Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 4/11/2011 20:25'(GMT+7)

Về việc giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin ở các trư­ờng đại học khối không chuyên ngành Mác – Lênin

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một là: Hầu hết giảng viên được phân công giảng dạy môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã yên tâm hơn.

Như chúng ta đã biết, ở hầu hết các trường đại học, giảng viên giảng dạy môn học này là những giảng viên giảng dạy ba môn học trước đây là Triết học Mác - Lênin; Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là những giảng viên đã được đào tạo ở trình độ đại học và trên đại học theo các chuyên ngành Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học và đã tham gia giảng dạy nhiều năm theo các chuyên ngành này. Trong một vài năm đầu thực hiện quyết định 52/2008/QĐ-BGD ĐT, nhiều giảng viên chưa thật yên tâm, một số giảng viên chỉ nhận giảng dạy những chương, những bài, những phần thuộc chuyên ngành mình được đào tạo trước đây, một số không ít giảng viên có tư tưởng chờ đợi vì cho rằng trước sau sẽ quay lại giảng dạy các môn Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh như cũ. Đến nay những giảng viên này đã có thay đổi về nhận thức, thừa nhận cần có sự thay đổi đối với việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các trường đại học.

Hai là: Từ sự đóng góp của đội ngũ giảng viên đã và đang giảng dạy môn học trên phạm vi cả nước, với sự cố gắng của tập thể tác giả, đến nay đã có được giáo trình Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và học tập môn học. Sau khi có quyết định 52/2008/QĐ-BGD ĐT, tháng 9/2009 giáo trình Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin được xuất bản lần thứ nhất. Lần xuất bản này, giáo trình còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết. Để khắc phục những hạn chế và khiếm khuyết đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng tập thể tác giả đã lấy ý kiến đóng góp của tất cả giảng viên giảng dạy môn học. Tháng 9/2011 giáo trình Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được tái bản có sửa chữa, bổ sung. Giáo trình xuất bản lần này nhìn chung có tiến bộ, đã phần nào loại bỏ được những hạn chế của giáo trình in lần trước.

Ba là: Thời gian giảng dạy môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng và các môn lý luận chính trị nói chung trong trường đại học phù hợp với quỹ thời gian cả khoá học của sinh viên. Theo xu thế chung, các trường đại học hiện nay đều đào tạo theo tín chỉ, thời gian của cả khoá học là 4 năm. Trong thời gian ấy sinh viên phải hoàn thành 130 đến 140 tín chỉ (tuỳ theo trường đại học), việc giành 10 tín chỉ trong tổng số tín chỉ ấy để sinh viên học tập các môn lý luận chính trị (5 tín chỉ cho môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin , 2 tín chỉ cho môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, 3 tín chỉ cho môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam) là hợp lý.

Trong quá trình triển khai giảng dạy môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin , chúng tôi thấy đã và đang nổi lên những vấn đề cần tiếp tục  hoàn thiện. Đó là:

Thứ nhất: Xuất hiện mâu thuẫn giữa lượng kiến thức giảng viên cần trình bày, sinh viên cần nắm với lượng thời gian bố trí cho môn học dẫn đến kết quả học tập của sinh viên thấp so với yêu cầu về chất lượng đào tạo môn học. Thông thường, để chuyển tải nội dung môn học, những người làm chương trình thường đặt ra hai yêu cầu, yêu cầu người dạy phải đổi mới phương pháp để trong một thời gian ngắn nhất có thể chuyển tải đến người học nhiều nhất những vấn đề môn học đặt ra và yêu cầu người học phải sử dụng thời gian tự học nhiều nhất để lĩnh hội kiến thức của môn học. Điều đó là đúng về mặt lý thuyết nhưng thực tế diễn ra không phải như vậy.

Thời gian bố trí cho môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin là 5 tín chỉ (75 tiết) trong đó giảng viên giảng trên lớp 52 tiết còn 23 tiết là thời gian để sinh viên thảo luận. Với 52 tiết giảng, giảng viên phải trình bày 9 vấn đề lớn sau đây: Chủ nghĩa duy vật biện chứng; Phép biện chứng duy vật; Chủ nghĩa duy vật lịch sử; Học thuyết giá trị; Học thuyết giá trị thặng dư; Học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước; Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; Những vấn đề chính trị - xã hội có tính quy luật trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa; Chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng. Theo chúng tôi, dù giảng viên có giỏi mấy, có áp dụng phương pháp gì thì cũng khó làm cho sinh viên nắm được những nét cơ bản của những vấn đề lớn vừa nêu.

Thời gian bố trí cho một học kỳ của sinh viên là 15 tuần, mỗi tuần sinh viên học tập 6 ngày, mỗi ngày sinh viên làm việc 12 giờ trong đó 5 giờ lên lớp và 7 giờ tự học. Như vậy trong một học kỳ sinh viên có 630 giờ tự học. Với cách bố trí các môn học như hiện nay, về mặt lý thuyết sinh viên có hơn 300 giờ tự học đối với môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy vậy sinh viên hiện nay rất ít sử dụng thời gian tự học nhất là sử dụng thời gian tự học đối với các môn học Lý luận chính trị.

Tình hình trên dẫn đến kết quả học tập của sinh viên đối với môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin thấp.

Thứ hai: Vẫn còn tình trạng giảng viên Bộ môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin chưa yên tâm đảm nhận việc giảng dạy toàn bộ nội dung môn học, dẫn đến việc tổ chức giảng dạy môn học còn gặp khó khăn. Về cấu trúc nội dung, môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin gồm 3 phần: Thế giới quan và phương pháp luận triết học Mác - Lênin; Học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản Chủ nghĩa và Lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin về Chủ nghĩa xã hội. Khi hình thành bộ môn này, một số trường đã bố trí giảng viên giảng dạy môn Triết học trước đây đảm nhận dạy phần 1, giảng viên giảng dạy môn Kinh tế chính trị đảm nhận dạy phần 2, giảng viên giảng dạy môn Chủ nghĩa xã hội khoa học đảm nhận giảng dạy phần 3. Có một số trường lại bố trí giảng viên giảng dạy môn Triết học trước đây đảm nhận giảng dạy phần 1 còn giảng viên giảng dạy môn Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học đảm nhận giảng dạy phần 2 và phần 3.

Vì vậy hiện nay ở một số trường giảng viên giảng dạy phần 1 không giảng dạy được phần 2, phần 3 và giảng viên giảng dạy phần 2, phần 3 không giảng dạy được phần 1.

Thứ ba: Theo công văn số 2488/BGD ĐT-ĐH và SĐH về việc thông báo kế hoạch tổ chức giảng dạy các môn Lý luận chính trị cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng ngày 25/3/2008. Bộ giáo dục và Đào tạo có yêu cầu "Các đại học, Học viện, Các trường Đại học đào tạo chuyên ngành Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trình độ đại học, sau đại học chủ động kết cấu lại chương trình đào tạo theo hướng chuyên sâu và phù hợp với việc đào tạo giảng viên các môn lý luận chính trị cho các trường Đại học, Cao đẳng". Thế nhưng sự chuyển động này diễn ra còn quá chậm chạp. Cũng ở công văn này Bộ yêu cầu "Đối với giảng viên dạy các môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam bắt buộc phải có Chứng chỉ đã tham gia các lớp Bồi dưỡng theo chương trình mới do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức". Hai điều vừa nêu trên đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đào tạo nguồn, đến quá trình tuyển dụng giảng viên mới và tổ chức giảng dạy môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học.

Là những môn học mới lại được triển khai giảng dạy ở tất cả các trường đại học nên những khó khăn, vướng mắc khi triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị nói chung và môn học Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng là khó tránh khỏi. Theo chúng tôi, để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học này, Ban Tuyên giáo, Bộ giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục có những đợt khảo sát, đánh giá, kết luận và đưa ra những chỉ đạo sát sao, kịp thời phù hợp với thực tiễn./.

Phạm Minh Phượng, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất