Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 4/7/2010 18:14'(GMT+7)

Mục đích chân chính đâu rồi?

Mặc dù đã nhiều lần bị báo giới Việt Nam kịch liệt phản đối, lên án nhưng vừa qua, tổ chức này lại tiếp tục có những việc làm vô lối, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam. Trong một báo cáo mới đây, với một thái độ suy diễn chủ quan, vô căn cứ tổ chức này đã phán rằng, Việt Nam đang tiến hành một “chiến dịch bóp nghẹt báo chí”. Trả lời phỏng vấn mấy tờ báo mạng có địa chỉ ở nước ngoài, khi đề cập đến tự do báo chí ở Việt Nam, một quan chức trong tổ chức “Nhà báo không biên giới” hồ đồ phát biểu rằng: Việt Nam vẫn tiếp tục bóp nghẹt tự do báo chí và ngăn cấm thông tin internet. Tổ chức này còn lên tiếng bảo vệ và yêu cầu trả tự do cho một số kẻ mà họ gọi là “nhà dân chủ” đã và đang bị Việt Nam bắt giữ.

Thông tin mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tính đến tháng 6-2010, Việt Nam có 706 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình, 116 báo điện tử và trang tin của các cơ quan báo chí và hàng nghìn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ các đoàn thể, hội, hiệp hội, đoàn thể và các doanh nghiệp; hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo, tăng gấp 3 lần so với năm 1986 – thời điểm Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới… Sự phát triển ấy là một trong những bằng chứng khẳng định xã hội Việt Nam ngày càng dân chủ, thông tin trên báo chí ngày càng đa dạng, nhiều chiều. Ở Việt Nam hoàn toàn không có chuyện “bóp nghẹt” báo chí. Chỉ có các thế lực đen tối đang thao túng, lũng đoạn tổ chức “Nhà báo không biên giới” mới tối mắt không nhìn ra những thành tựu rực rỡ ấy ở Việt Nam.

Ở nhiều nơi trên thế giới nạn khủng bố, xung đột vũ trang đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Để phản ánh kịp thời tính khốc liệt của chiến tranh, nhiều nhà báo đã bị thương, hy sinh, bị đe dọa đến tính mạng rất cần được bảo vệ. Thử hỏi tổ chức “Nhà báo không biên giới” đã làm được những gì để bảo vệ họ, vì một thế giới hòa bình không có chiến tranh? Thật đáng buồn là công việc cấp thiết, đúng tôn chỉ mục đích ấy lại bị tổ chức này lãng quên. Họ quên trách nhiệm, mục đích chân chính, nhưng họ lại rất nhớ, rất sốt sắng việc can dự vô lối vào chuyện nội bộ của các quốc gia. Dư luận ai cũng biết những kẻ mà tổ chức này gọi là “nhà dân chủ” như nói ở trên là những luật sư, doanh nghiệp, hành nghề tự do… không phải là phóng viên hay nhà báo. Những đối tượng ấy bị các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam xử lý do có những hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức “Nhà báo không biên giới” cố tình khoác lên những đối tượng này cái danh phóng viên, nhà báo cho phù hợp với “tiêu chí nhà báo cần bảo vệ” để dễ bề can thiệp theo một kịch bản nhằm mưu đồ chính trị chống phá Việt Nam.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện năm 1985, khi tổ chức “Nhà báo không biên giới” ra đời, họ công bố tôn chỉ mục đích ban đầu hết sức tốt đẹp: Là cầu nối các nhà báo trên thế giới vì nền hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển – với những thông tin khách quan, đúng đắn... Nhìn lại 25 năm tồn tại của tổ chức này, người ta tự hỏi: Mục đích chân chính đâu rồi?

(Theo: Kim Ngọc/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất