Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 29/12/2009 15:23'(GMT+7)

Nâng cao trí tuệ, năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng trong giai đoạn mới

Nhành hoa Xuân (ảnh minh hoạ)

Nhành hoa Xuân (ảnh minh hoạ)

 Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy: Chủ trương, đường lối chiến lược cách mạng của Đảng đề ra đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân là định hướng quan trọng cho mọi hoạt động thực tiễn về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội giành được thắng lợi.

Cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua, kể từ khi có Đảng lãnh đạo đã chứng minh: Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (ĐLDT, CNXH), dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đã được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng, ở các giai đoạn cách mạng. Nhân dân đã quyết tâm thực hiện bằng được những chủ trương đường lối đó. Đảng làm mọi việc vì dân, dân đồng lòng với Đảng, thì dù nhiệm vụ cách mạng có khó khăn mấy nhân dân ta cũng vượt qua: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cách mạng XHCN thời kỳ trước đổi mới, trong đường lối, chủ trương, Đảng ta cũng đã phạm một số sai lầm do chủ quan duy ý chí, nóng vội trong cải tạo XHCN; duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, mặc dù cơ chế này đúng với thời kỳ chiến tranh, song trong giai đoạn mới cả nước tập trung phát triển kinh tế để tiến lên CNXH thì nó không còn phù hợp nữa, cần phải xóa bỏ.

Tại Đại hội V và Đại hội VI, Đảng đã tự phê bình và đề ra đường lối đổi mới phù hợp với thực tiễn nước ta, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới. Trước hết, là chuyển nền kinh tế bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (còn gọi là kinh tế thị trường phát triển theo định hướng XHCN); cải tiến công tác phân phối, lưu thông, thực hiện chính sách một giá, bảo đảm cho hàng hóa vận động thông suốt trong cả nước; đổi mới quản lý công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, đó là lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu cùng nhiều chính sách kinh tế khác. Tại Đại hội VII, VIII, IX và đại hội X, Đảng ta tiếp tục đề ra những chủ trương, đường lối, chiến lược cách mạng đúng đắn đó là đẩy mạnh CNH, HĐH; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp hiện đại tiên tiến. Qua hơn 20 năm đổi mới, do có đường lối, chính sách đúng đắn phù hợp nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, cùng với tinh thần quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực; chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống dân sinh được cải thiện một bước quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài, tạo thế đi lên và khẳng định con đường chúng ta đang đi là đúng đắn.

Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc đổi mới đang được đẩy mạnh toàn diện; thực hiện CNH, HĐH đất nước, chủ động mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tình hình kinh tế-xã hội trong nước và tình hình thế giới đã có những biến đổi vừa có lợi, vừa bất lợi cho ta. Trong bối cảnh của tình hình mới, tất yếu đòi hỏi Đảng phải nâng cao trí tuệ, năng lực hoạch định chủ trương, đường lối đổi mới phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Theo hướng tư duy đó, Đảng ta đã tiếp tục coi trọng và quán triệt sâu sắc những yêu cầu cơ bản sau đây:

Một là, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, bao gồm lợi ích chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuỳ theo mục tiêu từng giai đoạn cách mạng mà xác định lợi ích nào giữ vị trí trung tâm, chi phối. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chính trị là lợi ích hàng đầu, không giành được độc lập thì không có tất cả, và chính quyền mới phải nằm trong tay đông đảo nhân dân lao động. Trong công cuộc xây dựng đất nước, đi lên CNXH, vấn đề lợi ích đặt ra khá toàn diện trong đó lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế phải được quan tâm hàng đầu, vì xét cho cùng thì chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Các mặt lợi ích khác phải được giải quyết một cách hài hòa với lợi ích chính trị và kinh tế. Nhân dân cần có hệ tư tưởng lành mạnh, có quyền làm chủ về chính trị, có đời sống ấm no hạnh phúc, được hưởng một đời sống văn hóa cao và sống trong một xã hội có môi trường lành mạnh, văn minh. Xây dựng CNXH là xây dựng một xã hội giàu có, công bằng, dân chủ và văn minh; mọi người dân không chỉ làm chủ chính trị, kinh tế mà còn làm chủ văn hóa và xã hội ở trình độ ngày càng cao.

Hai là, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đề ra phải mang tính chiến lược và toàn cục. Bởi vì không gian hoạt động của xã hội ngày càng tăng lên, nhiều mối liên hệ giữa các yếu tố càng gắn chặt, tốc độ thay đổi ngày càng nhanh, ảnh hưởng hành động của chủ thể càng lớn, nên phạm vi thực hiện của chiến lược cũng không ngừng mở rộng. Vấn đề chiến lược ngày nay đã len lỏi cả vào lĩnh vực đời sống xã hội như “chiến lược phát triển kinh tế”, “chiến lược phát triển con người” v.v... Các chiến lược này có mối quan hệ khăng khít với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Đặc điểm của chiến lược, trước hết là tính toàn cục, vì vậy khi đề ra chiến lược cách mạng phải phân biệt toàn cục và bộ phận, chú trọng toàn cục. Vì nắm chắc cái có tính toàn cục thì càng có nhiều khả năng hơn để sử dụng cái có tính bộ phận, vì bộ phận phụ thuộc toàn cục. Cách mạng nước ta hiện nay không thể nằm ngoài xu thế của thời đại, “nếu chỉ thấy cây mà không thấy rừng”sẽ không thể định ra được chiến lược, sách lược đúng. Thứ hai là, tính lâu dài. Chiến lược là dự kiến khoa học về sự phát triển trung và dài hạn, điều này đòi hỏi Đảng phải có tầm nhìn lâu dài hướng về tương lai, cần phải chú trọng đến lợi ích lâu dài của nhân dân. Đồng thời phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa trước mắt và lâu dài, cố gắng kết hợp giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. Thứ ba là, tính tầng lớp của chiến lược. Chiến lược là vấn đề đưa ra có tính toàn cục, được thực hiện bằng những chính sách cụ thể; toàn cục lại là một hệ thống, hệ thống lại có tầng lớp. Tầng lớp khác nhau, có các chiến lược, chính sách lớp tầng khác nhau. Khi giải quyết mối quan hệ giữa các tầng lớp chiến lược hay chính sách cần phải nắm vững nguyên tắc cơ bản là chiến lược, chính sách của tầng lớp trên chi phối chiến lược, chính sách của tầng lớp dưới, chiến lược chính sách vi mô phải phục tùng chiến lược, chính sách vĩ mô. Thứ tư là, tính ổn định. Việc định ra chiến lược phải bảo đảm cho nó được thực thi ổn định và liên tục, gây được lòng tin với nhân dân, hết sức tránh sự duy ý chí chủ quan làm cho chiến lược, chính sách thay đổi một cách tuỳ tiện. Đương nhiên, tính ổn định của chiến lược hay chính sách là tương đối; bất kỳ chiến lược nào cũng chỉ là mưu lược đại thể, là những nét phác thảo chung, nên quá trình thực hiện chiến lược và chính sách cần phải phù hợp với sự thay đổi của tình hình thực tế khách quan, có những điều chỉnh kịp thời, cần thiết, hợp lý để phù hợp với lòng dân khi những điều kiện khách quan trong cuộc sống đã thay đổi.

Ba là, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đề ra phải bao hàm được quyền lợi của nhân dân lao động và cả dân tộc.

Chủ trương, đường lối, chính sách phải bao hàm được quyền lợi của hầu hết các tầng lớp nhân dân lao động. Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng là để đem lại quyền lợi hạnh phúc, bình đẳng cho mọi người không phân biệt tầng lớp, sắc tộc, ai ai cũng đều được hưởng những thành quả của cách mạng đem lại. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đề ra cho sự nghiệp cách mạng bao hàm được quyền lợi của đông đảo nhân dân, nhân dân sẽ đồng lòng, đồng sức thực hiện, nhiệm vụ của cách mạng đặt ra nhất định sẽ thành công.

Bốn là, chủ trương, đường lối, chính sách có mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Tính khả thi của mục tiêu phải được thể hiện ngay trong chủ trương và chính sách, nghĩa là nó phải có căn cứ khoa học. Các biện pháp để thực hiện phải sát với hoàn cảnh thực tế, với năng lực thực hiện của nhân dân.

Năm là, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đề ra trong từng giai đoạn phải có tính vững chắc. Nghĩa là nó phải được thử thách trong thực tế dù cho môi trường để thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách đó có thuận lợi hay khó khăn thì vẫn có thể đạt kết quả tốt. Chính tính vững chắc đó là niềm tin cổ vũ nhân dân quyết tâm thực hiện bằng được những chủ trương, đường lối của Đảng đề ra cho sự nghiệp cách mạng trong từng thời kỳ.

Để làm tròn vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, cần chủ động mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước giầu mạnh. Một yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách là Đảng ta phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để đề ra chủ trương, đường lối, chiến lược luôn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; đồng thời tổ chức, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chiến lược đó trong bất kỳ tình thế nào để đưa đất nước ta từng bước tiến lên CNXH vững chắc, thực hiện thắng lợi, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

PGS, TS. Cao Duy Hạ

Học viện CT - HCQG Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất