Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 27/11/2009 9:33'(GMT+7)

Mùa sách về Hà Nội: Tái bản nhiều, hiếm đầu sách mới

Nhà văn Tô Hoài với tập sách về Hà Nội.

Nhà văn Tô Hoài với tập sách về Hà Nội.

Tái bản nhiều đầu sách quý

Trong khoảng chục năm trở lại đây, cứ đến những tháng cuối năm, NXB Trẻ lại cho ra mắt bạn đọc những đầu sách về Hà Nội. Năm nay, đơn vị này tái bản một số đầu sách của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Hà Nội cõi đất, con người; Hà Nội thành phố nghìn năm… Cùng với những đầu sách: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và vùng lân cận; Văn hiến Thăng Long… NXB Trẻ đã xây dựng được một dòng sách riêng về đề tài Thăng Long - Hà Nội.

Cùng thời điểm với NXB Trẻ, Công ty Phương Nam cũng đã kịp cho ra mắt bạn đọc một loạt đầu sách về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài: Những ngõ phố, Chuyện cũ Hà Nội (2 tập), Mẹ mìn bố mìn, Kẻ cướp bến Bỏi, Quê nhà, Quê người, Mười năm, Tạp bút…

Không giống cách làm của các đơn vị xuất bản trong Nam, ở Hà Nội, các nhà sách không xuất bản độc quyền sách về Hà Nội của một tác giả nào, mà số lượng đầu sách của nhiều tác giả rất phong phú. Nhà sách Hàn Thuyên, với Người và cảnh Hà Nội của cố nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội của cố Giáo sư Đinh Gia Khánh, Từ điển đường phố Hà Nội của nhà nghiên cứu Giang Quân, Miếng ngon Hà Nội của cố nhà văn Vũ Bằng... Song những đầu sách về đề tài Thăng Long - Hà Nội Nhà sách Hàn Thuyên không làm nhiều, chủ yếu là tái bản các tên sách đã khẳng định được giá trị qua thời gian. Trong tháng 11 này, nhà sách sẽ tái bản có bổ sung 2 đầu sách: Lịch sử Thăng Long - Hà Nội do nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chủ biên, 5678 bước chân quanh Hồ Gươm của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến”.

Cũng là một đơn vị làm sách của đất Hà thành, tuy còn non trẻ, nhưng Nhà sách Đống Đa đã tạo bất ngờ với gần hai chục đầu sách về Hà Nội trong vòng hai tháng gần đây. Một loạt đầu sách có giá trị được trở lại cùng bạn đọc: Hà Nội nghìn xưa, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Lịch sử Thủ đô của cố Giáo sư Trần Huy Liệu, 1000 câu hỏi đáp về Thăng Long - Hà Nội (2 tập), Mặt gương Tây Hồ, Đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội 1873-1888…

Cần những đầu sách mới

Ngoài những đầu sách đã khẳng định giá trị và tái bản trong khoảng chục năm trở lại đây thì Nhà sách Đống Đa mạnh dạn in một loạt đầu sách của những tác giả mới: Văn hóa tâm linh Hà Nội, Chùa Hà Nội, Non nước Hà Nội, Hà Nội mùa đông năm ấy... Mặc dù không phải đề tài “hot” để kinh doanh, nhưng tháng 12, nhà sách này sẽ tiếp tục cho ra mắt bạn đọc khoảng 20 đầu sách về Thủ đô.

Rõ ràng trong mảng đề tài về Hà Nội không có nhiều tác phẩm mới. Quanh đi quẩn lại là những tác phẩm của một số tác giả đã thành danh: Tô Hoài, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Vinh Phúc, Băng Sơn, Vũ Bằng, Siêu Hải, Nguyễn Khắc Phục… được tái bản đi tái bản lại nhiều lần. Ít có tác phẩm mới về Hà Nội gây được ấn tượng với bạn đọc. Có chăng, là tiểu thuyết Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, vì trong khoảng chục năm trở lại đây, từ lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đã phát động cuộc thi sáng tác hướng tới Đại lễ kỷ niệm Thủ đô tròn nghìn tuổi.

Thiếu thì thiếu, nhưng lại có không ít đề tài các cấp nghiên cứu về Hà Nội không đủ kinh phí xuất bản hoặc nếu có xuất bản cũng với số lượng hạn chế, không bán, nên những bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội rất khó để tìm được đầu sách mà mình cần. Đã có nhiều sinh viên làm đề tài nghiên cứu về đất đai Hà Nội nhưng không làm sao mua được 2 tập cuốn sách Địa bạ cổ Hà Nội do Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên. Hay cuốn Kinh tế Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX của PGS Nguyễn Thừa Hỷ do Hội Sử học Hà Nội xuất bản năm 1993.

Chưa kể còn không ít tác phẩm về Hà Nội của các hội viên trong Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội, cụ thể như Hội Văn nghệ dân gian lại không có kinh phí để in ấn. Ông Vũ Kiêm Ninh, hội viên Hội Văn nghệ dân gian cho biết: Hằng năm có hàng chục tác phẩm của hội viên gửi về Hội, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải nhưng cũng không có kinh phí để in. Đa phần các tác phẩm là do tác giả tự bỏ tiền ra in ấn hoặc vận động tài trợ, như: Những vị thần được thờ ở Hà Nội, Cổng làng Hà Nội, Chèo Hà Nội, Múa rối Hà Nội…

Rõ ràng đang tồn tại một vấn đề là nhiều đơn vị làm sách không có tác phẩm về Hà Nội để xuất bản và có nhiều tác giả, tổ chức… có tác phẩm nhưng không tìm được đầu ra cho tác phẩm của mình. Vì vậy, vấn đề mà độc giả mong mỏi là hai bên sẽ chủ động hợp tác với nhau, giới thiệu nhiều đầu sách mới về Thủ đô, không phải chỉ để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn nhằm giới thiệu, lưu giữ những tác phẩm tốt cho muôn đời sau.

Quảng Văn (HàNộiMới)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất