Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng giới được thể hiện rõ trong Hiến pháp, trong các văn kiện của Đảng, trong các văn bản luật... Bình đẳng giới ở Việt Nam được coi là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia, được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 và được khẳng định trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992 ( Điều 63).
Để thực hiện quan điểm đó, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế trong đó có Công ước về “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, năm 1980), Công ước quyền trẻ em (CRC, năm 1990) và tích cực thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (năm 1995) vì “Bình đẳng, hòa bình và phát triển”.
Nhiều luật pháp, chính sách đã được ban hành hoặc được sửa đổi bổ sung tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thực hiện bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ, nổi bật là:
- Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam với mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của phụ nữ cũng như tạo điều kiện cần thiết để phụ nữ được hưởng quyền cơ bản của mình, tham gia và hưởng thụ một cách bình đẳng và đầy đủ trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”;
- Sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động (năm 2002) về những nội dung liên quan đến chính sách đối với lao động nữ bao gồm bảo hiểm xã hội, tiền lương, bảo hộ lao động, đào tạo nghề…
- Luật đất đai sửa đổi quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở phải đứng tên cả 2 vợ chồng.
- Pháp lệnh phòng chống Mại dâm (năm 2003) và Chương trình hành động, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, xử lý nghiêm tội phạm và những biện pháp hỗ trợ nạn nhân.
- Luật Bình đẳng giới được ban hành ngày 29/11/2006 và Luật phòng chống bạo lực gia đình ban hành ngày 21/11/2007 thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước trong thực hiện CEDAW, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về giới, tạo quyền và bảo vệ quyền phụ nữ…(1)
Kết quả nổi bật
Theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2), sau 5 năm, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới đã đạt được một số thành tựu, kết quả nổi bật.
Một là, các quy định của Luật đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức các hoạt động của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trong cộng đồng.
Hai là, nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới và bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã được quan tâm nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lồng ghép, để tạo cơ hội bình đẳng cho nam, nữ là đối tượng điều chỉnh hoặc thụ hưởng của chính sách và văn bản pháp luật đó.
Ba là, Nhà nước đã có các quy định pháp luật tháo gỡ một số bất cập, khó khăn ảnh hưởng đến mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ, gồm: công nhận thời gian nghỉ sinh con của phụ nữ được tính là thời gian để xét tặng danh hiệu "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến"; sửa đổi tuổi về hưu theo hướng giữ nguyên nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi đối với số đông người lao động; giảm tuổi về hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định và tăng tuổi cho nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác; ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia và một số lĩnh vực; sửa đổi quy định về điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong công tác tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý; ban hành ba đề án và một tiểu đề án dành riêng cho phụ nữ về dạy nghề, giáo dục đạo đức phẩm chất, giáo dục bà mẹ nuôi con dưới 16 tuổi và phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số; ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020, Chương trình mục tiêu bình đẳng giới đến năm 2015; Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...
Bốn là, nhận thức về giới, bình đẳng giới và pháp luật về bình đẳng giới có bước tiến bộ tương đối rõ, thể hiện trong việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản và kế hoạch hoạt động; tăng cường các công trình nghiên cứu, phân tích giới trong các lĩnh vực, để có cơ sở thực tế cho việc xây dựng và thực hiện các hoạt động; chú trọng bảo đảm sự tham gia, đóng góp và hưởng lợi của phụ nữ và nam giới trong các vị trí chức danh quản lý, lãnh đạo và các công việc cụ thể.
Trong lĩnh vực chính trị, sự tham gia của phụ nữ trong cấp ủy và chính quyền các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước. 24/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt trong ủy ban nhân dân. Ở cấp trung ương, tuy số cán bộ nữ không tăng nhưng đã có một cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị; hai là Bí thư Trung ương Ðảng; hai là Phó Chủ tịch Quốc hội; 2 là bộ trưởng (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế); 9/22 bộ có cán bộ nữ là thứ trưởng (Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính).
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm 2011, tỷ lệ trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số học tiểu học và trung học cơ sở đạt khoảng 80%. Nữ sinh viên chiếm hơn 50% trong các trường đại học và cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học. Ðội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chiếm gần 30,53% số người có trình độ thạc sĩ và 17,1% số người có trình độ tiến sĩ. 12% số nhà khoa học nữ là chủ nhiệm đề tài và tham gia Hội đồng tư vấn xét duyệt, đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
Trong lĩnh vực lao động và kinh tế, năm 2011, trong nước đã tạo việc làm cho 1 triệu 450 nghìn người (48% nữ, 52% nam) và 88.298 người (30% nữ, 70% nam) đi xuất khẩu lao động; 420 nghìn người được đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp (37% nữ, 63% nam); 1 triệu 440 nghìn người được đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp và thường xuyên dưới ba tháng (43% nữ, 57% nam). 798.240 lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp (46%) và nghề phi nông nghiệp (54%) theo Ðề án "Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với tỷ lệ nam, nữ tương đương nhau. 20% nữ quản lý và điều hành các doanh nghiệp.
Năm là, bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới được củng cố. Năm 2011, cả nước có 126 cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các tỉnh, thành phố. 9/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng bình đẳng giới tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, các cơ quan khác giao nhiệm vụ tham mưu công tác bình đẳng giới cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Khó khăn, thách thức
Mặc dù Nhà nước, gia đình và cá nhân công dân đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến mục tiêu bình đẳng giới:
- Định kiến giới vẫn còn tồn tại; hiểu biết và nhận thức đúng về bình đẳng giới chưa đầy đủ, toàn diện; thiếu kỹ năng nên việc thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật và các hoạt động thực tế còn lúng túng, chưa đạt hiệu quả cao; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật chưa xuất phát từ đặc thù giới tính và những vấn đề bất lợi về giới có thể xảy ra trên thực tế, khi thi hành những quy định pháp luật đó. Còn không ít văn bản quy phạm pháp luật và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, địa phương chưa được lồng ghép giới...; việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đồng đều, đôi khi mang tính hình thức, chưa phát huy vai trò của đại diện các cơ quan này trong việc xác định vấn đề giới, định hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
- Nhận thức về giới, bình đẳng giới và pháp luật về bình đẳng giới mặc dù có thay đổi nhưng còn chậm, chưa toàn diện ở tất cả các đối tượng trong xã hội, chưa được quan tâm theo hướng là vấn đề xuyên suốt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Việc thay đổi thái độ và hành vi chuẩn về bình đẳng giới chưa đồng đều, có nơi còn mang tính thời điểm.
Những việc cần làm thời gian tới
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước theo hướng hỗ trợ thông tin khoa học và thực tế để hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới; kỹ năng tạo cơ hội bình đẳng giới rõ ràng có tính đến đặc thù giới tính trong chính sách, pháp luật (lồng ghép vấn đề bình đẳng giới) bảo đảm không làm phát sinh bất bình đẳng giới mới khi thực thi các quy định về cơ hội bình đẳng giới.
- Tăng cường sự hợp tác thiện chí, chất lượng và hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm bình đẳng giới; bảo đảm và nâng cao chất lượng các hoạt động phản biện, thẩm định, thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
- Nghiên cứu ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng chỉ số giới trong các ngành, lĩnh vực và địa phương theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới; tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục-đào tạo... trong đó, quan trọng nhất là công tác tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới./.
Anh Đức tổng hợp
_________
(1) Tài liệu Hỏi – Đáp: “Thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ”
(2) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam