu sẽ giúp việc chọn mẫu và kết quả điều tra DLXH chính xác, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng hoàn thiện các chủ trương, chính sách và thực hiện hoạt động quản lý xã hội hiệu quả.

 




TỪ THÚY QUỲNH

Ban Tuyên giáo Trung ương
___________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.181, 193.

(2) Báo cáo Tổng kết công tác DLXH năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất