(TCTG) Chỉ trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, toàn huyện đã làm được 120 km đường nhựa; 600 km đường bê tông, xây dựng 488 km kênh mương bê tông. Riêng hệ thống hồ đập trong vòng hơn 2 năm đã thực hiện nâng cấp 7 hồ đập vùng hữu ngạn cùng với hệ thống kênh mương tưới tiêu,
Đột phá cách chỉ đạo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương lần thứ XXVIII xác định 5 vùng kinh tế: Cát Ngạn, Hoa Quân, Bích Hào, Hạnh Lâm, Đại Đồng với những mũi kinh tế trọng tâm cho từng vùng, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nhiều giải pháp tích cực được đưa ra, trong đó đặc biệt quan tâm đổi mới phương pháp, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và toàn bộ hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Cùng với chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng năm, từng mùa vụ; tổ chức sản xuất ổn định 8.000 ha lúa/năm, huyện tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện một số đề án, như: phát triển cây chè công nghiệp; cây sắn nguyên liệu; trâu, bò hàng hóa; khai thác cát, sạn; tiểu thủ công nghiệp, làng nghề... gắn với từng vùng.
Trong triển khai quan tâm chỉ đạo ở cơ sở, gắn trách nhiệm cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tránh tình trạng như trước đây cán bộ cơ sở ghi chép và nhớ được cái gì về triển khai cái đó. Đồng thời mỗi đề án giao cho một đoàn thể phụ trách công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo nhân dân thực hiện. Định kỳ 3 tháng, tổ chức giao ban để bàn bạc, đánh giá về tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc....
Đồng thời trong từng đề án cụ thể, ở từng thời gian nhất định được tổ chức nghe riêng để tập trung bàn sâu hơn. Đối với những cơ sở cán bộ còn yếu về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thì tổ chức luân chuyển cán bộ huyện về trực tiếp chỉ đạo. Ví dụ như xã Thanh An - có nếp sinh hoạt 8h sáng mới dậy ăn cơm sáng, cả xã uống rượu, nợ triền miên. Sau khi thực hiện luân chuyển, đưa cán bộ huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã, đến nay các khoản nợ của Nhà nước đã được thanh toán đầy đủ cả cũ và mới; huy động được nhân dân làm đường, xây dựng chợ, nhà văn hóa...
Tạo được những vùng, nhóm hàng hóa
Đến nay, Thanh Chương bước đầu hình thành được từng "vệt" vùng kinh tế với một số nhóm hàng hóa có thương hiệu. Đó là cây chè với 3.200 ha khai thác (chưa kể mỗi năm trồng mới 400 ha), năng suất bình quân 10 tấn/ha, đạt gần 80 tỷ đồng/năm. Cây nguyên liệu giấy ở những xã miền núi, vùng đồi với diện tích hàng nghìn héc ta đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình có thu nhập đến hàng chục triệu đồng, có trang trại cho thu nhập lên đến 70 - 80 triệu đồng. Cây sắn nguyên liệu với 2.500 ha, thu nhập đạt 50 tỷ đồng (năm 2008). Cây cam vùng tổng đội cũng đang tạo được thương hiệu, mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình vùng Hạnh Lâm, có hộ thu nhập 80 triệu đồng. Nhóm trâu, bò, dê hàng hóa (tổng đàn 90.000 con); nhóm lợn, gà cũng có nguồn thu tương đối lớn.
Nhóm gạch, ngói, cát, sạn khu vực Rào Gang, Rú Nguộc, Thanh Ngọc, Thanh Chi, Ngọc Sơn, đạt công suất sản xuất 80 triệu viên/năm (mục tiêu đại hội phấn đấu đạt 100 triệu viên/năm). Duy trì và mở rộng được các nghề truyền thống như vật liệu xây dựng, nông cụ cầm tay, đồ mộc dân dụng, cao cấp, cơ khí... Có một làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề bánh bún Làng Vịnh.
Cùng với mũi kinh tế, huyện đã thực hiện quy hoạch thị trấn, thị tứ trên địa bàn huyện. Đến nay, thị trấn Dùng đã được quy hoạch, quy mô mở rộng gấp gần 4 lần so với trước đây, từ 180 ha lên 700 ha. Xét về yếu tố truyền thống, hiện tại và tương lai, tổ chức quy hoạch và định hướng xây dựng thị trấn Rộ trở thành vùng kinh tế mang tính đầu tàu của huyện (hiện đã có dự án xây dựng khu thương mại Rộ của một doanh nghiệp ở Hà Nội và dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Rộ của Công ty Song Quỳnh làm thủ tục đầu tư); quy hoạch một số thị tứ gồm Phuống, Hạnh Lâm, Rạng, Cồn. Quy hoạch lại các khu đô thị mới khu vực thị trấn; trung tâm các xã; dọc 2 bên đường Hồ Chí Minh.
Chỉ trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, toàn huyện đã làm được 120 km đường nhựa; 600 km đường bê tông, xây dựng 488 km kênh mương bê tông. Riêng hệ thống hồ đập trong vòng hơn 2 năm đã thực hiện nâng cấp 7 hồ đập vùng hữu ngạn cùng với hệ thống kênh mương tưới tiêu, như: đập Cửa Ông, Mưu Sỹ, Lại Lò, Cầu Can, Vực Sụ..., với tổng giá trị 120 tỷ đồng, góp phần phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân.
Chuyển biến là vậy, nhưng kinh tế Thanh Chương vẫn chưa theo kịp sự phát triển chung. Ngoài cái khó do yếu tố về điều kiện tự nhiên như vùng Bích Hào, hiện nay do thường xuyên ngập lụt chỉ sản xuất 1 vụ trong năm. Người dân Thanh Chương vẫn còn nặng thói quen, tập quán sản xuất cũ, chậm thích ứng với cái mới, cung cách làm mới. Cán bộ cơ sở Thanh Chương năng lực nhìn chung còn yếu, đặc biệt là việc đề xuất giải pháp thực hiện.
Vì vậy, Thanh Chương cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó tập trung đổi mới công tác tư tưởng, đặc biệt quan tâm đến tư duy sản xuất hàng hóa cho cán bộ và nhân dân. Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu, xây dựng mối đoàn kết cộng sự, tiếp tục đổi mới cách lãnh đạo.
Minh Hà, Nghệ An