Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 6/8/2008 19:39'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân

GS.TS Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW

GS.TS Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW

Thưa các đồng chí,

Sau một ngày làm việc, Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2008 đã hoàn thành các nội dung đề ra. Hội nghị đã nghe báo cáo sơ kết hoạt động xuất bản 6 tháng đầu năm 2008 do lãnh đạo Cục Xuất bản trình bày; nghe trình bày một số nội dung sửa đổi của Luật Xuất bản; nghe một số vấn đề cần lưu ý về công tác xuất bản trong tình hình mới hiện nay do Lãnh đạo Vụ báo chí- Xuất bản trình bày; Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, tâm huyết, đánh giá sát đúng thực trạng xuất bản, cả ưu và khuyết điểm, đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động xuất bản trong thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực- BanTuyên giáo Trung ương nhấn mạnh một số nội dung cơ bản về quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2008 và thời gian tiếp theo.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, trong đó có hoạt động xuất bản. Vào dịp tháng 3 vừa qua, chúng ta đã mở Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW Ngày 25/8/2004 “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Trong Chỉ thị 42-CT/TW, Đảng ta đã khẳng định: “ …Sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam…”.

Ngày 20/12/2007 Ban Bí thư có Thông báo kết luận số 122-TB/TW tiếp tục khẳng định các nội dung vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong chỉ đạo công tác xuất bản mà Chỉ thị 42-CT/TW nêu ra. Đặc biệt, Thông báo này đã đánh gia khái quát ưu điểm, thành tích và cả những yếu kém, khuyết điểm của công tác xuất bản sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 42. Như vậy, chúng ta đều nhận thấy là Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò rất quan trọng của hoạt động xuất bản trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nói chung.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cơn sốt giá, lạm phát, cơ chế chưa phù hợp…, nhưng nhờ những cố gắng vượt bậc của toàn ngành nên hoạt động xuất bản đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất, năng lực hoạt động được tăng cường, hoạt động xuất bản từng bước thích nghi với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã xuất hiện một số mô hình tốt, chất lượng xuất bản phẩm được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá đọc của nhân dân, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền tư tưởng, văn hoá của Đảng. Mặt khác, chúng ta cũng nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm qua Báo cáo của Cục xuất bản cũng như tham luận mà một số đại biểu nêu tại Hội nghị đều cho rằng chất lượng xuất bản phẩm chưa được nâng cao một cách rõ rệt; chưa có nhiều ấn phẩm tốt về công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gương người tốt việc tốt. Hoạt động xuất bản của ta còn non yếu về tiềm lực; phát triển không đồng bộ; mô hình nhỏ lẻ, phân tán; chưa khai thác hết tiềm năng; lực lượng mỏng, thiếu chuyên nghiệp; còn chịu nhiều sức ép và tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường; việc xã hội hoá vừa lúng túng, vừa có mặt bị buông lỏng. Một số nhà xuất bản không quản lý tốt các công đoạn hoạt động, không kiểm soát được nội dung ấn phẩm. Nạn sách lậu, vi phạm quyền tác giả còn ở mức cao. Việc xử lý các sai phạm chưa kịp thời, chưa kiên quyết. Công tác phát hành còn nhiều non yếu, bất cập…

Về nguyên nhân của các yếu kém, khuyết điểm, chúng ta cũng chỉ rõ là: Nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là cơ quan chủ quản chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư, chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí, chức năng giáo dục chính trị, tư tưởng của hoạt động xuất bản, chưa có giải pháp tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. Một nguyên nhân chủ quan khác cũng được đề cập: Đó là việc các cơ quan quản lý nhà nước chậm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng trong Chỉ thị 42.Không thấy rõ vai trò và tầm quan triọng của hoạt động xuất bản, in, phát hành sách đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cho nên chưa xây dựng được các chế độ, chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp xuất bản có nhiệm vụ kinh doanh đặc thù, chưa xây dựng chính sách ưu tiên cho việc xuất bản, phát hành, vận chuyển xuất bản phẩm lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số….

Thực tế trong thời gian qua, nhiều nhà xuất bản lúng túng, do không giải quyết được mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và kinh doanh có lãi. Một số công ty phát hành sách sau cổ phần hoá đã xa rời chức năng, nhiệm vụ, chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu văn hoá đọc của các tầng lớp nhân dân. Mạng lưới phát hành sách ở nhiều địa phương tan rã do không có vốn, không có địa điểm. Tình trạng sách lậu có chiều hướng gia tăng làm nhức nhối xã hội, gây tổn thất cho nhà xuất bản và tác giả.


