Điệu hát then đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di
sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang được tỉnh Tuyên Quang phối hợp
với Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc
Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Giang lập hồ sơ để đề xuất và
đệ trình lên Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc
(UNESCO) xem xét, ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại
diện của nhân loại vào năm 2015.
Điệu hát “thần tiên” của dân tộc Tày
Đến xã Tân An, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - một trong những “cái nôi”
hát then tỉnh Tuyên Quang, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền
thống của đồng bào dân tộc Tày, nghệ nhân Hà Thuấn cho biết then là
những khúc hát, điệu múa mượt mà, đằm thắm, ngọt ngào thuộc thể loại dân
ca nghi lễ, phong tục từ lâu đời của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.
Cũng theo ông Thuấn, then Tuyên Quang xuất phát từ chữ “Tiên” - có nơi
gọi là “Sliên” tức là Trời, điệu hát then vẫn được người Tày tỉnh Tuyên
Quang coi là điệu hát thần tiên. Hát then được sử dụng trong các lễ cúng
chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc… do những người làm
nghề then thực hiện.
Là người Tày đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được Hội Văn nghệ Dân gian
Việt Nam phong tặng nghệ nhân văn hóa dân gian, những năm qua, ông Thuấn
đã miệt mài sáng tác gần 60 bài hát then theo điệu "tằng bốc" (đường
cạn) và "tằng nặm" (đường nước) - là hai làn điệu chính hay nhất và độc
đáo nhất của làn điệu then.
Ngoài ra, ông còn sưu tầm và chỉnh lý hàng chục bài then cổ. Tuy nhiên,
do các bài hát then cổ được ghi bằng chữ Nho nên ông đã học chữ Nho
trong một thời gian dài để dịch và chuyển các bài then cổ sang hát bằng
tiếng Tày.
Còn ông Hoàng Tiến Các, dân tộc Tày, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên,
huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - người đã nhiều năm gắn bó với nghề hát
then cho biết then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn
học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, gửi gắm, nhắn
nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống…
Theo một khảo sát mới đây của tỉnh Tuyên Quang, vùng hát then hiện tập
trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình và một số xã của
các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Trải qua thời gian, tồn tại và
phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tồn tại hai dòng
then.
Dòng then thứ nhất là nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những
người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị
thất truyền. Dòng then thứ hai là dòng then mới do những người am hiểu,
yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ.
Về nội dung, then Tuyên Quang được chia làm hai nhóm, then kỳ yên (cầu
điều lành và điều tốt) và then lễ hội. then kỳ yên có nội dung chủ yếu,
cầu chúc, chữa bệnh. Lễ cầu yên được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu
năm tùy thuộc vào từng nơi để thiết đãi tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù
hộ.
Còn then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người thêm vui
vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống để thỏa mãn ước
vọng về một cuộc sống đầy đủ. Loại then lễ hội thường được sử dụng trong
các nghi lễ là lễ cầu mùa, lễ vào nhà mới, cấp sắc, cầu mùa, lễ cốm…
Cho điệu then vang mãi
Nhằm bảo tồn, phát huy hát then trong đời sống để sớm được UNESCO công
nhận là di sản văn hóa thế giới, ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn
hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết tỉnh đã ban hành kế
hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Nghi lễ then dân tộc Tày.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang còn phối hợp với hợp với Viện âm nhạc Quốc
gia Việt Nam tổ chức hội nghị kiểm kê di sản và lập hồ sơ “then Tày -
Nùng - Thái Việt Nam.”
Tỉnh khuyến khích các địa phương thành lập các câu lạc bộ hát then và
đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 50 câu lạc bộ hát then, đàn
tính với gần 1.000 nghệ nhân và những người yêu thích hát then tham gia…
Ông Hoàng Văn Họa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then-đàn tính xã Tân Trào
chia sẻ dù mới được thành lập tháng 8/2013 nhưng đến nay câu lạc bộ
không chỉ góp phần bảo tồn mà còn quảng bá những câu hát then mượt mà
say đắm lòng người đến với nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Tuyên
Quang.
15 thành viên của câu lạc bộ là những hạt nhân văn nghệ quần chúng tại
cơ sở, với lòng yêu thích và nhiều năm gắn bó, giữ gìn nghệ thuật hát
then, hát cọi truyền thống dân tộc Tày.
Mặc dù phải lao động rất vất vả mưu sinh, nhưng mỗi khi cất lên câu hát
là mọi người lại quên đi hết sự nhọc nhằn mệt mỏi của cuộc sống thường
ngày.
Ngoài phát huy vai trò các đội văn nghệ, câu lạc bộ hát then, tỉnh Tuyên
Quang còn có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến hát then trong xã
hội. Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh thường xuyên sưu tầm, dàn dựng nhiều
tiết mục then cổ, cải biên cho phù hợp hơn, dễ hát hơn để biểu diễn phục
vụ đồng bào thiểu số.
Cơ quan quản lý văn hóa ở các huyện trong tỉnh cũng có nhiều hình thức
bảo tồn hát then như mời các nghệ nhân về để dạy hát then, đàn tính cho
học sinh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh
xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy để đưa hát then vào các
trường học. Đồng thời, tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về then
đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu
tuyên truyền; lựa chọn những địa phương có điều kiện thích hợp xây dựng
“Làng văn hóa dân tộc Tày” với yêu cầu duy trì phong trào văn nghệ quần
chúng và đội văn nghệ quần chúng để phát triển hát then.
Với giá trị nghệ thuật độc đáo, hát then đã và đang ngày càng khẳng định
sức lan tỏa rộng rãi, gắn bó với sự hình thành, phát triển, phản ánh
hiện thực trong đời sống xã hội đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang./.
(TTXVN)