Tuyến đường liên xã Đạ M'rông - Đạ R'sal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng nối từ cầu số 7 trên tỉnh lộ 722 xã Đạ M'rông đến trung tâm xã Đạ Rsal có tổng chiều dài 13,7 km, vừa chật hẹp, vừa xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ ách tắc giao thông vào mùa mưa. Từ thực tế đó, Nhà nước có chủ trương mở rộng, nâng cấp đường để tạo sự thông thoáng trong lưu thông hàng hóa, đi lại, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân 3 xã Đầm Ròn và các xã trong vùng.
Nhận thức được điều đó, chính quyền các xã đã chỉ đạo mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân thấy được mục đích, ý nghĩa của việc nâng cấp, mở rộng mặt đường để tích cực tham gia, hỗ trợ. Sau khi được tuyên truyền, vận động đã có 131 hộ dân của hai xã Đạ M'rông, Đạ R'sal tình nguyện hiến 151.500 m2 đất nông nghiệp, 18.800 m2 đất lâm nghiệp để đơn vị thi công san ủi mở rộng mặt đường. Điều đáng nói là trong các hộ dân hiến đất, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số(DTTS) đời sống còn nghèo khó, nhưng không hề đòi hỏi, yêu sách phải đền bù, mà chỉ nhận một ít tiền hỗ trợ thiệt hại hoa màu khi hiến đất, chẳng hạn như hộ ông Rơ Lick Y Dring ở thôn Đa Tế, xã Đạ M'rông đã tình nguyện hiến 3 sào đất, nhưng không đòi hỏi, yêu sách gì.Cũng như vậy, khi nhận thấy những tuyến đường trong thôn chật hẹp, lầy lội khó đi lại vào mùa mưa và được Ban thôn vận động, 275 hộ dân ở thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng, người nhiều, người ít tình nguyện đóng góp trên 600 triệu đồng, cùng hàng ngàn ngày công lao động để thi công 7 con đường bê tông liên thôn, có mặt đường rộng trên dưới 1,2 m và với tổng chiều dài lên đến 6 km, đã góp phần tạo sự thuận lợi trong giao thông đi lại và phát triển sản xuất. Không những tình nguyện đóng góp sức người sức của để xây dựng đường giao thông nông thôn, người dân của các địa phương ở huyện Đam Rông còn tình nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hoặc đất đai để xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ đời sống dân sinh. Đó là việc, 50 hộ đồng bào DTTS ở thôn Phi Jút, xã Đạ R'sal đã tình nguyện đóng góp 150 triệu đồng để mua sắm thiết bị, máy móc, đường ống, rồi cùng nhau lao động cật lực đào đường, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước sạch từ trên núi cao xuống thôn phục vụ việc tắm rửa, sinh hoạt, tưới tắm cho mọi người dân trong thôn. Đó còn là việc, hộ ông Nguyễn Minh Quốc ở thôn Phi Có, xã Đạ R'sal, từ năm 2005 đến nay đã 4 lần tình nguyện hiến hơn 8.400 m2 đất đang canh tác cà phê, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm và là nguồn thu nhập chính của gia đình, để địa phương xây dựng, mở rộng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh và Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Đạ R'sal. Ấy thế nhưng, khi được hỏi về việc làm có ý nghĩa cao đẹp đó, ông Nguyễn Minh Quốc chỉ khiêm tốn bày tỏ “Cũng như bao người khác, khi thấy con em của địa phương, trong đó có cả con, cháu của mình không có được ngôi trường khang trang, rộng rãi để học tập, vui chơi, tôi tình nguyện hiến đất xây trường, cũng chính là xây cơ đồ tương lai cho con cháu mình”. Trong thôn, trong xóm, trong xã, trong huyện có nhiều người đóng góp công sức trí tuệ lớn hơn cho sự phát triển của xã hội và cho sự học của con em, thì tại sao mình không làm được. Đó chính là lý do để tôi tình nguyện hiến hơn 8.400 m2 đất để góp phần xây dựng trường lớp ngay tại địa phương của mình”. Còn có nhiều gương sáng khác về tập thể, cá nhân tại huyện nghèo Đam Rông tình nguyện đóng góp sức người, sức của để cùng với chính quyền địa phương các cấp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi, phục vụ sự phát triển của địa phương và chính cuộc sống của bản thân.
Khi nói về những đóng góp của người dân trong việc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng - Nhà nước, ông Vũ Văn Sinh-TUV, Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho rằng: “Vấn đề quan trọng là mọi chủ trương, mọi phong trào phát động, mọi công trình đầu tư đều phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân, và phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, từ đó người dân mới tích cực tham gia, hỗ trợ, xem đó là việc làm mang lại lợi ích cho chính cuộc sống của mình”.
Nguồn : Báo Lâm Đồng