Một nguyên nhân chủ quan khác không kém phần quan trọng, đó là sự yếu kém, khuyết điểm của chính các đơn vị xuất bản. Nhiều đơn vị hoạt động xuất bản không chú trọng chiến lược phát triển bền vững, lâu dài; không chăm lo đào tạo nguồn nhân lực dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng những người có trình độ, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm ở những khâu quan trọng nhất. Vẫn còn nếp nghĩ, cách làm ỷ lại, trông chờ như thời bao cấp. Xuất hiện tư tưởng chán nản, phó mặc, buông lỏng quản lý, dẫn đến những sai phạm đáng tiếc. Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn của một số cán bộ lãnh đạo và biên tập viên trong ngành xuất bản còn hạn chế. Vai trò của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên ở một số đơn vị còn mờ nhạt. Một số nhà xuất bản, đơn vị phát hành để lọt một số xuất bản phẩm có nội dung xấu về chính trị, văn hóa, cổ suý quan điểm sai trái, cách nhìn chủ quan, phiến diện, lối sống buông thả, đồi trụy, không phù hợp với quan điểm của Đảng, thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của dân tộc, của đại đa số nhân dân. Khi đã sai phạm, khuyết điểm, không uốn nắn, xử lý kịp thời, nghiêm túc.

Để khắc phục tình trạng trên giúp cho hoạt động xuất bản phát triển, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tiếp tục thực hiện tốt hơn Chỉ thị 42, nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trong thời gian tới:

Thứ nhất: Sau khi gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta vừa có những thời cơ, vận hội mới, vừa phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, báo chí, xuất bản phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Sự cạnh tranh trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực liên quan đến hoạt động xuất bản sẽ gia tăng. Âm mưu và thủ đoạn của bọn phản động và cơ hội chính trị muốn lợi dụng hoạt động xuất bản để chống phá ta ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn; Yêu cầu của xã hội ngày càng cao đối với xuất bản phẩm, cả về nội dung và hình thức.

Thứ hai : Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 42-CT/TW nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản và cả xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản. Tập trung xây dựng, bổ sung điều chỉnh các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về nhân lực, vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cho hoạt động xuất bản phát triển.

Thứ ba :Cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản cần xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện, tăng cường kiểm tra giám sát, tạo các điều kiện về nhân lực, vốn, nhà xưởng, máy móc, cơ chế hoạt động để các nhà xuất bản phát triển đúng hướng, vững chắc.

Thứ tư : Các đơn vị xuất bản cần nêu cao ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt coi trọng xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ biên tập, xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của cơ quan đơn vị…

Về một số kiến nghị của các đồng chí tại hội nghị: Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác xuất bản trong đời sống xã hội; chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác xuất bản, đội ngũ tác giả, dịch giả; đổi mới các cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất bản, in, phát hành; sửa đổi mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành để tái đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, tiền vốn, vật tư, kỹ thuật... cho một số hoạt động xuất bản mang tính công ích; Thống nhất mô hình trong hoạt động của các nhà xuất bản; bổ sung chế tài xử phạt đối với hoạt động in lậu sách; đẩy mạnh xã hội hoá để sử dụng tốt hơn các nguồn lực trong xã hội...tuỳ theo từng nhóm vấn đề, Ban và Bộ cùng các ban, ngành liên quan sẽ trình Đảng, Chính phủ sớm xem xét, có chủ trương, chính sách, cơ chế cụ thể; cố gắng để không kéo dài những vấn đề mà các đồng chí đã kiến nghị từ mấy năm nay, nhất là trong Hội nghị này.

Sơ kết 6 tháng đầu năm 2008 về công tác xuất bản là dịp tốt để chúng ta khẳng định quyết tâm làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ đặt ra trong hoạt động xuất bản; tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng có những cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển. Tôi mong các đồng chí có mặt trong hội nghị hôm nay hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng những công việc mình đã và đang thực hiện; đồng thời chúng ta sẽ là những người tiên phong trong việc góp công sức cùng với ngành xuất bản trong cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giúp cho hoạt động xuất bản có những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân.

(Đầu đề của Tạp chí Tuyên giáo)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất