Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 17/7/2010 22:46'(GMT+7)

Nâng cao tính tư tưởng, chất lượng nội dung các ấn phẩm xuất bản

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh CTV

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh CTV

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã kết luận như vậy trong Hội nghị giao ban xuất bản 6 tháng đầu năm, tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 17/7/2010.

Tại Hội nghị, sau khi nghe phát biểu của đồng chí Phùng Viết Chức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, báo cáo đề dẫn của Cục Xuất bản- Bộ Thông tin và Truyền thông, 11 đại biểu đại diện lãnh đạo thay mặt cho 60 nhà xuất bản đã sôi nổi thảo luận, kiến nghị những vấn đề nóng nhất của công tác xuất bản hiện nay.

Về vấn đề liên kết xuất bản, có ý kiến đặt vấn đề trong xu thế hiện nay việc liên kết xuất bản là khó tránh khỏi. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng tình trạng một nhà xuất bản mà chủ yếu chỉ liên doanh liên kết thì cần phải xem lại tính định hướng và năng lực của nhà xuất bản đó.

Lãnh đạo Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục Xuất bản, Bộ thông tin và Truyền thông điều hành Hội nghị. Ảnh ĐA


Về tình trạng in lậu, nhiều ý kiến đồng tình chủ trương, biện pháp thắt chặt và tăng cường chống các hành vi in lậu. Cũng có ý kiến bày tỏ sự lo lắng tình trạng để lộ bí mật cho tư nhân bản quyền tác phẩm mua của nước ngoài; coi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng in lậu tràn lan các tác phẩm, nhất là những cuốn sách đang bán chạy trên thị trường.

Về chính sách thuế nhập khẩu giấy in, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần điều chính giảm thuế đề tạo điều kiện giảm giá thành các ấn phẩm in, tạo điều kiện cho các nhà xuất bản phát triển.

Về mô hình nhà xuất bản, cũng có một số ý kiến trăn trở, mong muốn Nhà nước sớm thống nhất mô hình để tạo điều kiện cho các nhà xuất bản ổn định và phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nêu rõ: Kết quả công tác 6 tháng đầu năm của toàn ngành là rất đáng biểu dương. Tuy vậy những sai phạm, đặc biệt là để lọt lưới các ấn phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, chất lượng kém…thời gian qua rất cần phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc.

Đồng chí Đỗ Quý Doãn cũng nhấn mạnh: Những trăn trở, bức xúc của các đại biểu tại Hội nghị này là có cơ sở và chính đáng. Bộ đang quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành chức năng để hoàn thiện các văn bản pháp quy tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản, nhất là cơ chế, chính sách thuế nhập khẩu giấy in, Quỹ hỗ trợ xuất bản…Bộ cũng đã và đang tích cực đôn đốc các tỉnh, thành phố sớm thành lập đội thành tra liên ngành chống in lậu. Còn vấn đề mô hình nhà xuất bản thì khó có thể thống nhất một mô hình thống nhất, áp dụng cho toàn quốc. Tùy điều kiện, đặc thù của ngành hay địa phương mà áp dụng mô hình cho phù hợp. Cũng có nơi thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp có thu. Có nơi lại áp dụng mô hình công ty tránh nhiệm hữu hạn một thành viên….Vấn đề quan trọng nhất là nhà xuất bản phải đặt dưới sự chỉ đạo, định hướng chính trị, quản lý của cơ quan chủ quản; vừa đảm bảo tính tư tưởng văn hóa trong nội dung của từng ấn phẩm, vừa đảm bảo có lãi trong sản xuất kinh doanh để tự trang trải.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bắc Son nêu rõ: Trong suốt quá trình phát triển, quan điểm xuyêt suốt và nhất quán của Đảng ta luôn coi xuất bản là công cụ tư tưởng - văn hoá sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có chức năng và nhiệm vụ cơ bản là tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội, xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam. Chỉ thị 42 CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã khẳng định rất rõ quan điểm này và coi đó là mục tiêu phát triển của sự nghiệp xuất bản.

Vì vậy, đối với các đơn vị xuất bản, hiệu quả hoạt động của các đơn vị xuất bản, nhất là các nhà xuất bản không thể chỉ tính ở hiệu quả kinh tế của nó mà trước hết phải ở hiệu quả chính trị mà nó đem lại. Với cách tiếp cận như thế, trong tình hình trước mắt, có 5 việc mà chúng ta cần tập trung thực hiện, đó là:

Thứ nhất, hoàn thiện mô hình doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất bản. Đó là một trong những nhiệm chủ yếu mà Chỉ thị 42 đã đặt ra. Tuy nhiên sau hơn 5 năm thực hiện, bức tranh về một mô hình doanh nghiệp hiện đại làm nhiệm vụ xuất bản của chúng ta còn khá mờ nhạt. Những mô hình xuất bản hiện đại như tập đoàn, tổ hợp xuất bản chưa xuất hiện. Nghịch lý trong mô hình vận hành tiêu thụ sản phẩm sách khi có quá nhiều nhà sách nhưng còn thiếu những đầu mối tiêu thụ lớn, khiến cho thị trường bị chia cắt, manh mún, tự triệt tiêu nguồn lực vẫn đang tồn tại, là thách thức lớn cho sự phát triển của một nền xuất bản hiện đại.

Về phía Đảng và Nhà nước, Kết luận 289-TB/TW ngày 4/12/2009 của Ban Bí thư Về xây dựng mô hình nhà xuất bản trước yêu cầu mới đã chỉ rõ định hướng phát triển mô hình xuất bản trong thời gian tới. Chính phủ đang giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chuẩn bị dự thảo Quyết định về mô hình nhà xuất bản. Quyết định này sẽ cơ sở để các nhà xuất bản xây dựng và hoàn chỉnh mô hình hoạt động của mình. Song song với việc xây dựng mô hình, Ban Bí thư cũng đã giao cho Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì các Bộ ban ngành hữu quan phối hợp, rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thuế, đầu tư có tính ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xuất bản phù hợp với đòi hỏi của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

Thứ hai, hoàn chỉnh qui hoạch tổng thể toàn ngành, chiến lược phát triển của các nhà xuất bản. Hiện chúng ta có 60 nhà xuất bản, số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, so với khoảng 900 cơ quan báo chí hiện có hoặc tính trên tỉ lệ dân số với trên 85 triệu người, tức là 1 nhà xuất bản/ xấp xỉ 1,5 triệu người thì số lượng đó đã nhiều chưa? Chúng ta cần tính toán khoa học, chính xác trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các nhà xuất bản, tránh hiện tượng chồng chéo, dẫm chân lên nhau, tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Các nhà xuất bản không thể chỉ là nơi cấp giấy phép cho các nhà sách, để nhà sách chi phối hoạt động, không kiểm soát nội dung dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

Bên cạnh đó, quy hoạch đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực xuất bản, chuẩn hoá đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp phù hợp với yêu cầu của nền xuất bản hiện đại cũng là nhiệm vụ có tính cấp bách hiện nay. Ban Bí thư đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai thực hiện Đề án này nhưng đối với mỗi cơ quan chủ quản và nhà xuất bản, yêu cầu có tính nguyên tắc là phải lập quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn 5 năm trở lên về quy mô, năng lực, thương hiệu, chủng loại sách, quan hệ thị trường... để từ đó hình thành định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của trong từng giai đoạn, khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, bị động, phụ thuộc vào cán bộ được điều động về lãnh đạo.

Thứ ba, tăng cường năng lực và tiềm lực của các nhà xuất bản. Một mô hình, một qui hoạch dù hoàn thiện đến đâu cũng chỉ là những bản thiết kế. Nó cần những vật liệu để hiện thực hoá bản thiết kế đó. Vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực có chất lượng chính là những vật liệu để xây dựng được một nền xuất bản hiện đại. Trong cơ chế thị trường và trước yêu cầu của quá trình hội nhập, chúng ta đang đứng trước tác động tiêu cực lên đời sống xuất bản như khuynh hướng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa, khuynh hướng thương mại hoá đơn thuần... Các nhà xuất bản cũng sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh mới, gay gắt hơn. Trong cuộc cạnh tranh đó, sự hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật, về qui mô vốn và khả năng thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao... khó có thể cho các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Vì thế, yêu cầu tăng cường năng lực, tiềm lực là điều kiện cần cho sự phát triển ổn định, đúng định hướng của các nhà xuất bản.

Thực nhiệm vụ này cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ban, ngành nhưng trước hết và mang tính quyết định là vai trò của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản. Thông qua đầu tư vốn, cơ cở vật chất, kỹ thuật, trụ sở làm việc, thông qua việc dành những cơ chế, chính sách thích hợp như tạo điều kiện cho nhà xuất bản khai thác nguồn bản thảo, đặt hàng cho nhà xuất bản, để nhà xuất bản tổ chức xuất bản tài liệu, sách trong phạm vi ngành, địa phương mình phụ trách; thông qua chính sách xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, các cơ quan chủ quản từng bước tăng cường năng lực, tiềm lực cho nhà xuất bản của mình. Riêng đối với khối cơ quan chủ quản nhà xuất bản địa phương, cần chỉ đạo tăng cường mối quan hệ giữa nhà xuất bản với các đơn vị trong ngành ở địa phương như in, phát hành và hệ thống thư viện. Cần tạo dựng vị thế cho nhà xuất bản trong mối quan hệ với các đơn vị chức năng trong Ban, ngành địa phương tương xứng với vị trí, chức năng của hoạt động xuất bản.

Thứ tư, phát huy tính chủ động của nhà xuất bản trong xây dựng chương trình, kế hoạch, đề xuất giải pháp khả thi, phối hợp với cơ quan chủ quản thực hiện tốt chức năng và trách nhiệm của mình; trong quá trình phối hợp giữa các nhà xuất bản để thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt việc phối hợp để tự tạo cho mình cơ chế hoạt động đồng bộ, thống nhất trên cơ sở chia sẻ lợi ích của đơn vị với lợi ích của toàn ngành, lợi ích của toàn ngành với lợi ích của xã hội (như vấn đề lịch blốc gần đây); trong xây dựng quan hệ với các đơn vị trong ngành, địa phương, tìm kiếm nguồn bản thảo có chất lượng; trong thực hiện chủ trương xã hội hoá, thu hút các nguồn lực xã hội vào hoạt động xuất bản; trong nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên, đặc biệt là trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên trong các nhà xuất bản.

Thứ năm, giải quyết có hiệu quả một số vấn đề bức xúc của ngành như vấn đề quản lý nội dung xuất bản phẩm trong quá trình liên doanh, liên kết, vấn đề cổ phần công ty phát hành sách và xây dựng hệ thống nhà sách ở những nơi khó khăn, đặc biệt là vấn đề sách lậu. Nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức để tìm giải pháp giải quyết vấn nạn này. Song vấn đề ở đây là chúng ta cần xác định chính xác một hệ thống giải pháp khả thi và tổ chức thực hiện nó trong sự quyết tâm cao của toàn ngành.

Để tiếp tục phát huy thành tích, khắc phục một số tồn tại, yếu kém của 6 tháng đầu năm 2010, từ nay cuối năm, toàn Ngành cần tập trung vào những công việc lớn sau đây:

Một là, đối với các nhà xuất bản, cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, Bộ, Ban, ngành và địa phương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các nhà xuất bản để xây dựng kế hoạch đề tài xuất bản nhiều sách tốt, sách hay đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Chú trọng các đề tài chính trị - xã hội: Tuyên truyền thành tựu 5 năm Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng; tuyên truyền cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiên thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng; tích cực tham gia phục vụ đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI... Tuyên truyền sâu, rộng, với các nội dung và hình thức phong phú cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; các lễ kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 80 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Xây dựng, hoàn chỉnh chiến lược phát triển của mỗi đơn vị xuất bản, trong đó chú trọng, chiến lược cán bộ, chiến lược đề tài như xây dựng các tủ sách mang đặc trưng của mỗi nhà xuất bản. Chú ý đầu tư những công trình xuất bản có giá trị học thuật và tổng kết thực tiễn.

Kiên quyết khắc phục một số khuynh hướng xuất bản tiêu cực ảnh hưởng đến chức năng giáo dục của xuất bản phẩm, đặc biệt là khuynh hướng khai thác những đề tài cũ, lật lại những vấn đề của lịch sử với nội dung trái với quan điểm, nhận định, đánh giá của Đảng, Nhà nước; khuynh hướng khai thác đề tài cổ vũ lối sống tự do tình dục, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc; khuynh hướng thương mại hoá chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần đưa ra thị trường xuất bản phẩm thoả mãn thị hiếu thấp kém của một bộ phận người đọc. Biểu hiện thiếu trách nhiệm khi xuất bản các ấn phẩm thiếu giá trị văn chương và tính giáo dục, mang tính kích dục như Sợi xích, Dại tình... cần kiên quyết khắc phục. Đối với các loại sách hồi ký, sách lịch sử phát triển đất nước, ngành, địa phương, phải tuân thủ các qui định của Đảng (Chỉ thị 25-CT/TW Về việc nói và viết những vấn đề liên quan đến lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Quyết định 281-QĐ/TW về việc chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung xuất bản phẩm) và Luật Xuất bản. Chú ý tính chân xác của sự kiện, nhân vật và tác động của nó lên đời sống tinh thần của toàn xã hội.

Nêu cao trách nhiệm trực tiếp của Giám đốc, Tổng biên tập các nhà xuất bản trong việc xem xét đề tài và cấp phép xuất bản để khắc phục không để lọt số sách vi phạm các khuynh hướng trên.

Hai là, đối với các đơn vị phát hành sách, phấn đấu thực hiện tốt 2 nhiệm vụ: phục vụ nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Các đơn vị phát hành xuất bản phẩm căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của từng địa phương; bằng nhiều hình thức chủ động phát hành xuất bản phẩm, trong đó có các đầu sách lý luận chính trị phục vụ các đợt tuyên truyền nhân các ngày lễ, tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội Đảng XI. Chủ động kế hoạch bán, cung cấp sách cho các tủ sách chi bộ, tủ sách pháp luật phường, xã, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, hải đảo và phục vụ thông tin tuyên truyền đối ngoại về thành tựu phát triển đất nước.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa các đơn vị phát hành xuất bản phẩm phải tự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách để khẳng định mình. Cần tìm ra một hình thức kinh doanh hợp lý đối với mỗi vùng, miền, mỗi địa phương để tổ chức kinh doanh có lãi.

Đồng chí Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Kết quả hội nghị hôm nay tạo niềm tin, sự phấn khởi của toàn ngành quyết tâm hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ năm 2010. Sau Hội nghị này, các đơn vị trong ngành, từ Trung ương đến cơ sở cần triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm năm 2010 với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tư tưởng, chất lượng nội dung các ấn phẩm xuất bản, kiên trì tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động nhằm hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao./.

Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất